Linh thiêng Đền Quan

Tọa lạc ở phường Phố Mới, thành phố Lào Cai, từ lâu đền Quan trở thành điểm di tích lịch sử văn hóa linh thiêng, gắn bó với đời sống tâm linh của nhân dân các dân tộc Lào Cai và du khách thập phương.
Đền Quan chính là nơi thờ vọng của Quan Giám Sát hay còn gọi là Quan Thanh tra Giám sát. Trong Ngũ Vị Tôn Ông, Quan Đệ Nhị có nguồn gốc Thiên Thần, được giao xuống trần gian trấn giữ thượng ngàn. Dưới trần gian Quan Lớn Đệ Nhị luôn hóa thân vào cuộc sống đời thường, lúc hóa thân thành người già đức độ; lúc hóa thân thành người giàu sang giúp đỡ dân nghèo; lúc lại hóa thân vào quan ngự xử, xử án giúp chính thắng tà,…

Đền có 3 gian thờ chính: tòa Đại bái có diện tích 70 m2; hậu cung có diện tích 30 m2 và hai nhà Tả vu, Hữu vu. Kiến trúc mái tòa Đại bái được thiết kế theo lối 3 gian 2 chái, 2 tầng, 8 mái, lợp ngói mũi hài. Bờ nóc được đắp nổi hình Hổ phù đội mặt nguyệt, 4 đầu đao ở tầng mái trên uốn cong hình mũi thuyền và được đắp hình lá, hình mây hóa đầu rồng; 4 đầu đao tầng mái dưới được uốn cong vút hình mũi thuyền và được đắp nổi hình con rồng miệng đang phun mây. Đây là lối kiến trúc cổ khá điển hình của thời Lê được áp dụng trong hầu hết các công trình tín ngưỡng ở Việt Nam. Điểm nối giữa tầng mái 1 và tầng mái 2 là các song gỗ, các song gỗ này được gọt, tiện tỉ mỉ tạo cảm giác nhẹ nhàng cho cả khối kiến trúc đồ sộ của ngôi đền. Kiến trúc của Hậu cung đơn giản hơn với cách bài trí 8 hàng chân cột được kết nối bởi các cây xà gỗ lớn, đầu các xà được chạm hình rồng.


Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Đền Quan là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh

Gian chính giữa là Cung Công đồng, đây là cung chính được thờ tại Đền Quan. Ban Công đồng gồm 5 pho tượng được bài trí thành trục ngang, cao 70 cm, được điêu khắc khá tinh xảo. Hệ thống tượng được đặt trong khám sơn son thiếp vàng với dáng vẻ uy nghiêm, tự tại. Bên phải Cung Công đồng là nơi thờ của Đức Thánh Trần, trang phục màu đỏ, đầu đội mũ cánh chuồn với dáng vẻ uy nghiêm. Bên trái Cung Công đồng là cung ngự của Chúa Sơn Trang, với y phục màu xanh, đầu đội kim sa. Ngay sau Cung Công đồng là hệ thống tượng bài trí theo trục ngang gồm có 3 pho tượng: chính giữa có vị trí cao nhất là tượng Đức Vua cha Ngọc Hoàng trên mình khoác xiêm y hoàng bào, đầu đội mũ trang trí kim ngân. Hai bên là tượng của quan thần giúp việc cho Ngọc Hoàng là Nam Tào và Bắc Đẩu. Hậu cung là nơi thờ tam tòa thánh Mẫu và đức Phật A Di Đà ngự trên đài sen tay bắt quyết. Toàn bộ tượng thờ ở Hậu cung đều được bài trí trên cùng một bệ thờ, tuy nhiên, thiết kế xây dựng giật cấp được áp dụng nên các tượng thờ có vị trí riêng biệt.

Ngay trước cổng đền có Hoành phi: “Giám sát linh từ” (Đền thờ quan giám sát linh thiêng). Trong gian chính điện có 1 bức hoành phi với 4 chữ được sơn son thiếp vàng đây là hoành phi duy nhất trong di tích và được bài trí ở nơi trang trọng nhất: “Nhật nguyệt hợp minh” ( Nơi đây là giao điểm của ngày và tháng, cũng là nơi hội tụ ánh sáng của mặt trăng và mặt trời).

Nội tự Đền Quan có nhiều đôi câu đối với các nội dung khác nhau, chủ yếu ca ngợi các đức thánh hiển linh trong đền đã bảo vệ cho cuộc sống của nhân dân.

Hàng năm, Đền Quan tổ chức các lễ: Lễ thượng nguyên vào buổi sáng ngày mùng 10 tháng Giêng; Lễ vào Hạ: ngày mùng 10 tháng Tư; Lễ ra Hè: ngày mùng 2 tháng Bảy. Lễ Tất niên được tổ chức vào ngày mùng 2 tháng Chạp, mục đích là làm lễ cầu phúc, cầu lộc, cầu sức khỏe cho gia đình cũng như bản thân, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
 
Cùng với ngôi đền linh thiêng, cây đa Đền Quan đã tồn tại hàng trăm năm tuổi, là giống cây đa tía có chiều cao hơn 30 m, chu vi thân gốc đo ở độ cao 1,3 m tính từ mặt đất là 7,6 m; đường kính 2,5 m. Cây đa từ lâu đã đi vào tâm thức của bao nhiêu thế hệ người dân làng Soi Mười (nay là tổ 33 phường Phố Mới, thành phố Lào Cai).

Với những giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, tâm linh, quân sự, khoa học và du lịch, tháng 2/2016, Đền Quan đã được UBND tỉnh Lào Cai xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và cây đa Đền Quan đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam./.
Minh Phượng

Tin Liên Quan

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.