Lưu giữ nét hoa văn thổ cẩm của người Tày Bảo Yên

Không chỉ là đồ dùng sinh hoạt hằng ngày, những sản phẩm từ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Tày huyện Bảo Yên còn mang nét văn hóa đậm bản sắc, thể hiện qua các công đoạn chế tác công phu với nghệ thuật độc đáo, nhất là các nét, các gam màu trong mặt chăn thổ cẩm.

12 kiểu hoa văn trên từng mặt chăn thổ cẩm là 12 dải tranh sơn thủy hữu tình, phác họa cuộc sống của đồng bào miền núi gắn với các con vật, cây lá, hoa quả miền sơn cước. Nhìn vào đó, ta thấy được vẻ đẹp của hoa, của núi rừng, nước suối trong và cả sự e ấp, tế nhị như bản tính con gái Tày Bảo Yên. Theo các cụ cao niên người Tày ở Bảo Yên, do cuộc sống khó khăn, nên từ lâu người Tày học cách trồng bông, dệt vải để tạo ra những sản phẩm phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày, từ trang phục, đến đồ đắp ấm qua các mùa, đồ che kín chống côn trùng đốt để bảo vệ thân thể. Nghề trồng bông cũng tạo cho người Tày có việc làm thêm, tận dụng được thời gian nhàn rỗi, nhất là kéo sợi vào buổi tối thì mùa nào cũng hợp, người trẻ và già đều có thể làm được. Qua thời gian, các sản phẩm dệt thổ cẩm dần trở thành hàng hoá, giúp người Tày có thêm thu nhập, trao đổi được những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống.

Nhiều phụ nữ Tày vẫn cần mẫn dệt những tấm thổ cẩm truyền thống.

Chị Nguyễn Thị San, thợ dệt chăn thổ cẩm ở bản Nà Khương, xã Nghĩa Đô (Bảo Yên) cho biết: Chăn thổ cẩm của người Tày chủ yếu được tạo nên bởi hai màu chính là trắng và đen. Màu trắng của chăn thổ cẩm là màu tự nhiên của sợi vải được kéo từ bông, màu đen là do vải được nhuộm với nước cây chàm ngâm cùng vôi bột. Để có được độ đen như ý, người ta sẽ nhuộm sợi vải thành nhiều lần.

Trong quá trình dệt chăn thổ cẩm,  những người thợ cũng có thể dùng các sợi vải có màu sắc khác nhau để phối, tạo ra những họa tiết đặc sắc. Những hoa văn ấy thể hiện sự phong phú, kết hợp hài hòa giữa màu sắc của đời sống sinh hoạt, lao động với trí óc tưởng tượng của những người thợ dệt chăn. Có thể dễ dàng bắt gặp những nét hoa văn trên mặt chăn thổ cẩm của người Tày Bảo Yên như hình quả trám, bông lúa, các loại hoa, một số loài động vật… Tuy nhiên, ngày nay, nghề dệt đang dần bị mai một, nên những nét hoa văn độc đáo, tinh xảo dần mất đi, mặc dù các nét hoa văn cơ bản như hoa con rùa, hoa da con trăn, hoa quả sổ, quả trám… vẫn còn được lưu truyền.

Theo chị San, hiện rất ít phụ nữ Tày còn  biết đến nghề dệt truyền thống. So với dệt vải thông thường, dệt mặt chăn thổ cẩm khá phức tạp, đòi hỏi sự kiên trì, cầu kỳ, sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ Tày. Ngày xưa, khi người con gái đến tuổi lấy chồng phải tự chuẩn bị của hồi môn cho mình là những chiếc chăn, màn, gối thổ cẩm. Trong những đồ dùng đó không được để nguyên màu trắng, vì người Tày cho rằng đây là màu của tang tóc nên cuộc sống gia đình sẽ không được hạnh phúc…

Ngày nay, đời sống xã hội phát triển, kéo theo những chất liệu vải, trang phục ngoài thị trường cũng đa dạng, phong phú hơn nên sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người Tày Bảo Yên cũng ngày một ít dần. Tuy vậy, đâu đó trong những thôn, bản vẫn có những phụ nữ Tày ngày ngày âm thầm ngồi bên khung cửi, dệt nên những kiệt tác thổ cẩm để lưu giữ cho muôn đời./.

Theo Ba Zin/LCĐT

Tin Liên Quan

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.