Mỹ ngày càng coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN

Trong hai ngày 15 và 16-2, tại khu nghỉ mát Sunnylands ở bang California diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ với sự tham dự của các lãnh đạo từ 10 nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Việc Nhà Trắng quyết định đón tiếp các nhà lãnh đạo ASEAN tại cùng nơi Tổng thống Mỹ Barack Obama chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phản ánh thực tế Mỹ ngày càng coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN.

Bước ngoặt quan hệ song phương

Rạng sáng 17-2 (giờ Việt Nam), Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ (còn gọi là Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ) đã ra Tuyên bố Sunnylands. Thông cáo của Nhà Trắng cho biết, sau hai ngày làm việc, hội nghị đã ra tuyên bố chung gồm 17 nội dung, trong đó có cam kết tôn trọng chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và độc lập về chính trị giữa tất cả các quốc gia phù hợp với nguyên tắc và qui định của Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN và luật pháp quốc tế; cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực phù hợp với các nguyên tắc chung đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS); cam kết chung thúc đẩy hợp tác để giải quyết những thách thức chung trong lĩnh vực hàng hải; nhấn mạnh tầm quan trọng của thịnh vượng chung, phát triển và tăng trưởng bền vững….

Theo thông cáo của Nhà Trắng, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ lần đầu tiên được tổ chức tại Mỹ và cũng là hội nghị cấp cao đầu tiên diễn ra sau khi Cộng đồng ASEAN được hình thành cuối năm 2015. Hội nghị đánh dấu một năm bước ngoặt cho cả ASEAN và mối quan hệ đối tác chiến lược ngày càng mật thiết giữa Mỹ và ASEAN.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, Tổng thống Obama đã kêu gọi các bên liên quan tranh chấp chủ quyền tại biển Đông có "những bước đi thiết thực" nhằm hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực. Tổng thống Obama cho biết, ông và các nhà lãnh đạo của các nước thành viên ASEAN đã bàn về sự cần thiết phải hạ nhiệt căng thẳng tại biển Đông, đồng thời nhất trí rằng mọi tranh chấp giữa các bên tuyên bố chủ quyền tại biển Đông "phải được giải quyết một cách hòa bình và theo luật pháp." Nhà lãnh đạo Mỹ nêu rõ những bước đi thiết thực có thể bao gồm việc "ngừng mở rộng hoạt động cải tạo, xây mới và quân sự hóa các khu vực tranh chấp.”

Mỹ ngày càng coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN. Ảnh tư liệu

Giới phân tích nhận định phía Mỹ đặc biệt coi trọng hội nghị này, coi đây là một dấu ấn về đối ngoại trong cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, đồng thời chứng tỏ cam kết triển khai chính sách xoay trục về châu Á của Washington không chỉ bằng lời nói mà còn bằng các hành động cụ thể. Theo các chuyên gia, sự kiện tại Sunnylands có ý nghĩa rất quan trọng đối với Mỹ, ít nhất là bởi hai lý do: Thứ nhất, Hội nghị Thượng đỉnh chưa từng có tiền lệ này thể hiện quan điểm của Tổng thống Obama xích lại gần hơn các nước Đông Nam Á thông qua các thể chế khu vực; Thứ hai, đây là cơ hội để truyền đạt tới dư luận Mỹ về tác động từ sự nổi lên của Đông Nam Á, một thông điệp cần được phổ biến rộng rãi nếu người kế nhiệm ông Obama tiếp tục duy trì chính sách xoay trục sang châu Á mà nhà lãnh đạo này khởi xướng.

Đông Nam Á đang là nơi thu hút sự chú ý của các cường quốc khu vực khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Australia. Cuộc chạy đua nhằm nhanh chóng hiện đại hóa lực lượng hải quân của Trung Quốc để thực hiện các tuyên bố chủ quyền phi pháp đang tạo ra những thách thức lớn, không chỉ đối với các nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn mà còn đối với Mỹ, nước tuyên bố có lợi ích và trách nhiệm trong việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. Bởi vậy, việc xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử về biển Đông (COC) ngày càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều nước thành viên phải đối mặt với căng thẳng chính trị trong nước, như tình trạng quân sự hóa tại Thái Lan, cáo buộc tham nhũng trong Chính phủ Malaysia, hay đấu đá chính trị tại Indonesia, ASEAN dường như đang ở trong tình trạng “rắn mất đầu.” Điều này khiến sự hiện diện của Mỹ càng trở nên cấp thiết, nhất là trong việc thúc đẩy các cuộc thảo luận có ý nghĩa tại các diễn đàn ASEAN. Tuy nhiên, điều quan trọng là cách tiếp cận như thế nào mới là phù hợp, đủ để các cường quốc tầm trung cũng có thể giữ vị trí lãnh đạo. Đây cũng là yếu tố góp phần tạo dựng vai trò trung tâm của ASEAN, và cho phép các nước ASEAN duy trì lợi ích chiến lược của mình.

Mỹ ngày càng coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN

Tổng thống Obama rất coi trọng ASEAN.

Mối quan hệ nồng ấm

Cuộc gặp giữa Mỹ và các nước ASEAN cho thấy mối quan hệ song phương đang rất nồng ấm. Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama đón tiếp lãnh đạo 10 nước ASEAN là một động thái táo bạo nhằm làm sâu sắc và mở rộng sự can dự của Mỹ vào ASEAN. Theo bài viết, các nước châu Á-Thái Bình Dương khác cũng có những cuộc họp thường xuyên với các nhà lãnh đạo ASEAN. Mỹ trễ hơn trong việc thừa nhận tầm quan trọng địa chiến lược của tổ chức này. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã có 18 hội nghị cấp cao với Trung Quốc và 17 hội nghị với Nhật Bản.

Hội nghị Sunnylands là sự tiếp nối chính sách “trở lại” châu Á của Mỹ được triển khai từ năm 2009. Các hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN được tổ chức bên lề cuộc họp của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á kể từ năm 2013, sau khi Mỹ phê chuẩn Hiệp ước hữu nghị và hợp tác và bổ nhiệm Đại sứ Mỹ tại ASEAN (Mỹ là quốc gia đầu tiên ngoài ASEAN làm như vậy). ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ tư của Mỹ, và các Cty Mỹ là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở khu vực này. Trên thực tế, các Cty Mỹ đầu tư vào Đông Nam Á nhiều hơn vào Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ cộng lại. Quan hệ Mỹ-ASEAN đã được nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược tại Kuala Lumpur vào tháng 11 năm 2015 và Kế hoạch hành động đang được soạn thảo cho giai đoạn 5 năm tới.

Chương trình nghị sự tại Hội nghị Thượng đỉnh Sunnylands nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, chính trị, an ninh và ngoại giao nhân dân. Song hội nghị diễn ra trong bối cảnh ASEAN đang có những xáo trộn và có khả năng sự gắn kết khu vực bị suy yếu nếu ASEAN không làm rõ điều mình mong muốn trong quan hệ với Mỹ.

ASEAN nằm ở trung tâm trong trật tự địa chiến lược của khu vực châu Á. ASEAN không chỉ tồn tại mà còn là một điểm tựa quan trọng trong việc quản lý mối quan hệ giữa các nước lớn trong khu vực. Để thúc đẩy sự đoàn kết và hợp tác quan hệ với các nước lớn, ASEAN đã nỗ lực vượt qua khả năng của mình. Trong bối cảnh đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ ở khu vực, ASEAN dường như trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN sẽ phụ thuộc vào tiến trình hội nhập kinh tế của khối. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã có hiệu lực vào đầu năm nay. Đây là một dự án đầy tham vọng để biến ASEAN thành một thị trường và cơ sở sản xuất duy nhất. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và những nước khác trong khu vực có những lợi ích lớn và sâu sắc khi ASEAN trở nên hùng mạnh. Và việc thành lập AEC là rất cần thiết để thực hiện điều đó.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang được đàm phán giữa ASEAN và sáu đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. RCEP là một thỏa thuận do ASEAN khởi xướng, nếu đàm phán thành công, sẽ làm nổi bật vai trò trung tâm của ASEAN. Nó có thể củng cố và mở rộng AEC, song điều quan trọng khi thỏa thuận đầy tham vọng này hoàn tất thì nó phải phù hợp hoặc bổ sung cho Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). ASEAN chưa thể tiếp cận ngay TPP với một quan điểm chung, bởi hiện mới chỉ có bốn nước ASEAN gồm Singapore, Malaysia, Brunei và Việt Nam là thành viên của TPP. Trong khi đó, TPP vẫn chưa được phê chuẩn bởi Quốc hội 12 nước thành viên - trong đó có Nhật Bản, Australia và Mỹ - và sẽ không có hiệu lực cho đến ít nhất là vào đầu năm 2018. Việc những thành viên mới sẽ phải đợi bao lâu trước khi họ có thể gia nhập là điều vẫn chưa rõ ràng.

Những phân tích trên cho thấy, ASEAN cần phải cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác kinh tế vào loại quan trọng nhất của ASEAN, trong khi các quốc gia châu Á có thể ủng hộ Mỹ - một đối tác kinh tế cũng rất quan trọng. Hy vọng rằng vai trò trung tâm của ASEAN đối với khu vực châu Á sẽ không vô tình bị bỏ qua khi các nhà lãnh đạo theo đuổi những mục tiêu khác.

(theo PL&XH)

Tin Liên Quan

Cảnh báo tác động “tàn khốc” của biến đổi khí hậu và xung đột đối với người nghèo

Biến đổi khí hậu và xung đột có nguy cơ làm lu mờ những nỗ lực cải thiện sức khỏe con người, trong khi thực tế các vấn đề này có mối liên hệ chặt chẽ không thể tách rời, Peter Sands, người đứng đầu Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét cho biết.

Đức nỗ lực ổn định thị trường lao động

Thiếu hụt lao động lành nghề là một trong những rủi ro kinh tế lớn nhất đối với nước Đức, gây lo ngại cho các doanh nghiệp. Việc áp dụng luật nhập cư lao động lành nghề mới của Đức được giới chuyên gia đánh giá cơ bản là tích cực, song vẫn còn nhiều phức tạp và là yếu tố khiến quốc gia này tụt...

Việt Nam tham gia Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024

Ngày 17/9, tại Trung tâm triển lãm Crocus Expo ở thủ đô Moskva, Liên bang Nga, đã diễn ra lễ khai mạc Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024.

Thế giới tuần qua: Thiên tai, dịch bệnh và những hệ lụy

Hàng triệu người ở Đông Nam Á đang phải đối mặt với tình trạng ngập lụt, thiệt hại về người và của sau khi siêu bão Yagi, cơn bão được đánh giá là lớn nhất châu Á trong năm 2024 đổ bộ. Bên cạnh đó, những diễn biến liên quan đến dịch bệnh đậu mùa khỉ (mpox) tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận...

Ấn tượng Việt Nam tại một trong những hội chợ du lịch và lữ hành lớn nhất thế giới

Ngày 17/9, Hội chợ du lịch quốc tế và Pháp IFTM Top Resa năm 2024 (Top Resa 2024) đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Quốc tế Versailles, Paris.

Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em

Theo nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates, tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay đang khiến cho "cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em" trở nên tồi tệ hơn.