Bước tiến dài sau 25 năm

Trạm y tế cấp xã là tuyến y tế cơ sở có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn. Phát triển trạm y tế xã để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân, giảm tải cho y tế tuyến trên luôn là yêu cầu lớn đặt ra với ngành y tế. Điều đáng phấn khởi là đến nay, chủ trương này đã có những kết quả đáng ghi nhận.

Trạm y tế các địa phương nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Những cán bộ trọng chữ “tâm”

Gắn bó với nghề 26 năm, chị Đoàn Thị Mừng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cốc Mỳ (Bát Xát) đã trải qua thời kỳ gian nan, vất vả nhất trong những năm công tác. Chúng tôi thấy trong câu chuyện của chị là hình ảnh cô y sỹ trẻ năm nào mặc áo blu trắng, một tay là chiếc phích bảo ôn chứa vắc-xin, một tay là chiếc gậy leo núi với tình yêu nghề và nhiệt huyết tràn trề, chị đến những thôn, bản vùng cao như Phìn Than, Tả Suối Câu, Dìn Pèng để tiêm chủng cho trẻ. Đường lên thôn phải băng qua rừng núi heo hút, ngày nắng ngược dốc đổ mồ hôi, trời mưa đường trơn, chị cũng cố gắng bảo vệ dụng cụ y tế để những liều thuốc đến được với từng em nhỏ. Đường đi đã khó, gặp người dân còn khó hơn vì hằng ngày đồng bào phải lên nương, đi rừng, chờ tối đến, cán bộ y tế mới làm công tác vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng. Chuyện ăn cùng, ngủ lại nhà dân là thường xuyên với cán bộ y tế khi đó và bởi vậy tình cảm giữa cán bộ và nhân dân ngày càng mật thiết hơn. Giờ đây, những khó khăn trong công tác y tế vơi dần khi đường giao thông nông thôn nối liền từ trung tâm xã đến các thôn vùng xa, nhận thức của người dân trong việc đưa con em đến điểm cố định để tiêm phòng được nâng lên. Nhiệm vụ của cán bộ y tế xã vì thế cũng có thay đổi, không chỉ dừng lại ở việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, cán bộ y tế xã còn kết hợp với tuyên truyền tới người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường, ăn ở đảm bảo vệ sinh, không sinh con thứ 3, nói không với tảo hôn...

Hiện, Trạm Y tế xã Cốc Mỳ được xây dựng hai tầng, khang trang, có đầy đủ phòng làm việc và dụng cụ y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh theo chuẩn cơ sở y tế cấp xã. Chị Mừng tâm sự, niềm vui lớn nhất của chị là điều kiện khám bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân được nâng cao, nhờ vậy nhiều năm liền, trên địa bàn xã Cốc Mỳ không có dịch bệnh xảy ra.

Giống như chị Mừng, chị Lê Thị Nguyệt, Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Mường Khương (Mường Khương) là người đã có 32 năm gắn bó với ngành y. Vượt qua những năm tháng gian khó, giờ đây là thời điểm chị thấy vui nhất bởi đơn vị đã được ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc khám, chữa bệnh cho nhân dân. Trước đây, việc thanh toán chi phí cho bệnh nhân theo bảo hiểm y tế bằng phương pháp thủ công tốn nhiều thời gian, “chữ bác sỹ” trong đơn thuốc viết tay cũng khiến người dân cảm thấy khó đọc, quy trình nhập sổ quản lý được chép bằng tay cũng là lo ngại của nhiều cán bộ. Việc ứng dụng phần mềm quản lý khám, chữa bệnh vừa góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh vừa mang lại nhiều thuận lợi, tiện ích trong công việc của các cán bộ y tế. Chị Nguyệt tâm sự: “Với cán bộ “có tuổi” như tôi cũng không cần nhiều thời gian để làm quen với phần mềm vì nó khá đơn giản, dễ sử dụng”.

Trạm y tế xã và dấu ấn 25 năm

Cách đây 25 năm, Lào Cai có 45/180 xã chưa có trạm y tế, trong đó có 15 xã “trắng” hoàn toàn về y tế. Cơ sở y tế tuyến trên chỉ có 9 trung tâm y tế với 9 bệnh viện tuyến huyện và 25 phòng khám đa khoa khu vực, cơ sở vật chất sơ sài, lạc hậu. Hầu hết cơ sở y tế là nhà cấp 4 được xây dựng từ những năm 1970, một số đã bị tàn phá trong chiến tranh, quy mô mỗi bệnh viện chỉ từ 30 - 50 giường bệnh. Nhân lực ngành y tế thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Toàn tỉnh khi đó có trên 1.000 cán bộ y tế nhưng chỉ có 81 bác sỹ, trong khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, dịch sốt rét và dịch sởi nghiêm trọng xuất hiện rộng vào cuối năm 1991, đầu năm 1992, nhiều ổ dịch bệnh lưu hành tại các địa phương như sốt rét, tiêu chảy, bướu cổ, phong, bại liệt...

Sau thời gian tái lập tỉnh, từ năm 1996 - 2000, ngành y tế Lào Cai có bước phát triển quan trọng, hệ thống y tế đã phủ rộng khắp 3 tuyến tỉnh, huyện, xã. Cùng với đó, y tế cấp xã được kiện toàn với 180 trạm y tế/180 xã, phường, thị trấn. Giai đoạn 2001 - 2010 là thời kỳ ngành y tế Lào Cai có bước phát triển vượt bậc khi hiện thực hóa Nghị quyết số 12 “Tăng cường củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở giai đoạn 2001 - 2005” và Đề án 15 của Tỉnh ủy về “Củng cố, phát triển sự nghiệp y tế tỉnh Lào Cai giai đoạn 2006 - 2010”. Các trạm y tế xã được củng cố tại 164/164 xã, phường, thị trấn (sau khi huyện Than Uyên sáp nhập vào tỉnh Lai Châu thì Lào Cai chỉ còn 164 đơn vị hành chính cấp xã), 57 trạm y tế được xây mới, số cán bộ y tế cũng được bổ sung lên đến 1.649 người.

Điều đáng nói là chất lượng, hoạt động hiệu quả của các trạm y tế xã đã được nâng lên rõ rệt, có nhiều đóng góp tích cực vào chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế. Đó là tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ luôn đạt trên 97%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm xuống còn 19,6%. Công tác kế hoạch hóa gia đình góp phần trực tiếp hạ tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên xuống 12,4%.

Với sự nỗ lực của ngành y tế nói chung, đội ngũ cán bộ y tế nói riêng, những thay đổi tích cực ở các trạm y tế cấp xã đã trở thành điểm nhấn thành công của toàn ngành y tế Lào Cai trong những năm gần đây.

 

 
Theo Phương Thảo/LCĐT

Tin Liên Quan

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).

Chuyển 46 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, thị xã khắc phục hậu quả thiên tai

Ban Vận động cứu trợ tỉnh vừa quyết định chuyển 46 tỷ đồng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý đến Ban Vận động cứu trợ các huyện, thị xã để khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3.