Cáp treo Fansipan: Khi giấc mơ thành hiện thực

Chinh phục đỉnh Fansipan - “nóc nhà” Đông Dương cao 3.143 m luôn là ước mơ của bao người, nhưng dường như quá xa vời bởi thời gian, sức khỏe không cho phép họ thực hiện được. Khi cáp treo Fansipan chính thức đi vào hoạt động thì ước mơ của nhiều người đam mê chinh phục đỉnh núi cao nhất Việt Nam mới trở thành hiện thực trong niềm hân hoan, tự hào.
Nhiều người thực hiện được ước mơ chinh phục đỉnh Fansipan nhờ hệ thống cáp treo.

Đầu tháng 2/2016, Dự án cáp treo Fansipan khánh thành đã rút ngắn thời gian tới đỉnh cao 3.143 m từ hai ngày đi bộ trên tuyến đường hiểm trở xuống còn 15 phút. Việc xây dựng hệ thống cáp treo là một câu chuyện dài bởi có nhiều ý kiến trái chiều. Một bộ phận cho rằng, không nên đơn giản hóa việc khám phá đỉnh Fansipan, hãy để những người có khả năng và sức khỏe chinh phục bằng đường bộ. Số còn lại thì cho rằng, những người không đủ sức khỏe nhưng luôn khát khao một ngày nào đó được chạm đỉnh Fansipan và chỉ có cáp treo mới giúp họ thực hiện được khát vọng đó.

Và sau hơn một tháng đi vào hoạt động, lượng người lên Sa Pa ngày càng đông để trải nghiệm đỉnh núi bằng cáp treo, trong đó có những em bé tầm 2 tuổi và cả cụ già gần 90 tuổi. Tại nhà ga đi, chúng tôi gặp một số người cao tuổi cùng gia đình đang chờ lên ca-bin, trong đó có cụ Trần Văn Nghiên, sống ở thành phố Lào Cai. Cụ Nghiên năm nay đã 80 tuổi, mái tóc bạc trắng, nhưng trông cụ vẫn còn khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Sống ở Lào Cai mấy chục năm rồi, nhưng cụ Nghiên chưa từng đặt chân lên đỉnh Fansipan. Cụ bảo: “Tôi luôn ấp ủ một lần được đặt chân đến đỉnh Fansipan rồi mới nhắm mắt, xuôi tay, nhưng thời trẻ không có điều kiện đi, khi tuổi càng cao, sức càng yếu, thì giấc mơ đó càng xa dần”. Khi biết tin cáp treo khởi công xây dựng rồi khánh thành đi vào hoạt động, cụ Nghiên vui mừng lắm. Hai con trai của cụ đã sớm đưa cụ Nghiên lên Sa Pa để lên đỉnh Fansipan. Vậy là chỉ mất 15 phút, từ ca - bin cáp treo, cụ Nghiên được ngắm cảnh núi rừng Sa Pa, con suối Mường Hoa ì ào tung bọt, biển mây bồng bềnh… Không hề mệt mỏi, sau khi trải qua mấy trăm bậc đá, cụ Nghiên cũng đã chạm được tay vào hình chóp ở độ cao 3.143 m. “Đứng ở đây, ngắm biển mây bồng bềnh trắng xốp, trong lòng tôi có cảm giác thật khó tả. Lào Cai mình đẹp quá, nước Việt Nam thật đáng tự hào”, đó là cảm xúc của cụ Trần Văn Nghiên khi đứng ở “nóc nhà” Đông Dương.

Cụ bà Nguyễn Thị Mận sống ở Sa Pa nhưng cũng chưa một lần được đặt chân lên đỉnh Fansipan. Trong dịp Tết vừa rồi, cụ và mấy người cháu đã chạm “nóc nhà” Đông Dương bằng tuyến cáp treo mới khánh thành. Hai cô cháu gái dắt tay cụ đi từng bước chậm chạp, tuy mệt nhưng ánh mắt cụ tràn đầy niềm vui. “Tôi sống ở thị trấn Sa Pa, ngay dưới chân dãy núi Fansipan nhưng nếu không có cáp treo, chắc cả cuộc đời tôi không thể biết cảm giác đứng ở đây như thế nào” - cụ Mận chia sẻ. Khi đặt chân đến đỉnh Fansipan, những người cháu chụp cho cụ Mận rất nhiều ảnh lưu niệm. Vậy là một cụ bà 85 tuổi, cái tuổi “gần đất xa trời” đã thỏa ước nguyện một lần được đứng ở độ cao 3.143 m để ngắm nhìn núi rừng Sa Pa trong niềm xúc động bồi hồi. Lúc rời hình chóp đặt trên đỉnh cao, cụ Mận cứ ngoái lại nhìn mãi, cô cháu gái xinh xắn động viên: “Bà cứ thật khỏe mạnh, tháng sau cháu tiếp tục đưa bà lên đây ngắm cảnh”.

Không chỉ các cụ già, nhiều em nhỏ cũng được bố mẹ cho đi cáp treo với mục đích giáo dục các con tình yêu thiên nhiên thông qua những chuyến tham quan nơi có cảnh đẹp hiếm thấy. Nhân dịp sinh nhật 3 tuổi của con trai, vợ chồng anh Lê Quốc Hưng (Hà Nội) đã thưởng cho cậu bé chuyến du lịch Sa Pa, trong đó có hành trình chinh phục Fansipan. Anh Hưng cho biết: “Vợ chồng tôi quyết định từ năm cháu 3 tuổi trở đi, mỗi năm, gia đình sẽ đến một địa danh để cháu hiểu Việt Nam mình tươi đẹp như thế nào. Địa danh đầu tiên tôi muốn cháu đến là đỉnh Fansipan. Ấn tượng đầu bao giờ cũng sâu đậm và tốt đẹp nên tôi muốn cháu lên đây để giáo dục cháu niềm tự hào khi được đứng ở “nóc nhà” Đông Dương”. Ý nghĩ của những gia đình hiện đại về cách giáo dục con trẻ đáng để học hỏi, bởi họ luôn muốn con mình tự hào về đất nước, từ đó mới có thể yêu nước.

Như vậy, tuyến cáp treo lên đỉnh Fansipan đã giúp bao người có cơ hội thực hiện được ước mơ; từ cụ già đến em nhỏ đều có thể được toại nguyện mong ước một lần đứng tại “nóc nhà” Đông Dương, đặt tay lên ngực với niềm tự hào mãnh liệt./.

Theo Vân Thảo/LCĐT

Tin Liên Quan

Du khách bất ngờ trước tốc độ phục hồi của du lịch Sa Pa

Sa Pa, điểm đến du lịch nổi tiếng của miền Bắc, nhanh chóng “lấy đà” phục hồi sau bão nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng, doanh nghiệp, chính quyền địa phương.

Khách du lịch đến Sa Pa tăng 33,2% so với kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9/2023

Trong 4 ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 31/8 - 3/9), Lào Cai đón khoảng 196.500 lượt khách. Lượng khách du lịch đến các địa phương tăng nhẹ so với kỳ nghỉ 2/9/2023, riêng thị xã Sa Pa đón khoảng 122.770 lượt khách, tăng 33,2% so với kỳ nghỉ lễ 2/9/2023.

Lễ hội mùa Thu "Sa Pa - mùa vàng" 2024 hứa hẹn hàng loạt sự kiện hấp dẫn

Lễ hội mùa Thu Sa Pa 2024 không chỉ là dịp để du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của vùng cao mà còn là cơ hội để trải nghiệm những hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực hấp dẫn.

Nên đi đâu tại Lào Cai trong kỳ nghỉ lễ này?

Kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh mùng 2/9 đúng vào dịp thời tiết Lào Cai thuận lợi. Dự kiến những ngày nghỉ trời có nắng, phù hợp để du khách trải nghiệm các hoạt động ngoài trời, tận hưởng không khí đón mùa thu. Những ngày này, các địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch hấp dẫn để thu hút...

Lần đầu tiên tỉnh Lào Cai tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế

Với chủ đề “Du lịch Lào Cai - kết nối khát vọng xanh”, Hội chợ Du lịch Quốc tế Lào Cai năm 2024 (Laocai International Travel Mart – LITM 2024) sẽ được tổ chức từ ngày 7/11 đến ngày 10/11/2024 tại khu vực Quảng trường Đinh Lễ (thành phố Lào Cai).

Hoa dơn thóc rực rỡ khoe sắc trên đỉnh Fansipan

Kéo dài tới hết 30/8, Lễ hội hoa dơn thóc 2024 đang thu hút đông đảo khách du lịch tới đỉnh Fansipan với biển hoa trải dài từ độ cao hơn 3.000 m và hàng loạt hoạt động vui chơi hấp dẫn, mang đậm sắc màu văn hóa Tây Bắc.