Chính sách dân tộc phải đảm bảo hướng tới bình đẳng, đoàn kết, cùng phát triển

Vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, đoàn kết các dân tộc luôn được Đảng xác định có vị trí đặc biệt quan trọng và luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đề ra nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi. Quan điểm đó được Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lào Cai qua các thời kỳ tổ chức thực hiện rất hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển toàn diện vùng đồng bào các dân tộc.

Sau gần 25 năm tái lập, cùng với việc tập trung phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lào Cai luôn vận dụng thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo các nghị quyết của Đảng, quyết định của Chính phủ. Cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, sự nỗ lực triển khai thực hiện của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc, tỉnh Lào Cai đã đạt nhiều thành tựu vượt bậc, các chương trình, chính sách công tác dân tộc đã thực sự góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Các công trình hạ tầng thiết yếu được xây dựng như: Đường giao thông, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nhà văn hóa đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Trao quà cho người uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng và phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đó là điều kiện để Lào Cai đầu tư có chiều sâu cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khó khăn. Cùng với đó, nhiều chính sách, chương trình dự án của Chính phủ, địa phương cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số  được  triển khai thực hiện có hiệu quả. Hằng năm, tỉnh ưu tiên bố trí từ 65% - 70% nguồn kinh phí từ ngân sách để đầu tư cho khu vực nông thôn, vùng đồng bào các dân tộc. Do vậy, kết cấu hạ tầng có bước phát triển vượt bậc, đến nay 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 80% số xã có đường cho xe cơ giới đến tất cả các thôn, bản; 100% xã có điện lưới quốc gia…

Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 39 triệu đồng/năm. Các lĩnh vực xã hội được quan tâm, cải thiện: 99,5% trẻ em trong độ tuổi được đến trường; hệ thống y tế phát triển, đạt 34 giường bệnh/10.000 dân; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào các dân tộc giảm bình quân 5%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,11% (theo tiêu chí cũ), tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 40%  (chung toàn tỉnh là 55%); có trên 80% số xã đã được đầu tư xây dựng nhà văn hóa. Lào Cai là tỉnh đầu tiên có 2 xã ra khỏi Chương trình 135 là Tả Phời và Hợp Thành trong giai đoạn 2000 - 2005. Trong xây dựng nông thôn mới hiện nay, Lào Cai cũng là 1 trong 13 tỉnh, thành phố đạt được nhiều thành tựu. Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, Lào Cai đã có 21 xã được công nhận là xã nông thôn mới.

Cùng với tập trung phát triển kinh tế, sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được coi trọng xây dựng và phát triển. Thiết chế văn hóa cơ sở, giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được đầu tư, bảo tồn và phát triển; hệ thống bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được mở rộng; công tác giáo dục, đào tạo đối với đồng bào dân tộc thiểu số hằng năm đều tăng về số lượng và chất lượng.

Những thành tựu đó khẳng định Lào Cai đã vận dụng đúng đắn, kịp thời các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung; thường xuyên động viên và kịp thời phát động các phong trào thi đua, nâng cao ý thức tự vươn lên, tạo được niềm tin sâu sắc của nhân dân các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Tuy vậy, để thực hiện tốt chính sách dân tộc và bảo đảm chính sách dân tộc hướng tới sự phát triển bình đẳng, trong thời gian tới, hệ thống chính trị, các cấp, các ngành tập trung thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ sau:

Về nhận thức: Các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên cần phải nắm vững đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác dân tộc; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc, trong đó tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt.

Về thực hiện chính sách: Các cấp, các ngành triển khai rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đến năm 2016, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, chương trình, dự án phù hợp trong giai đoạn 2016 - 2020. Tiếp tục thực hiện các đề án, chính sách theo các mục tiêu cơ bản, dài hạn, ổn định, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trước hết là giao thông, điện, trường học, trạm y tế, các công trình, thiết chế văn hóa. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học - công nghệ, hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp.

Đối với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể: Trước mắt, tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung khắc phục tình trạng thiếu vốn, đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt... Các ngành, các huyện, thành phố thực hiện tốt chương trình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng gắn với bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; bảo đảm tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị các cấp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Vận dụng tốt việc lồng ghép các chương trình mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới, lấy xây dựng nông thôn mới là nội dung đột phá, làm chuyển biến tư tưởng, nhận thức về xây dựng đời sống mới trong đồng bào. Kiên trì với phương châm chọn những việc dễ làm trước, những khâu đột phá có sức lan tỏa để tiến hành và cần huy động mọi nguồn lực trong nhân dân tham gia xây dựng NTM. Từ đó, tạo bước chuyển biến căn bản để thực hiện giảm nghèo bền vững, phấn đấu hằng năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% - 5%.

Với những chủ trương đúng, giải pháp khoa học, đặc biệt là sự đồng thuận cao của nhân dân các dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và của tỉnh sẽ tiếp tục là động lực mạnh thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, làm cho đời sống đồng bào các dân tộc ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Ðặng Xuân Phong

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

Tin Liên Quan

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).

Chuyển 46 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, thị xã khắc phục hậu quả thiên tai

Ban Vận động cứu trợ tỉnh vừa quyết định chuyển 46 tỷ đồng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý đến Ban Vận động cứu trợ các huyện, thị xã để khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3.