“Bay lên tới ước mơ, Tổ quốc đang gọi ta”

Bước vào mùa thu cách mạng thứ 71, đất nước đang đứng trước những vận hội lớn để cất cánh bay cao hơn nữa tới những thắng lợi mới, tiếp tục hội nhập sâu vào cộng đồng quốc tế với vị thế ngày càng vững chắc, tầm vóc và uy tín ngày càng được củng cố mạnh mẽ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 2/9/1945. (Ảnh tư liệu).

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại, chỉ sau 15 năm Đảng ra đời, nhân dân Việt Nam đã đồng lòng đứng lên chớp thời cơ thuận lợi trong nước và quốc tế, giành lại độc lập dân tộc từ tay ngoại bang vào tháng 8/1945 lịch sử. Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên tại Đông Nam Á, ra mắt quốc dân và cộng đồng thế giới ngày 2/9/1945.
 
Ba mươi năm sau, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam vượt qua nhiều gian lao, thử thách và hy sinh để tiến tới thống nhất hoàn toàn đất nước trong mùa Xuân năm 1975 và bắt tay vào xây dựng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân.
 
Hơn bốn thập kỷ đã qua đi kể từ ngày non sông liền một dải và nay bước vào mùa thu cách mạng thứ 71 tính từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, đất nước đang ở vào giai đoạn lịch sử với những vận hội, thời cơ thuận lợi chưa từng có để chuyển mình, tiếp tục phát triển vững chắc, ổn định và giành lấy những thắng lợi mới.
 
Trong những ngày đầu năm mới 2016, Đảng ta tiến hành thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa mới để chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam trong nhiệm kỳ mới. Đại hội XII của Đảng đã thông qua những chủ trương, quyết sách quan trọng, có giá trị định hướng và chỉ đạo sâu sắc toàn bộ quá trình triển khai tổ chức thực hiện phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới. 
 
Tiếp sau Đại hội Đảng lần thứ XII, cử tri cả nước đã thể hiện trách nhiệm, kỳ vọng và niềm tin của mình trong một sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng khác: Bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Những đại biểu ưu tú nhất đã được lựa chọn để tham gia vào các cơ quan đại diện của nhân dân ở các cấp và tới đây sẽ thể hiện ý chí, nguyện vọng, mong mỏi của nhân dân qua những văn bản pháp quy, những chính sách, kế hoạch phát triển đất nước vừa ban hành và cùng các cấp chính quyền nỗ lực triển khai, thực hiện.
 
Ngay sau khi được bầu, các cơ quan lập pháp từ Trung ương đến địa phương đã nhanh chóng thay mặt cử tri cả nước lựa chọn và phê chuẩn nhân sự cho bộ máy chính quyền các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Chính phủ nhiệm kỳ mới dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẩn trương có những quyết sách, chỉ đạo quyết liệt, rốt ráo nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nỗ lực xây dựng một chính phủ liêm chính, trong sạch, nói “không” với tham nhũng, chính phủ kiến tạo, hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội hơn nữa. Thủ tướng mong muốn bộ máy chính quyền các cấp, từ Chính phủ, các bộ, tỉnh, thành phố tới huyện, xã, phải thực sự chuyển động mạnh mẽ, hướng về người dân và doanh nghiệp.
 

Bước vào mùa thu cách mạng thứ 71, đất nước đang đứng trước những vận hội lớn để cất cánh bay cao hơn nữa.
 
Về mặt đối ngoại, sau 71 năm ra đời và phát triển, có thể khẳng định chưa bao giờ Việt Nam có mối quan hệ rộng lớn như hiện nay. Thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế mà Đảng ta đề ra từ Đại hội XI, với nỗ lực của ngành ngoại giao và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành và địa phương cả nước, chúng ta đã triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại và đạt được những kết quả quan trọng.
 
Tính đến thời điểm này, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 187/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, xây dựng được mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước, quan hệ đối tác toàn diện với 10 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, góp phần định vị Việt Nam vững chắc hơn trong cục diện chiến lược ở khu vực và trên thế giới.
 
Trong quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta đã nâng tầm đối ngoại đa phương từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam, đồng thời thể hiện vai trò “thành viên có trách nhiệm” tại ASEAN, Liên Hợp Quốc, APEC, ASEM, hợp tác tiểu vùng Mekong. Vị thế của đất nước càng được nâng lên với việc chúng ta đăng cai thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132 và đóng vai trò quan trọng trong các cơ chế của Liên Hợp Quốc như Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế Xã hội (ECOSOC), UNESCO. Có thể khẳng định Việt Nam đã thực sự là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế trên cả 3 cấp độ: Song phương, khu vực và toàn cầu.
 
Về kinh tế, chúng ta đã từng bước xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, được 64 nước công nhận. Bên cạnh đó, Việt Nam đã hoàn thành việc đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trở thành một mắt xích quan trọng trong tất cả các liên kết kinh tế khu vực và liên khu vực như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các FTA giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu, Liên minh Kinh tế Á-Âu, Hàn Quốc. Thời gian tới, việc các FTA thế hệ mới, quy mô lớn mà chúng ta ký kết đi vào hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu hút vốn FDI và ODA.
 
Những thành tựu chính trị, đối ngoại, kinh tế kể trên, đặt trong bối cảnh quốc tế và khu vực dù còn rất nhiều thách thức mới nhưng cũng không ít thời cơ, vận hội cho chúng ta, chính là điều kiện thuận lợi để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thống nhất ý chí và quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu tổng quát trong những năm tới: "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước. Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới". 
 
Kỷ niệm 71 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, bước vào mùa thu cách mạng thứ 71 của Tổ quốc, mỗi chúng ta càng vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng quang vinh, vào sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, vào chính bản thân để mạnh dạn vững bước “tiến lên trên con đường mới” như lời ca khúc “Đi lên trong ánh bình minh” được nhạc sĩ Vũ Thanh sáng tác ba năm sau ngày đất nước thống nhất:
 
“Qua muôn gian lao, muôn khó khăn
Đôi chân vươn lên tới đỉnh cao
Bay lên, bay lên tới ước mơ, Tổ quốc đang gọi ta.”

Theo Hoàng Hạnh/chinhphu.vn

Tin Liên Quan

Đại sứ Orlando Nicolas Hernandez Guillen: Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có ý nghĩa lịch sử với quan hệ Việt Nam-Cuba

Đại sứ Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolas Hernandez Guillen khẳng định chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ đánh dấu một thời khắc quan trọng với ý nghĩa lịch sử.

Việt Nam sẽ có những thông điệp lớn, ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương

Ngày 19/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn về chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Phiên họp cấp cao Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ từ 22-24/9.

Sáng mãi tinh thần Bộ đội Cụ Hồ

Cơn bão số 3 được đánh giá là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua; bão số 3 và hoàn lưu của nó để lại hậu quả nặng nề cho các tỉnh, thành phố phía bắc, nhất là Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu cho các cháu thiếu niên, nhi đồng

Nhân dịp Tết Trung thu 2024, ngày 13/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi thư cho các cháu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam ở trong và ngoài nước, các cháu người nước ngoài ở Việt Nam. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước:

Thủ tướng: 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn sau 'siêu bão' lịch sử

Chỉ rõ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn sau "siêu bão" lịch sử Yagi, Thủ tướng yêu cầu ngay trong ngày mai (16/9) trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về khắc phục hậu quả siêu bão số 3, ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.

Quyết tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga

Trả lời phỏng vấn báo chí sau Khóa họp lần thứ 25 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Nga, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko đồng chủ trì, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết hai bên quyết tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phát huy vai trò của Ủy ban liên...