Nét vẽ đầu đời…

Tôi nhớ hồi cấp 1, thầy cô hay cho bài tập vẽ về nhà. Chúng tôi rất vui thích nên thỏa sức vẽ vời những đề bài thú vị. Một ngôi nhà mái lá, lấp ló phía sau là mặt trời còn đang “ngái ngủ” với khuôn mặt biểu cảm dễ thương.

Một cánh đồng lúa chín vàng, điểm thêm vài đứa trẻ tay chân leo kheo như cái que đang bắt từng xâu muồm muỗm. Một bầu trời trong xanh, cao vời vợi với những đám mây hình cún con, mèo lười, trâu hung hăng và cả cô tiên váy hoa rực rỡ. Thấp thoáng mấy cánh diều vươn lên khỏi lùm cây xanh mát, lẫn trong đàn chim chiều hướng đôi cánh về phía núi xa xa. Mẹ xem tranh bao giờ cũng thốt lên khe khẽ “hình như có cả tiếng chim hót líu lo và tiếng cười khúc khích của bầy trẻ nhỏ”. Cũng có khi mẹ ngắm nghía chán chê, rồi nhắm mắt khẽ chun mũi ngửi tranh. Rõ ràng chỉ có mùi giấy ô li và mùi hăng màu nước, ấy vậy mà mẹ quả quyết ngửi thấy cả mùi lúa chín thơm và mùi mồ hôi trên lưng áo mỏng. Cũng có khi mẹ khen anh em tôi vẽ gió sao mát thế, vẽ lá sao non thế, vẽ những nụ cười sao tươi vui thế. Chẳng cần đến điểm mười của cô giáo, mấy anh em tôi cũng sung sướng tê người.

Ảnh minh họa.

Tôi luôn nghĩ môn vẽ đã cho mình cơ hội được phác thảo cuộc sống bằng những nét đầu đời, bằng cái nhìn hồn nhiên, trong sáng và cũng thật gần gũi về vạn vật đang tồn tại xung quanh. Không có gì gò bó, không cần phải theo chuẩn mực nào, nên trí tưởng tượng được giải phóng hoàn toàn. Những thân cây biết “đi đứng, xếp hàng”, biết “giang tay ôm lấy nhau” khi bão bùng mưa gió. Những trang sách cũng biết “than phiền” khi bị bôi mực tím lem nhem. Mỗi bài vẽ đôi khi lại giống như câu hỏi “vì sao?” hoặc là góc nhìn đầy thú vị, lấp lánh tình yêu thương đối với con người. Tôi nhớ có lần em tôi ngồi rất lâu trước đề bài “Em hãy vẽ một bức tranh mùa hạ”. Tôi gợi ý cho em về những bóng cây, về lưng áo mẹ đẫm mồ hôi, về mặt trời chói chang. Mẹ thì bảo “con cứ vẽ những gì con thấy thích”. Và em trai tôi đã vẽ được bức tranh mùa hạ đẹp đến mức tôi cứ nghĩ sau này em sẽ trở thành họa sĩ tài ba. Có thể với mọi người, đó chỉ là những nét vẽ nguệch ngoạc, nhưng với tôi thì nó chứa linh hồn. Em vẽ mẹ đang vác bó lúa nặng trĩu trên vai. Nón lá nghiêng nghiêng tô điểm cho nụ cười của mẹ. Những giọt mồ hôi rớt xuống bỗng biến thành từng nốt nhạc thánh thót như đang nhảy múa hát vang bài ca mùa vụ. Em nói mẹ lúc nào cũng đẹp, ngay cả giọt mồ hôi của mẹ cũng biết reo vui. Mẹ giữ lại bức tranh đó để trong cuốn album lớn. Chỉ tiếc là trong trận hỏa hoạn năm 2000, ngọn lửa đã “liếm sạch” bức vẽ cùng những tấm ảnh hiếm hoi lưu giữ ký ức gia đình tôi. Em tôi lớn lên không phải là họa sĩ, cũng không còn thích vẽ như hồi nhỏ. Nhưng tôi tin rằng, những nét vẽ đầu đời chắc hẳn đã cho em niềm vui.

 Tôi rất thích bộ phim "Bức họa thứ tư" của đạo diễn Mong - Hong Chung. Đó là bộ phim được xây dựng từ câu chuyện có thật. Phim ít thoại, kể về cuộc đời cậu bé 10 tuổi sống một mình sau cái chết của cha. Một ngày, mẹ cậu bất ngờ xuất hiện và đưa cậu về nhà sống cùng cha dượng keo kiệt và khó tính. Cậu bị ám ảnh bởi cái chết của người em trai nên thường đi lang thang trong đêm tối. Cũng vì quá cô đơn mà cậu bé kết bạn và đi theo một thanh niên giang hồ chuyên ăn trộm. Nhưng cuối cùng, cậu bé bắt đầu vẽ và tìm thấy tâm hồn của mình. “Bức họa thứ tư” được vẽ khi cô giáo dặn học sinh nhớ mang theo gương để vẽ chính khuôn mặt mà các em nhìn thấy trong gương. Có lẽ, vì vẽ khuôn mặt chính mình bao giờ cũng rất khó khăn, nên thay vì nhìn vào gương thì cậu bé đã từ từ nhắm mắt lại để tự họa. Và tôi tin vào giây phút ấy, cậu bé đã tìm thấy chính mình.

Mỗi bức tranh đều chứa đựng ít nhất một thông điệp mà những đứa trẻ muốn gửi gắm. Đôi khi chúng thích thủ thỉ kể thật nhiều câu chuyện cuộc sống qua phép màu của từng nét vẽ, nên tôi thích cách mà mẹ từng khuyến khích các con hãy vẽ bằng tất cả trái tim, sự sáng tạo, sức tưởng tượng của mình. Tôi cũng thích “Bức họa thứ tư” của cậu bé trong phim, bởi không gì khó bằng tự họa. Vì thế, hãy giúp trẻ em có cuộc sống thật nhiều màu sắc, nhiều trải nghiệm và đầy ắp yêu thương, để sau này các em không chỉ tự họa mình bằng màu vẽ mà còn tự họa mình bằng niềm vui, hạnh phúc…

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.