Niềm tin nơi biên viễn

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai…”, lời ca ấy cũng là ý niệm, tâm sự của thầy giáo Phùng Thế Tùng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Tả Gia Khâu (Mường Khương) về lý do gần 20 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” ở vùng cao bằng tình yêu, lòng nhiệt thành cháy bỏng.

Từ những ấn tượng về vùng cao…

Thầy Tùng đến với ngành sư phạm và đặc biệt là đến với mảnh đất Mường Khương như một cơ duyên. Ngày ấy, khi học xong phổ thông trung học, đang đứng trước bước ngoặt lớn của cuộc đời là lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai thì những câu chuyện của anh bạn cùng làng về vùng đất “lạ” khiến Tùng tò mò, muốn khám phá. Anh bạn ấy học trên Tùng hai lớp, lên Lào Cai lập nghiệp, rồi tham gia dạy xóa mù chữ tại các trường học vùng cao của huyện Mường Khương. Qua những câu chuyện kể, Phùng Thế Tùng phần nào mường tượng về vùng đất xa xôi nơi địa đầu Tổ quốc. Nơi ấy, trình độ dân trí thấp, đường sá đi lại rất khó khăn, người dân “khát” chữ, thiếu thông tin. Tuy nhiên, là nơi có phần đông người dân tộc thiểu số sinh sống, nên mang nhiều nét văn hóa đặc sắc, thêm vào đó, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, núi non thơ mộng… Và thế là, chàng trai Phùng Thế Tùng cũng mong muốn trở thành thầy giáo để gắn bó với học trò nghèo trên vùng cao này.

Hoạt động giữa giờ của học sinh nhà trường.

Được gia đình ủng hộ, anh một mình “khăn gói quả mướp” từ quê hương Phú Thọ lên Lào Cai theo học Khoa Tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai. Sau 2 năm miệt mài đèn sách, chàng trai trẻ viết đơn tình nguyện lên công tác tại huyện vùng cao Mường Khương. Nơi đầu tiên anh được phân công giảng dạy là một phân hiệu thuộc xã Dìn Chin. Một mình một đường giữa bao la đồi núi, loay hoay gần nửa ngày trời, thầy giáo trẻ vẫn chưa tìm được đường đến thôn. May mắn gặp bà con đi lấy củi gần đó, anh hỏi đường, nhưng kết quả cũng không khả quan, bà con không hiểu được những gì anh nói. Anh liền mở sổ viết tên thôn nhưng cũng nhận được những cái lắc đầu do bà con không biết chữ. Vậy là theo kinh nghiệm của anh bạn kể những năm trước đó, cứ men theo đường mòn có dấu chân trâu, chân ngựa nhiều mà đi sẽ đến được thôn, bản, cuối cùng sau một ngày trời, anh cũng tới nơi mình được giao nhiệm vụ “gieo chữ”.

… đến tình yêu với mảnh đất cằn khô

Vốn sinh ra và lớn lên ở vùng đất nghèo trung du - vùng đất khô cằn như một trường học lớn, giúp anh tôi luyện ý chí, sự cần cù, nhẫn nại vượt qua mọi khó khăn. Vậy nên, trên quê hương mới, thầy giáo Phùng Thế Tùng cũng có tinh thần “thép”, kiên trì vượt qua cuộc sống ở những vùng đất gian nan nhất. Trải qua nhiều cương vị công tác ở các xã được coi là gian khó nhất của huyện Mường Khương như Dìn Chin, Nậm Chảy hay Tả Gia Khâu, thầy giáo Tùng luôn nỗ lực dạy chữ cho những học sinh nghèo.

Thầy giáo Phùng Thế Tùng.

“Nhập gia tùy tục”, việc đầu tiên thầy Tùng thực hiện đó là gần gũi, tìm hiểu tập quán, thói quen của người dân địa phương. Hiểu được việc bất đồng ngôn ngữ là trở ngại lớn trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục tại các thôn, bản vùng cao, thầy Tùng đã tận dụng mọi cơ hội học ngôn ngữ của đồng bào nơi mình đang công tác, để nâng cao hiệu quả giờ dạy học. Đặc thù của các lớp học vùng cao là vốn tiếng Việt của học sinh rất hạn chế; các em nói ngọng, nói sai vần, sai thanh, thậm chí không thể nói tiếng phổ thông. Vì vậy, song song sử dụng tiếng phổ thông, trong các giờ học, thầy Tùng còn sử dụng tiếng các dân tộc bản địa để giao tiếp cũng như trao đổi bài học với học sinh. Nhờ đó, các giờ học của thầy Tùng luôn sinh động, học sinh dễ tiếp thu kiến thức, hứng khởi hơn với việc đến trường.

Với sự nhiệt huyết và những cống hiến cho ngành giáo dục, từ năm 2009 cho đến nay, thầy Tùng được đề bạt làm Phó Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu. Ngôi trường ở vùng đất khó, thiếu thốn đủ bề. Thầy Tùng cùng đội ngũ giáo viên của nhà trường đã khắc phục mọi khó khăn về cơ sở vật chất, về nguồn nước sạch để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, duy trì ổn định phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, duy trì tỷ lệ chuyên cần đạt trên 90%, xây dựng trường học phong quang, sạch sẽ, đảm bảo phục vụ nhu cầu học tập, ăn ở, vui chơi của học sinh. Đặc biệt, từ năm học 2013 - 2014, nhà trường áp dụng dạy học theo chương trình VNEN (mô hình trường học mới Việt Nam) ở các khối lớp 3, 4, 5. Chương trình thu được nhiều kết quả khả quan, các em học sinh đã mạnh dạn, tự tin hơn trong việc bày tỏ quan điểm và chia sẻ, thảo luận với bạn bè, thầy cô, cha mẹ về học tập cũng như các vấn đề xung quanh. Chất lượng học tập của các em nhờ đó cũng được nâng lên.

Các em học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu thu hoạch sản phẩm từ nông trại của trường.

Một thành công nữa của trường, đó là đã thực hiện tốt mô hình trường học nông trại. Trong 1.200 m2, nông trại có vườn rau, chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm được quy hoạch hợp lý, mỗi năm cung cấp cho bếp ăn của nhà trường 1,6 tấn rau các loại và hàng trăm kg lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng, góp phần đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm cho các em học sinh. Việc thực hiện mô hình trường học nông trại còn giúp cho học sinh có cơ hội rèn luyện kĩ năng sống, tinh thần đoàn kết.

Chia sẻ về những dự định sắp tới, thầy giáo Phùng Thế Tùng nói đầy tin tưởng: Nhà trường sẽ tham mưu với các cấp có thẩm quyền, đồng thời tranh thủ các nguồn đầu tư để xây dựng các phòng học đạt tiêu chuẩn cho học sinh, xây dựng phòng hiệu bộ, phòng chức năng, phòng công vụ phục vụ công tác giáo dục của nhà trường. Trong giai đoạn 2015 - 2020, trường phấn đấu đạt vững chắc từng tiêu chí để trở thành trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia…

Trước những cống hiến của thầy giáo gần 20 năm gắn bó với các trường học vùng cao và được nghe về “bản vẽ” ý tưởng ngôi trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu trong tương lai, tôi càng thêm hiểu chân lý: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai…”. Đó là chân lý của sự hy sinh, của sự cho đi mà không cầu nhận lại./.

Theo Tô Dung/LCĐT

Tin Liên Quan

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).

Chuyển 46 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, thị xã khắc phục hậu quả thiên tai

Ban Vận động cứu trợ tỉnh vừa quyết định chuyển 46 tỷ đồng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý đến Ban Vận động cứu trợ các huyện, thị xã để khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3.