Âm thanh bên triền sông

Hẹn hò dăm bảy lần, nhưng cũng phải đến gần đây, chúng tôi mới có dịp xuôi Bảo Thắng trong một dịp công tác. Xe ô tô chở chúng tôi lao vun vút trên đường cao tốc, rồi bon bon vào tỉnh lộ mới mở rộng thênh thênh - tuyến giao thông huyết mạch nối thị trấn công nghiệp Tằng Loỏng với thị trấn Phố Lu. Điệu huýt sáo của anh lái xe còn đang dang dở thì ô tô đã tới lưng cầu Phố Lu, trung tâm huyện Bảo Thắng khang trang hiện ra trước mắt chúng tôi. “Hai mươi sáu phút”, anh bạn đồng hành lẩm nhẩm bấm giờ tính từ thời điểm xuất phát là trung tâm thành phố Lào Cai.
Trung tâm huyện Bảo Thắng sầm uất đôi bờ sông Hồng.

Ngẫm lại cách đây mấy năm, đường đến Bảo Thắng chỉ hơn 30 km, nhưng cánh phóng viên chúng tôi đều thấy xa xôi, cách trở, bởi Quốc lộ 4E xuống cấp nghiêm trọng với những ổ gà, ổ voi, lầy lội ngày mưa và bụi đất mịt mù trong ngày nắng. Bảo Thắng gần hóa xa là vì thế, giao thông trở thành yếu tố quyết định chứ không phải sản xuất. Trong khi về mặt địa lý, Bảo Thắng thuận lợi hơn các huyện khác rất nhiều khi có đường sắt chạy qua địa bàn huyện, 2 tuyến quốc lộ với chiều dài gần 100 km là Quốc lộ 70 và Quốc lộ 4E và hàng trăm km tỉnh lộ, đường do địa phương quản lý, hàng trăm km đường giao thông nông thôn, một nửa trong số đó đã bê tông hóa. Ông Đỗ Trọng Hiếu, Trưởng phòng Kinh tế huyện bộc bạch: “Cứ thời điểm tắc đường, thêm đoạn giao thông xuống cấp là nông dân gánh hậu quả đầu tiên, giá bán nông sản giảm trông thấy”.

Nỗi lo của ông Hiếu có cơ sở khi Bảo Thắng luôn là huyện dẫn đầu toàn tỉnh về sản xuất nông nghiệp; nông sản của Bảo Thắng trở thành hàng hóa theo các tuyến giao thông có mặt ở hầu hết thị trường lớn trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Đó là na, nhãn, chanh, bưởi, là rau, hoa, chè, gạo, ngô, sắn, không kể đến sản phẩm đặc thù tiểu vùng thì dường như tỉnh có nông sản nào mang giá trị kinh tế cao thì Bảo Thắng đóng góp loại đó trên thị trường. Nhưng sản lượng lớn hơn cả vẫn là từ ngành chăn nuôi và thủy sản, kết quả sau những năm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp với định hướng phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn, giảm ngành trồng trọt và tăng tỷ trọng chăn nuôi. Đến đầu năm 2016, tổng số hộ được công nhận sản xuất, kinh doanh cấp trang trại, gia trại của huyện đã vượt qua con số 1.000, riêng trang trại chăn nuôi chiếm khoảng 1/3 với tổng đàn gia súc toàn huyện đạt gần 200.000 con (tính cả lợn) và gần 1,3 triệu con gia cầm; trung bình mỗi người dân Bảo Thắng nuôi 15 con gia súc, gia cầm. Ở Bảo Thắng, có những điển hình, những mô hình sản xuất mà như cách nói của ông Hiếu thì “đến các tỉnh miền xuôi cũng phát thèm”. Hợp tác xã chăn nuôi Quý Hiền đến nay đã kết nạp được hơn 40 xã viên với hơn 50 trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, mỗi tháng cung ứng ra thị trường thành phố Lào Cai, Sa Pa và các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang 12 nghìn quả trứng gia cầm và 100 tấn lợn thịt. Tới đây, Hợp tác xã này sẽ đưa vào hoạt động trại lợn giống với số đầu nái tới trên 400 con và hoàn toàn là nái ngoại sinh dòng F1, năng lực sản xuất lợn giống sẽ là 10.000 con/năm.

Mô hình sản xuất giống gia cầm của anh Nguyễn Hồng Thanh, xã Phú Nhuận hiện cũng đang trở thành điểm chăn nuôi lớn nhất huyện Bảo Thắng với số vốn đầu tư lên tới 25 tỷ đồng. Những mô hình như vậy ở Bảo Thắng đang hình thành ngày càng nhiều hơn với cách làm đa dạng, phong phú.

Chậm nhất đến năm 2020, Bảo Thắng sẽ là huyện đầu tiên của tỉnh và cũng là tốp đầu tiên của khu vực Tây Bắc đạt chuẩn nông thôn mới. Đó hoàn toàn không là những định tính thiếu căn cứ, bởi Bảo Thắng có điểm xuất phát hơn hẳn các địa phương khác. Khi chưa có Chương trình xây dựng nông thôn mới, phong trào bê tông hóa đường giao thông nông thôn tại các xã Xuân Quang, Phú Nhuận, Sơn Hà, Thái Niên đã “nở rộ” từ những năm 2005 - 2010. Hay trong phong trào sản xuất, cải thiện môi trường nông thôn, phát triển văn hóa - xã hội... Bảo Thắng cũng luôn là điểm sáng. Đến nay, Bảo Thắng đã có 3/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong số những xã còn lại, xã đạt trên 10 tiêu chí chiếm đa số, đặc biệt là những tiêu chí khó thực hiện, như môi trường, thu nhập... Riêng giá trị sản xuất nông nghiệp trong năm 2015 của huyện đã đạt trung bình 62 triệu đồng/ha, địa phương có hàng chục mô hình sản xuất với giá trị đạt 200 triệu đồng/ha/năm trở lên. Kinh tế phát triển, đời sống của người dân nông thôn được cải thiện, mức thu nhập trung bình của toàn huyện đạt trên 20 triệu đồng/người/năm.

Chè là một trong những cây trồng chủ lực giúp người dân Bảo Thắng xóa đói, giảm nghèo.

Nhưng sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa phải là ưu thế duy nhất của Bảo Thắng, ông Nguyễn Quang Úy, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định như vậy khi giới thiệu với chúng tôi về tiềm năng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của địa phương. Riêng năm 2015, sản xuất của địa phương đạt 5.907 tỷ đồng (giá thực tế), giúp Bảo Thắng trở thành địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về giá trị ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Bảo Thắng không có những điểm mỏ, tài nguyên dồi dào nhưng lại được lựa chọn để xây dựng Khu Công nghiệp Tằng Loỏng - khu công nghiệp duy nhất của cả nước chuyên về chế biến khoáng sản, luyện kim, sản xuất hóa chất và ngành công nghiệp phụ trợ. Hơn một vạn kỹ sư, công nhân, người lao động đang làm việc tại đây, trong đó có hàng nghìn lao động là người địa phương, đó chính là động lực để Bảo Thắng chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng nâng tỷ lệ phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn. Nhờ sản xuất công nghiệp mà Bảo Thắng có cơ hội thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ và các ngành sản xuất thực phẩm phục vụ hoạt động của khu công nghiệp.

Dòng sông Hồng chở nặng phù sa chảy dọc vùng đất Bảo Thắng đang từng ngày bồi đắp sự màu mỡ cho đôi bờ, mang lại màu xanh no ấm. Người dân cứ theo trục đường sắt, đường cao tốc và các tuyến đường bộ mà ngược xuôi. Tới đây, người dân Bảo Thắng chỉ thêm ít phút đi trên đường cao tốc là có thể bước chân lên máy bay bởi Cảng hàng không dân dụng được xây dựng cách đó không xa. Từ trên máy bay nhìn xuống, Bảo Thắng sẽ càng lung linh trong ánh nắng vàng, ngày đó không xa lắm.

Đứng trên cầu Phố Lu, chúng tôi cảm nhận được tiếng còi tàu văng vẳng, tiếng còi xe nơi đô thị, tiếng ca nô chạy phành phạch trên sông, lẫn đâu đó có tiếng rì rào của gió và... tiếng “cựa mình” của Bảo Thắng đang hồi thức giấc./.

Theo Cao Cường/LCĐT

Tin Liên Quan

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).

Chuyển 46 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, thị xã khắc phục hậu quả thiên tai

Ban Vận động cứu trợ tỉnh vừa quyết định chuyển 46 tỷ đồng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý đến Ban Vận động cứu trợ các huyện, thị xã để khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3.