Lào Cai: Tổng kết mô hình tuyên vận

Sáng 31/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Tỉnh uỷ Lào Cai tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Đề án thí điểm mô hình ban tuyên vận xã, phường, thị trấn; tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Lào Cai (2012 - 2016).

Lào Cai là tỉnh duy nhất trong cả nước có mô hình tuyên vận.

Quang cảnh hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Vịnh, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hà Thị Nga, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Đặng Xuân Phong, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; Thường trực HĐND, UBND tỉnh; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện Vụ Xây dựng hệ thống chính trị, Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Vụ Nghiên cứu (Ban Dân vận Trung ương); lãnh đạo các ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ban, ngành; lãnh đạo các huyện, thành phố.

Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh uỷ phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Đề án tuyên vận thể hiện sự sáng tạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIV, nhằm tạo ra sự chuyển biến trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động trên địa bàn tỉnh.

Với phương châm “đến từng ngõ, rõ từng nhà”, “thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi”, hoạt động của ban tuyên vận, tổ tuyên vận trên địa bàn tỉnh đã góp phần đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, thấm sâu vào từng người dân; có sự đổi mới trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh cùng góp sức thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm giai đoạn 2010 – 2015.

Những năm qua, Đề án “Thí điểm mô hình ban tuyên vận xã, phường, thị trấn; tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố” được Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện có lộ trình phù hợp, dựa trên các căn cứ lý luận, khoa học và thực tiễn. Năm 2012, lựa chọn tại 36 xã, phường có điều kiện thuận lợi trong đó 35 xã điểm về xây dựng nông thôn mới; năm 2013 lựa chọn 40 địa phương có nhiều khó khăn để kiểm chứng hiệu quả mô hình; từ năm 2014 để cho các địa phương chủ động đăng ký thực hiện, đến nay 100% xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình tuyên vận; 1.959 tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố. Trên cơ sở Đề án tuyên vận của Tỉnh ủy và thực tiễn thực hiện tại cơ sở, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo thành lập 668 mô hình “tổ tuyên tuyền” trong hệ thống các trường học và trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên.

Các huyện ủy, thành ủy đã phát huy tốt vai trò là đầu mối chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án; quan tâm chỉ đạo, kiện toàn, bổ sung cán bộ tuyên vận đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đại biểu dự hội nghị.

Hiện, mô hình tuyên vận đã sắp xếp, tổ chức lại về cơ cấu, số lượng, thành phần tham gia thực hiện công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối bảo đảm thống nhất, thuận lợi trong khâu chỉ đạo, thực hiện, đánh giá; có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng theo quy chế, kế hoạch, chương trình, khắc phục nhanh tình trạng không thống nhất, chồng chéo hoặc bỏ sót các nhiệm vụ công tác tư tưởng, vận động quần chúng; trình độ, năng lực cán bộ cơ sở được nâng lên rõ rệt, theo thống kê, 5 năm qua, đã có 46 đồng chí phó trưởng ban tuyên vận được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền tại xã, 285 tổ trưởng tổ tuyên vận được điều chuyển từ thôn lên làm cán bộ xã. Quan trọng hơn, mô hình tuyên vận đã góp phần làm chuyển biến tích cực ý thức chấp hành, thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Biểu hiện rõ nét nhất là trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân tự nguyện góp công, góp của, hiến đất xây dựng hàng nghìn km đường giao thông nông thôn, cải tạo phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống văn hoá, văn minh gắn với bảo vệ môi trường; đến nay, toàn tỉnh có 22 xã đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ông Ma Thanh Sợi, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng Tổ tuyên vận bản Rịa, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên tham luận tại hội nghị.

Bên cạnh những kết quả và ưu điểm, quá trình triển khai mô hình tuyên vận còn một số hạn chế như: Việc thực hiện các nội dung, quy trình công tác tuyên vận, nhất là hội nghị tuyên vận hằng tháng tại nhiều xã, phường, thị trấn chưa đạt yêu cầu, không đúng với nội dung của Đề án; trình độ, năng lực tham mưu, tổ chức hoạt động, kỹ năng biên soạn tài liệu, truyền đạt thông tin của một số thành viên ban tuyên vận, tổ tuyên vận, nhất là phó ban tuyên vận, tổ trưởng tổ tuyên vận còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu; việc sắp xếp, kiện toàn về tổ chức, cán bộ tuyên vận và đội ngũ báo cáo viên tại nhiều địa phương thực hiện chưa kịp thời nên gián đoạn trong tham mưu và tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên vận...

Tại hội nghị, nhiều tham luận của các địa phương, Uỷ ban MTTQ tỉnh đã minh chứng rõ hơn hiệu quả của mô hình tuyên vận, đồng thời đề nghị thời gian tới Tỉnh uỷ tiếp tục thực hiện công tác tuyên vận và quan tâm đầu tư trang thiết bị, kinh phí hoạt động cho các tổ tuyên vận.

Đồng chí Hà Thị Nga, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ phát biểu kết luận hội nghị.

Kết luận hội nghị, đồng chí Hà Thị Nga, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ khẳng định, những kết quả đã đạt được trong 5 năm thực hiện đề án tuyên vận đã khẳng định sự phù hợp của mô hình với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Đây chính là cơ sở để Tỉnh uỷ tiếp tục triển khai mô hình thành hoạt động thường xuyên, rộng khắp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ban tuyên vận, tổ tuyên vận, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ đề nghị các huyện, thành uỷ tập trung quán triệt sâu sắc mục đích, ý nghĩa và chủ trưởng của Tỉnh uỷ về thực hiện công tác tuyên vận. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ sẽ ban hành Quy định về công tác tuyên vận để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh; các cấp uỷ phải thực sự phát huy vai trò lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên đối với công tác tuyên vận; đổi mới phương thức hoạt động của công tác tuyên vận để ngày càng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế - xã hội địa phương...

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao Bằng khen cho các tập thể và cá nhân.

Nhân dịp này, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 43 tập thể và 69 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án “Thí điểm mô hình Ban tuyên vận” trên địa bàn tỉnh Lào Cai 2012 – 2016./.

 
Theo Phạm Đức - Thành Phú/LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).