Nhớ Trung thu ngày thơ bé

Ngày còn nhỏ, mỗi khi chuẩn bị đón Tết Trung thu, tôi cùng bọn trẻ con trong xóm lại được sống trong những ngày háo hức, nôn nao, mong ngóng với niềm vui khôn tả. Đứa nào cũng đếm từng ngày, với mục đích duy nhất là đến ngày được thỏa thích vui chơi, nô đùa, được ăn uống thỏa thích trong đêm trăng sáng của rằm tháng Tám.

Nếu như thời nay, với điều kiện kinh tế đủ đầy thì trẻ nhỏ, kể cả trẻ ở các vùng nông thôn đều được thoải mái ăn bánh kẹo, hoa quả trong dịp đón Tết Trung thu, được chơi những đồ chơi hiện đại, đẹp và đắt tiền… thì Trung thu của những đứa trẻ quê nơi tôi sinh sống ngày xưa quá nghèo nàn, thiếu thốn. Mâm cỗ đêm trăng rằm có khi chỉ được người lớn trong xóm tổ chức với vài món đặc trưng là bưởi, chuối tiêu, ổi, hồng đỏ và vài chiếc bánh nướng, bánh dẻo được làm gia công. Đồ chơi sang lắm cũng chỉ có chiếc trống ếch, chiếc đèn ông sao, còn lại là vài món đồ chơi dân gian được chúng tôi tự làm như: Chong chóng, đèn quay thắp nến bên trong, con trâu, con chó, con lợn… được nặn bằng đất rồi quét các màu sơn khá ngộ nghĩnh.

Vâng, ở xóm nhỏ nghèo ấy, người lớn đều đặn năm nào cũng tổ chức cho chúng tôi đón Tết Trung thu là một sự cố gắng lắm rồi. Nên, dẫu chẳng có mâm cao, cỗ đầy, chẳng nhiều bánh trái, hoa quả, hay những đồ chơi đẹp… bọn trẻ chúng tôi đều rất vui. Quỹ dùng cho việc tổ chức Trung thu là nhờ sự đóng góp từ các gia đình, mỗi nhà một chút. Số còn lại là các đoàn thể trong làng, trong xã ủng hộ. Năm nào cũng vậy, cỗ Trung thu được tổ chức ở sân kho hợp tác xã, bởi ở đây rộng rãi, có khoảng không gian thoáng đãng để mọi người có thể vừa phá cỗ, vừa dễ dàng ngắm vầng trăng sáng soi chiếu rọi từ trên cao xuống. Chỉ năm nào trời u ám, hoặc mưa thì hội đêm rằm mới phải chuyển vào hội trường cách sân kho một đoạn. Trung thu năm nào cũng vui, suốt từ lúc “khai cỗ” - khoảng 8 giờ tối, cho tới tận gần 12 giờ đêm, tất cả trẻ con được quây quần ăn, uống và chơi đùa hết mình. Người lớn cũng vui vì vừa nhìn đám trẻ vui đùa dưới ánh trăng, vừa có thể hàn huyên chuyện làng, chuyện xóm. Các trò chơi trong đêm rằm thường là chuyền cột, nhảy lò cò, đuổi bắt, trốn tìm, kéo co, bịt mắt bắt dê… trò nào cũng vui, cũng thú vị. Khi bánh trái, hoa quả đã hết và các trò chơi đã làm cả bọn mệt nhoài, chúng tôi mới thu dọn về nhà.

Ngoài hội đêm rằm được tổ chức tập trung như thế thì hầu như gia đình nào trong xóm cũng tổ chức đón Tết Trung thu tại nhà mình, tùy thời gian, nhưng bao giờ cũng trước hôm rằm. Nhà tôi thường tổ chức đón Tết Trung thu vào ngày 14 tháng 8 âm lịch. Ngoài mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên, bao giờ mẹ tôi cũng cố lo thêm cho anh chị em chúng tôi một mâm hoa quả, bánh trái để các con đỡ chạnh lòng với hàng xóm. Bánh nướng, bánh dẻo thì chỉ mỗi loại 1 chiếc, nhưng bưởi, hồng, chuối, cốm, bỏng ngô… lại khá nhiều. Chẳng riêng gì Tết Nguyên đán, dịp Trung thu, anh chị em chúng tôi còn được bố, mẹ mua cho quần áo mới. Chẳng vậy mà, chúng tôi thường “ngóng” Trung thu trước cả tháng trời…

Giờ đã lớn khôn, đã xa những ngày thơ bé nơi xóm nghèo với các đêm Trung thu giản đơn nhưng vô cùng vui vẻ, đầm ấm, nhưng bao giờ cũng vậy, khi nhìn thấy bánh nướng, bánh dẻo tràn ngập tại các cửa hàng, siêu thị, trong tôi lại ùa về những cảm xúc, những hoài niệm một ngày Tết Trung thu thời thơ bé. Ôi, Trung thu và xóm nhỏ yêu dấu ngày xưa ấy của tôi ơi…

 
 
Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.