Từ trò chơi dân gian đến di sản văn hóa thế giới

 Mỗi dịp tết đến, xuân về, người người náo nức trảy hội du xuân. Sau phần lễ trang trọng, linh thiêng, có lẽ mọi người háo hức mong chờ nhất là được đắm mình trong không gian náo nhiệt của lễ hội, hòa vào các trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lào Cai.

Kéo co là một trong những trò chơi luôn thu hút rất đông người đến tham gia, cổ vũ. Đặc biệt, thật ý nghĩa khi trò chơi dân gian này mới đây được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới...

Từ khi còn nhỏ, trẻ em vùng cao đã thích thú với trò chơi kéo co. 

Năm nào cũng vậy, lễ hội “Roóng poọc” của người Giáy ở Tả Van (Sa Pa) được tổ chức bên suối Mường Hoa thơ mộng, luôn thu hút đông đảo người dân địa phương, du khách trong và ngoài nước tham gia. Sau nghi thức hành lễ, phần hội diễn ra với nhiều trò chơi dân gian, trong đó không thể thiếu môn kéo co. Tiếng reo hò vang dội, tiếng vỗ tay cổ vũ hòa trong tiếng trống hội rộn rã; người người chen nhau xem màn kéo co đầy kịch tính và hấp dẫn.

Nghệ nhân dân gian Sần Cháng, dân tộc Giáy, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Kéo co là trò chơi dân gian phổ biến trong cuộc sống thường nhật của đồng bào Giáy, giờ đây đã trở thành trò chơi mang tính nghi lễ trong lễ hội xuống đồng tổ chức vào dịp đầu xuân. Hằng năm, người Tày, người Giáy có rất nhiều lễ hội truyền thống nhưng môn kéo co chỉ được tổ chức trong lễ hội xuống đồng. Bởi vậy, kéo co trở thành một nghi thức dân gian gắn liền với tín ngưỡng cầu mùa trong lễ hội xuống đồng của người Tày, Giáy, thể hiện ước vọng sinh sôi, phát triển. Ngoài ra, kéo co còn thể hiện tinh thần đoàn kết gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong cộng đồng, là biểu tượng cho sự đoàn kết, tinh thần tập thể...

Theo tài liệu nghiên cứu của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cùng là dân tộc Tày, Giáy, nhưng khi sinh sống ở các vùng khác nhau, nghi lễ của trò chơi dân gian này lại mang những đặc điểm khác nhau. Như vùng người Tày ở Văn Bàn, họ dùng cây song làm dây kéo, còn vùng người Tày ở Bắc Hà lại dùng một loại dây leo ở rừng. Sự khác biệt này còn được thể hiện ở việc chọn ngày tổ chức lễ hội xuống đồng giữa các vùng. Vùng người Tày ở Bắc Hà tổ chức vào ngày Thìn, còn một số vùng lại tổ chức vào ngày Hợi…Người Tày ở Trung Đô, xã Bảo Nhai (Bắc Hà) có Đền Trung Đô khi kéo co còn gắn liền với nghi thức rước cá về đình; các hoạt động trong lễ hội đều diễn ra tại sân đình. Các làng người Tày không còn đình, họ tổ chức ở khu ruộng cấy…

Kéo co thường diễn ra chủ yếu vào buổi sáng, khi mặt trời lên, thể hiện sự tươi sáng, trong lành, sinh sôi, phát triển. Vị trí đứng của những người tham gia kéo co cũng được sắp xếp sao cho âm, dương hòa hợp. Khi kéo, nam giới luôn đứng ở phía Tây, còn nữ giới đứng ở phía Đông. Dây kéo được chia làm 2 phần đều nhau, có buộc dây vải đỏ hoặc giấy đỏ ở giữa để làm ranh giới. Chọn dây kéo là công việc quan trọng để tổ chức nghi lễ kéo co trong lễ hội xuống đồng của người Tày, Giáy. Người ta phải chọn được những sợi dây tốt, vững chắc thì khi kéo mới không bị đứt, năm đó cả làng sẽ sản xuất thuận lợi, may mắn. Thời gian đi lấy dây kéo thường vào giờ Thìn, bởi theo quan niệm của người Tày ở Trung Đô (Bắc Hà), giờ Thìn là giờ tốt, mát mẻ, vượng khí, sẽ mưa thuận, gió hòa.

Người Tày, Giáy thường dùng dây song mây hoặc cây dây (má me), tượng trưng cho rồng thiêng (pẻng luông) với sức mạnh dẻo dai. Vì thế, hai đội chơi thi kéo co cũng có nghĩa là “kéo rồng” với mong muốn rồng phun nước mưa cho làng, bản, cho nước đầy đồng, cá đầy sông, đầy suối, mùa màng tươi tốt. Kéo rồng chính là kéo thần - biểu tượng của mưa. Đối với người Tày vùng Bảo Nhai (Bắc Hà), đội nam được quy định kéo ở nửa đầu gốc dây, được tính là thân và đầu rồng, bên nữ sẽ kéo nửa dây phía đầu ngọn, được coi là phần đuôi rồng. Khi kéo, người kéo ở đầu cùng của dây kéo không được cầm vào vì đây là phần miệng và mắt rồng. Nếu người kéo không biết, hoặc vô ý cầm vào phần đó sẽ bịt mồm và mắt rồng, rồng không phun được mưa, năm đó trời sẽ khô hạn, mất mùa.

Trong quan niệm của đồng bào Tày, kéo co còn được ví là kéo mây. Kéo mây, kéo mưa xuống để đồng ruộng tràn đầy nước, đem mưa thuận, gió hòa cho con người, cho vạn vật sinh sôi, phát triển...

Mang theo những điều lý thú tìm hiểu được về nghi lễ kéo co, chúng tôi có mặt tại Lễ hội Xuống đồng Xuân Bính Thân 2016 của người Giáy ở Quang Kim (Bát Xát). Ngay sau phần lễ, chúng tôi được đắm mình trong không gian của lễ hội bởi các phần thi sôi nổi. Cùng với các phần thi như đi thăng bằng trên cây tre, đập niêu, đẩy gậy thì phần thi kéo co thu hút được nhiều người chơi nhất. Anh Vàng A Phin, người Giáy ở Quang Kim cho rằng: Hào hứng nhất là phần thi kéo co, vì đây là trò chơi thể thao cần đến sức khỏe, sự dẻo dai, bền bỉ và ý chí, đồng thời thể hiện được tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong một đội chơi. Do vậy, lễ hội năm nào, tôi cũng tham gia trò chơi này. Tôi cũng như bao người khác đến lễ hội, vừa để vui chơi, vừa muốn thể hiện ước mong rất bình dị của người nông dân, đó là cầu cho một năm có thóc gạo, trâu bò, gà vịt đầy nhà, cha mẹ già trường thọ, gia đình hoà thuận yên vui, con cái hiếu thảo, trưởng thành...

Ngày nay, trò chơi dân gian kéo co truyền thống vẫn có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Lào Cai, nhất là đối với đồng bào Tày, Giáy. Trò chơi dân gian này đã góp phần giáo dục con người về tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh dẻo dai, sự khôn khéo để phát triển toàn diện về trí, đức, tài, nghệ. Chính sự đặc sắc trong trò chơi dân gian như kéo co đã làm nên bản sắc văn hóa cho cộng đồng dân tộc Tày, Giáy ở Lào Cai. Điều đặc biệt và ý nghĩa hơn khi từ một trò chơi, nghi lễ dân gian, kéo co đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể được cả thế giới công nhận./. 

Theo Lê Thanh Cường/LCĐT

Tin Liên Quan

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.