Vui buồn cùng “bảo tàng sống” của văn hóa Dao

Lâu nay, nhiều người vẫn có cái nhìn phiến diện về thầy cúng, thầy mo và coi họ là người tiếp tay cho mê tín dị đoan. Nhưng ít ai biết được rằng, vẫn có những thầy cúng chân chính, không lợi dụng bùa phép làm trò thu lợi cho mình; cả cuộc đời họ gắn liền với việc lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình. Ngoài việc được lĩnh hội các giá trị văn hóa truyền thống, họ còn là “bảo tàng sống”, hằng ngày trao truyền nét đẹp trong đời sống tinh thần từ đời này sang đời khác. Thầy mo, thầy cúng, thầy giáo người Dao Triệu Văn Quẩy là một “bảo tàng sống” như thế.

Thầy mo, thầy cúng và thầy giáo

Ông Triệu Văn Quẩy sinh năm 1949 ở thị xã Cam Đường (cũ). Ông là đời thứ 7 của dòng họ được trao truyền những cuốn sách cổ. Cha ông ngày trước làm thầy mo, thầy cúng có tiếng một vùng. Ngay từ khi còn bé, ông đã rất say mê những bài hát, bài cúng của dân tộc Dao. Nhưng mãi đến năm 15 tuổi, ông mới được làm quen với chữ Nôm Dao. Trong dòng hồi tưởng về quá khứ, ánh lên nơi đáy mắt ông niềm tự hào sâu sắc; những câu chuyện về đời sống tinh thần của người Dao, về tình yêu của ông với ngôn ngữ và chữ mẹ đẻ cứ thế nhẹ nhàng chảy theo lời kể.

Tối học chữ cùng cha, ngày ngày nghe ở đâu có đám, ông Quẩy lại đi xem các bài cúng của thầy mo. Hai năm sau, khi mới là chàng trai 17 tuổi, ông Quẩy đã kế nghiệp cha trở thành thầy mo, thầy cúng. Bước vào tuổi đôi mươi, chàng trai Quẩy ngoài tài cúng bái, thông thạo sách Nôm còn được nhiều cô gái trong vùng thầm thương, trộm nhớ vì khả năng hát đối đáp trơn tru, ngọt sắc.

Ông Quẩy bên “kho báu” hàng trăm năm tuổi.

Năm 1972, ở tuổi 23, ông Quẩy mở lớp dạy chữ Nôm Dao, nhưng quá trình dạy học của ông bị gián đoạn từ năm 1979 vì chiến tranh biên giới. Năm 1989, gia đình ông chuyển đến thôn Km 8, xã Bản Phiệt (Bảo Thắng). Đến năm 2003, cuộc sống ổn định hơn, ông mới tiếp tục mở lớp. Từ đó, lớp học của ông Quẩy được duy trì từ năm này sang năm khác cho tới tận hôm nay, khi ông đã bước sang tuổi gần “thất thập”.

Lớp học của thầy giáo Quẩy chỉ là căn nhà nhỏ, với vài bộ bàn ghế và chiếc bảng đen. Học trò của ông đến từ nhiều nơi, nhưng có điểm chung đều là người Dao và khát khao được học chữ Nôm Dao. Có người đến để học chữ, học bài cúng để trở thành thầy mo, thầy cúng, cũng có người gửi con vào lớp để biết mặt chữ, biết đọc gia phả của dòng họ, lại có những người đến vì tình yêu với chữ Nôm, mong muốn được truyền dạy chữ cho nhiều người Dao hơn nữa. Đến với lớp học đặc biệt này, học trò của ông không cần đóng tiền học, chỉ đơn giản là chai rượu, ít gạo mang theo để ra mắt thầy, cùng hành trang gồm cây bút, quyển sách và sự kiên trì, nhẫn nại để học thành tài.

Cuốn sách vỡ lòng mà bất cứ ai cũng phải làm quen khi học viết là Đạo phạm khoa để làm quen với mặt chữ. Học xong quyển sách này mới có thể học, đọc những cuốn khác. Người học nhanh chỉ cần 1 năm đã đọc thông, viết thạo; người tiếp thu chậm 3 năm chưa thuộc là chuyện bình thường. Muốn học chữ Nôm Dao, người học cần tập trung, có trí nhớ tốt để nhớ thứ tự và số nét trong một chữ. Trước kia, chữ Nôm Dao chỉ dạy cho con trai, bởi con gái không thể đi cúng, học chữ cũng phí hoài. Nhưng ông Quẩy lại có một tư duy tiến bộ hơn, ông cho rằng, con gái có thể học chữ, vì học là để hiểu, để biết về tổ tiên, về những điều hay lẽ phải mà ông cha để lại. Sau khi học xong Đạo phạm khoa, học trò có thể tự đọc, tự tìm hiểu các cuốn sách khác mà không cần đến lớp. 

Người Dao có câu: “Có ruộng không cày thì ruộng thành hoang/Có sách không đọc con cháu ngu” để răn dạy các thế hệ sau phải chăm chỉ lao động, học hành. Có lẽ vì vậy, ngày ngày ông Quẩy lấy việc dạy học làm niềm vui, từ nghề thầy cúng, ông gắn cuộc đời với phấn trắng, bảng đen để trở thành thầy giáo.

Báu vật trăm tuổi

“Cũng như nhiều dân tộc khác, những câu hát dân ca, lời cúng, truyện cổ trong kho tàng các giá trị văn hóa tinh thần theo người Dao suốt cuộc đời. Hầu hết những tập quán, nghi lễ, kinh nghiệm sản xuất… đều được lưu giữ trong những cuốn sách cổ mà người xưa để lại. Thư ca, truyện cổ, sách cổ của người Dao dạy con cháu nhiều điều ý nghĩa, có khi hết cả đời vẫn chưa học đủ” - ông Triệu Văn Quẩy, chia sẻ.

Không ai nghĩ trong ngôi nhà giản dị của ông Quẩy mang đậm văn hóa dân tộc Dao ở thôn Km 8, xã Bản Phiệt bao năm nay đang là một “kho báu” vô giá về văn hóa dân tộc Dao, trong đó có hàng trăm cuốn sách cổ của cha ông truyền lại bao đời nay. Khi chúng tôi mong muốn được chiêm ngưỡng “kho báu” này, ông Quẩy trải một chiếc chiếu ra giữa nhà, rồi mở tủ lấy những cuốn sách hàng trăm năm tuổi đã ngả màu theo thời gian đặt ngay ngắn lên đó. Nhiều cuốn sách bìa đã sờn rách, nhưng chữ vẫn còn rõ nét. Quyển sách cổ nhất trong tủ sách của ông là cuốn Kinh có tuổi đời gần 500 năm.

Cầm từng cuốn sách cho chúng tôi xem, ông Quẩy bộc bạch: “Những cuốn sách hàng trăm năm tuổi này là báu vật của dòng họ, nên tôi cất giữ rất cẩn thận, sách cất trong tủ có đặt băng phiến để tránh gián, mối gặm nhấm. Tôi thường xuyên kiểm tra, mang sách ra phơi. Việc giữ gìn sách cổ nguyên vẹn để truyền lại cho con cháu đời sau giờ đây là điều khiến tôi bận lòng nhất. Tôi muốn con cháu biết được gốc rễ của dân tộc, của dòng họ, của chữ Nôm Dao. Nhiều người biết tôi có sách quý đến hỏi mua, tôi bảo luôn họ nếu biết ai bán sách cổ của người Dao chỉ cho tôi đến mua; sách của tổ tiên để lại, bán sách không khác gì bán đi gốc rễ của mình, mà mất gốc là mất hết, nên họ trả giá cao thế nào tôi cũng không đồng ý”.

Cả cuộc đời gắn bó với sách cổ, với lớp học chữ Nôm Dao, nhiều năm liền cùng các nhà nghiên cứu sưu tầm các giá trị văn hóa truyền thống của người Dao, ông Quẩy được nhận nhiều phần thưởng do xã và các ngành trao tặng. Phần thưởng cao quý gần đây nhất ông nhận là được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (tháng 11/2015) cho nghệ nhân loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng tỉnh Lào Cai vì đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Chia tay ông Quẩy, chúng tôi thầm chúc ông luôn khỏe mạnh để tiếp tục nghiên cứu, truyền dạy văn hóa, chữ viết Nôm Dao cho con cháu đời sau; đồng thời cũng mong các cấp chính quyền, ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ hơn trong việc tổ chức các lớp học, tổ chức bảo tồn kho sách cổ mà ông Quẩy đang lưu giữ.

Theo Quỳnh Trang/LCĐT

Tin Liên Quan

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.

Trăm năm kể chuyện nghề Rèn