Khát vọng Văn Bàn

Đến Văn Bàn, tôi thấy khát vọng về cuộc sống mới thể hiện rõ trong nhận thức, việc làm của người dân.

Trước đây, Văn Bàn được người dân gọi chệch là “Văn Buồn”, ngụ ý nói về sự mệt mỏi, chán chường của người dân khi đường đi cách núi, mắc sông. Ngày đó, từ trung tâm tỉnh về huyện Văn Bàn gần 100 km theo Tỉnh lộ 151 nhỏ hẹp, đến Khe Chấn phải đi phà qua suối Nhù, chiếc phà cũ kỹ chạy bằng ròng rọc, gặp lũ có khi mất cả tuần mới qua được. Còn xuôi tàu về ga Bảo Hà, phải men theo Quốc lộ 279 xuống bến phà Tân An, đợi phà chở ô tô qua sông Hồng, hành khách đi “ké” trên chiếc phà nặng nhọc được tàu lai dắt từ bờ đông sang bờ tây, nhiều lúc đợi cả ngày mới qua được sông, lỡ hết công việc…

Tôi đến thăm gia đình ông Lê Văn Quý ở tổ 2, thị trấn Khánh Yên. Ông Quý nguyên là Phó Bí thư Huyện ủy Văn Bàn, người trưởng thành và gắn bó với mảnh đất này. Ông Quý chia sẻ: “Trước khi tách tỉnh, Văn Bàn là một huyện miền núi hẻo lánh. Nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển, phần lớn cư dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Bước ngoặt trong quá trình tạo nên huyện lỵ Văn Bàn sầm uất, đẹp như hôm nay bắt đầu từ năm 1991, sau khi tỉnh Lào Cai được tái lập, huyện Văn Bàn tranh thủ được các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp xây dựng công trình cầu Khe Chấn bắc qua suối Nhù và cầu Bảo Hà bắc qua sông Hồng, phá thế cô lập Văn Bàn với bên ngoài. Cùng với đó, huyện tập trung mọi nguồn lực chỉnh trang hạ tầng đô thị thị trấn Khánh Yên. Bây giờ, đi xe ô tô khách từ trung tâm tỉnh về huyện chỉ mất 2 giờ”.

Diện mạo nông thôn Văn Bàn ngày càng khởi sắc.

Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn Đỗ Văn Duy cho biết: 25 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Văn Bàn đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt cao, trong đó GDP giai đoạn 2010 - 2015 tăng trưởng 14%/năm. Điều quan trọng là cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: Năm 1991, tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp chiếm 90,5%, đến nay chỉ chiếm 34,9%; thương mại, dịch vụ và công nghiệp, xây dựng cơ bản từ chỗ chiếm 9,5% (năm 1991) đến nay chiếm 65%. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2015 đạt 996,6 tỷ đồng; giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt 75,021 tỷ đồng, tăng 45 lần so với năm 1991. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến. Đến nay, toàn huyện có 59/89 trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục THCS; tỷ lệ tốt nghiệp THPT hằng năm đạt 97% và tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường cao đẳng, đại học ngày càng tăng…

Đến Văn Bàn, tôi thấy khát vọng về cuộc sống mới thể hiện rõ trong nhận thức, việc làm của người dân. Từ 11.733 ha đất trồng cây lương thực, thâm canh lúa được coi là mũi nhọn phát triển kinh tế, Văn Bàn đã hình thành được vùng sản xuất cánh đồng “một giống” 850 ha tập trung ở các xã: Võ Lao, Dương Quỳ, Khánh Yên Hạ, năng suất lúa đạt 80 tạ/ha. Năm 1991, tổng sản lượng lương thực huyện Văn Bàn chỉ đạt trên 19.000 tấn, đến năm 2015 đã đạt 52.981 tấn. Giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 48 triệu đồng, xuất hiện nhiều mô hình canh tác cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha. Từ lâu, Văn Bàn được coi là “thủ phủ” rừng của tỉnh. Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Văn Bàn Nguyễn Duy Nghiệp cho biết: Đơn vị được Nhà nước giao 15.368,3 ha rừng và đất sản xuất, kinh doanh. Năm 2015, Công ty sớm hoàn thành kế hoạch trồng rừng, tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng và khai thác theo kế hoạch. 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu sản xuất, kinh doanh của Công ty đạt trên 7,2 tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch năm, sản phẩm chủ yếu là giấy đế, ván bóc, gỗ xẻ…

Năm 2015, khai thác quặng sắt của huyện đạt trên 570.000 tấn; quặng fenspat đạt 230.000 tấn; đá xây dựng 230.000 m3; điện thương phẩm 370 triệu Kwh... Tổng giá trị công nghiệp đạt 785 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Với nhiều cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư và quan tâm tháo gỡ khó khăn cho cá nhân, doanh nghiệp nên nhiều năm liền, Văn Bàn được tỉnh đánh giá và công nhận là đơn vị đứng đầu tỉnh về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DCI). Trong xây dựng nông thôn mới, Văn Bàn có xã Văn Sơn và xã Hòa Mạc đã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu hết năm 2016, có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm nhanh và bền vững (bình quân giảm 6,02%/năm), năm 2016 còn 35% hộ nghèo (theo chuẩn mới giai đoạn 2016 - 2020). Công tác y tế có nhiều tiến bộ, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra mục tiêu trong 5 năm tới, đó là: “Sản xuất hàng hóa theo hướng chất lượng, hiệu quả; chuyển dịch mạnh cơ cấu nội ngành theo hướng tích cực. Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới, khai thác tối đa lợi thế so sánh của huyện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giải quyết tốt các vấn đề xã hội; quan tâm đúng mức bảo vệ môi trường; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa. Nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; củng cố quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Xây dựng huyện Văn Bàn trở thành huyện phát triển khá của tỉnh”. Để đạt mục tiêu đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Văn Bàn triển khai thực hiện 4 chương trình, 13 đề án, 5 kế hoạch trọng tâm, với giải pháp đột phá là: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức gắn với cải cách hành chính; tập trung phát triển mạnh hệ thống kết cấu hạ tầng tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội, gắn với phát triển văn hóa, con người, làm nền tảng vững chắc trong quá trình xây dựng và phát triển Văn Bàn.

Theo La Văn Tuất/LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).