Sản xuất chè an toàn: Những vấn đề đặt ra

Theo đánh giá của Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS), chè Lào Cai có chất lượng tốt, song trên thực tế, sản phẩm chè của các doanh nghiệp chế biến ở tỉnh có giá trị xuất khẩu không cao. Nguyên nhân chính là do sản xuất chè chưa thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, nên chất lượng không ổn định… và sản xuất chè an toàn là câu chuyện còn nguyên tính thời sự.
Trong tháng 8/2016, nhiều diện tích chè nguyên liệu ở xã Phú Nhuận (Bảo Thắng) đã quá lứa vì không có đơn vị đứng ra thu mua.

“Con sâu bỏ rầu nồi canh”

Chuyện về sản xuất chè an toàn thực sự “nóng” trở lại, khi cách đây không lâu, một doanh nghiệp sản xuất chè xuất khẩu trên địa bàn tỉnh thông tin một số lô hàng chè thương phẩm của họ, mà nguyên liệu lấy từ một số vùng trồng chè trên địa bàn tỉnh đã bị đối tác nước ngoài trả lại vì chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Tất nhiên, thiệt hại này trước tiên thuộc về doanh nghiệp, sau đó đến các hộ dân trồng chè. Những lô chè thương phẩm của doanh nghiệp bị đối tác nước ngoài trả lại không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu chè Lào Cai. Có thể nói, lỗi này trước tiên thuộc về doanh nghiệp thu mua, chế biến chè xuất khẩu đã không kiểm soát nguyên liệu đầu vào, nhưng lỗi lớn nhất thuộc về những hộ trồng chè đã không thực hiện đúng quy trình sản xuất chè an toàn.

Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi có dịp về xã Phú Nhuận (Bảo Thắng). Dẫn chúng tôi đi thăm những đồi chè nguyên liệu đã quá lứa hái, ông Trần Xuân Long, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay, Công ty THNH một thành viên Chè Phong Hải đã dừng thu mua chè búp tươi nguyên liệu trên địa bàn xã, khiến nhiều hộ dân chưa biết phải làm thế nào khi cây chè đã đến ngày thu hái. Chính quyền xã đã liên hệ với đơn vị thu mua để làm rõ nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong những nguyên nhân khiến Công ty TNHH một thành viên Chè Phong Hải dừng thu mua chè nguyên liệu ở xã Phú Nhuận có nguyên nhân là do một số hộ dân chưa chấp hành đúng quy trình kỹ thuật thâm canh, chăm sóc và thu hái chè.

“Từ trước đến nay, chính quyền xã luôn coi trọng việc hướng dẫn, tuyên truyền cho các hộ trồng chè chấp hành nghiêm quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hái chè mà đơn vị thu mua nguyên liệu đã đề ra. Song, thực tế vì tư duy kinh tế cũ, nên một số hộ không chấp hành, làm ảnh hưởng đến cả trăm hộ trồng chè trong xã. Khi người dân nhận ra hậu quả thì đã muộn. Vụ việc chè nguyên liệu của xã có chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật bị đối tác trả lại là bài học rất lớn không chỉ với người trồng chè trong xã, mà còn đối với nhiều hộ trồng chè trong huyện, tỉnh; bởi bây giờ mà vẫn còn tư tưởng làm ăn theo kiểu “được chăng, hay chớ” thì sớm muộn cũng thất bại cay đắng”, ông Long cho biết thêm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Ngọc Tặng, kỹ thuật viên phụ trách Xưởng chè Tân Phúc (xã Phú Nhuận, Bảo Thắng) thuộc Công ty TNHH một thành viên Chè Phong Hải cho biết: Phú Nhuận là vùng trồng chè nguyên liệu lớn của Công ty, toàn xã hiện có 28/33 thôn trồng chè với 217 ha. Ngay sau khi xảy ra việc có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm chè búp trồng ở xã Phú Nhuận, chúng tôi thông báo đến từng hộ dân, quán triệt quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hái chè như cam kết đã ký trước đó để người dân biết và chấp hành nghiêm túc.

Trong số hàng nghìn hộ trồng chè nguyên liệu chỉ cần một vài hộ không chấp hành quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cũng có thể làm ảnh hưởng đến tất cả người trồng, ông Đặng Ngọc Tặng cho biết thêm.

Sản xuất chè an toàn có quá khó?

Lào Cai là tỉnh có diện tích chè đứng thứ 6 trong 18 tỉnh trồng chè ở khu vực miền Bắc và chè là loại cây trồng được quy hoạch sản xuất hàng hóa sớm nhất trên địa bàn tỉnh, diện tích ngày càng được mở rộng. Năm 2010, toàn tỉnh có trên 3.000 ha chè, với khoảng 13.000 hộ tham gia, đến giữa năm 2016, diện tích chè của Lào Cai đã đạt trên 5.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Bảo Thắng, Mường Khương, Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Yên... Nhìn chung, thu nhập của người trồng chè được cải thiện hơn trước, nhiều hộ trong vùng chè đạt giá trị sản xuất trên 40 triệu đồng/ha/năm. Hiện, cây chè ở nhiều địa phương đang là cây mũi nhọn giúp nông dân thoát nghèo bền vững, vùng chè mở rộng đến đâu, tỷ lệ hộ nghèo được đẩy lùi đến đó.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra, hiện các tỉnh có vùng trồng chè phát triển nhanh và rộng đang cạnh tranh mạnh với chè nguyên liệu của Lào Cai, trong khi thị trường trong nước và xuất khẩu ngày càng kiểm soát chặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, hầu hết doanh nghiệp chế biến chè xuất khẩu đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao về chất lượng chè nguyên liệu. Vậy nên, việc triển khai các mô hình trồng chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là đòi hỏi tất yếu.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đến này, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Mặc dù, chính quyền các địa phương và ngành nông nghiệp đã có nhiều giải pháp để tăng diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng sau gần 5 năm triển khai, toàn tỉnh mới có 1.035 ha được cấp Chứng chỉ chè VietGAP (đạt hơn 20%). Bài toán đặt ra là muốn phát triển cây chè bền vững thì phải sản xuất theo quy trình sản xuất chè an toàn. Thực tế, việc tổ chức sản xuất chè an toàn ở nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện triệt để theo quy trình VietGAP. Nhiều hộ dân chưa có ý thức thực hiện quy trình sản xuất chè an toàn khi sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu tùy tiện, nồng độ cao hơn quy định, thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng trên cây chè, khiến việc tiêu thụ và xuất khẩu gặp khó khăn; trong khi đã có những mô hình sản xuất chè an toàn thực hiện thành công mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.

Nói về những giải pháp xung quanh việc tổ chức sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Bùi Đức Rạng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Chè Thanh Bình (Mường Khương), cho rằng: Việc tổ chức sản xuất chè an toàn VietGAP không khó và cũng không tốn kém hơn so với sản xuất chè thường, song để làm được thì ý thức của người trồng chè là yếu tố quyết định và việc tuyên truyền để người dân thực hiện là rất quan trọng. Việc này cần xây dựng các tiêu chí cụ thể và phải tạo được sự thống nhất từ người dân đến doanh nghiệp thu mua, chế biến. Sản phẩm chè an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP phải đáp ứng 58 tiêu chí do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định; trong đó, các tiêu chí đặc biệt quan trọng là vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện sản xuất chè từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến đến đóng gói sản phẩm.

Để cây chè thực sự là cây trồng mũi nhọn, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, thiết nghĩ việc phát triển sản xuất chè an toàn là yếu tố sống còn. Để làm được điều đó cần có sự gắn kết giữa doanh nghiệp thu mua chế biến với người trồng chè nguyên liệu thông qua việc hình thành tổ, đội sản xuất để triển khai đồng bộ từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và giám sát chéo.

 
Theo Phạm Vũ Sơn/LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).