Sức vươn thành phố biên cương

Từ xuất phát điểm nghèo khó, sau 25 năm tái lập tỉnh, thành phố Lào Cai - nơi biên cương Tổ quốc đã vươn lên trở thành đô thị loại II; để mỗi khi nói đến Lào Cai, là nói đến thành phố anh hùng, đô thị “Xanh - sạch - đẹp” kiểu mẫu.

Từ thị xã nghèo vùng biên

Chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của thành phố Lào Cai từ khi mới tái lập tỉnh đến nay, nhiều người dân trên địa bàn đều có chung cảm xúc tự hào. Trong ký ức của bà Nguyễn Thị Lan, đường Hoàng Trường Minh, phường Bắc Cường, hình ảnh những ngôi nhà xây cấp 4, nhà gỗ nhỏ của ngày tái lập tỉnh vẫn còn rất rõ. “Khi ấy, các tuyến phố chưa hình thành nhiều và sôi động như bây giờ, dọc trục đường Hoàng Liên, hoạt động kinh doanh chưa phát triển. Trong bộn bề khó khăn, người dân thành phố đã đoàn kết, thi đua phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa. Thay đổi mạnh nhất là từ năm 2000 trở lại đây, thành phố như một đại công trường với những công trình xây dựng mọc lên như “hoa nở” giữa mùa xuân. Trước những đổi thay theo chiều hướng hiện đại, văn minh, người dân chúng tôi cảm thấy rất đỗi tự hào…” - bà Lan cho biết.

Bồi hồi nhớ lại ngày đầu lên Lào Cai nhận công tác (năm 1992), anh Hoàng Kim Trung, đường Nhạc Sơn, phường Kim Tân không thể quên những khó khăn cũng như cuộc hồi sinh mạnh mẽ của vùng đất thân thương này: “Những ngày đầu tái lập tỉnh, không chỉ kinh tế khó khăn, mà mức hưởng thụ văn hóa của bà con trên địa bàn cũng hạn chế. Thế nhưng, chỉ sau 10 năm, mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi: Đô thị được mở rộng, kinh tế không ngừng phát triển, những ngôi nhà lụp xụp dần nhường chỗ cho nhà cao tầng, trung tâm thương mại. Năm 2006, thành phố Lào Cai là địa phương đầu tiên của tỉnh được Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp chứng nhận xóa xong nhà tạm tranh tre, dột nát cho người nghèo… Là công dân thành phố, tôi rất tự hào trước sự phát triển của quê hương mình”.

Một góc thành phố Lào Cai.   

Tìm lại những tư liệu về ngày tái lập tỉnh, mới thấy đời sống của người dân khi đó thiếu thốn nhường nào. Năm 1992, thành phố mới có 36% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 3% số hộ được xem truyền hình và 13% số hộ được nghe sóng phát thanh... Năm 2002, thị xã Cam Đường và thị xã Lào Cai được sáp nhập, trở thành thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Lào Cai. Khi ấy, hạ tầng đô thị của thị xã Lào Cai chưa hoàn thiện, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 20% (đặc biệt 2 xã Tả Phời, Hợp Thành, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 60%), đời sống tinh thần của nhân dân hạn chế. Thế nhưng, chỉ 2 năm sau (năm 2004) chính 2 xã nghèo nhất của thành phố lại tạo nên kỳ tích khi là địa phương đầu tiên của cả nước tự nguyện xin rút khỏi danh sách các xã đặc biệt khó khăn và cũng trong năm này, tin vui đến với người dân trên địa bàn khi thị xã Lào Cai được nâng cấp lên thành phố. 

Trong bộn bề khó khăn của ngày đầu tái lập tỉnh, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc thành phố Lào Cai đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng thành phố Anh hùng, năng động và phát triển.

Đến thành phố Anh hùng

Sau 25 năm, với sự chung tay xây dựng của chính quyền và nhân dân, thành phố Lào Cai đã có bước chuyển mình vượt bậc, đạt nhiều thành tựu về mọi mặt; trong đó phải kể đến thành công trong xây dựng thành phố Anh hùng Lao động. Năm 2007, thành phố Lào Cai triển khai thực hiện Đề án Xây dựng thành phố Anh hùng Lao động. Ngay khi được triển khai, Đề án đã trở thành động lực cho cả hệ thống chính trị và nhân dân hăng hái thi đua để đạt mục tiêu đề ra.

Đồng chí Mai Đình Định, Bí thư Thành ủy cho biết: Trải qua 1/4 thế kỷ, thành phố Lào Cai đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, từ xuất phát điểm nghèo khó, đến nay đã khoác lên mình “tấm áo’ của đô thị loại II. Minh chứng thuyết phục nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (bình quân hằng năm đạt từ 15% - 17%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng, đến hết năm 2015, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 1.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người/năm đạt hơn 60 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,4% (theo tiêu chí đa chiều), số hộ khá, giàu chiếm hơn 50%; 99% số hộ được xem truyền hình. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, từ nền kinh tế nông nghiệp chiếm trên 64% (năm 1992), đến hết năm 2015, con số này giảm còn 2,9%; tỷ trọng thương mại - dịch vụ chiếm gần 48%, công nghiệp - xây dựng chiếm trên 49%. Đặc biệt, dấu son lớn nhất là năm 2014, thành phố Lào Cai đã được Chính phủ công nhận là đô thị loại II; năm 2015, cả 5/5 xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ngày 9/9/2015, thành phố Lào Cai vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động. Kết quả này đã khẳng định vai trò, vị thế của thành phố, trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội của vùng biên cương Tổ quốc.

Chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc, chính là tiền đề, động lực để thành phố tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong tương lai. Để xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lao động, phấn đấu đạt đô thị loại I giai đoạn 2025 - 2030, thành phố Lào Cai sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực quản lý điều hành, hết lòng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy lợi thế Khu Kinh tế cửa khẩu, vai trò cầu nối trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, xây dựng văn minh đô thị…

Trong không khí hân hoan chào mừng kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh, đi trên những cây cầu nối nhịp bờ vui, làn gió từ sông Hồng đỏ nặng phù sa phả vào người mát dịu, tôi cũng như bao người dân Lào Cai đều cảm thấy rất tự hào trước sự phát triển của thành phố biên cương./.

Theo Thu Ngọc/LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).