Cuốn theo làn điệu dân ca Nùng Dín

Khi ngô, thóc đã đầy bồ, hoa đào đua nhau khoe sắc, cũng là lúc người dân tộc Nùng Dín huyện Mường Khương, sống ven dòng sông Chảy lại nhộn nhịp cùng nhau tập lại những làn điệu dân ca để chuẩn bị đi hội, chơi xuân.

 

Các đôi nam - nữ hát đối.

Ngày hội dân ca ở bản Nùng

“Ngồi cửa nhìn ra trước/ Ngước nhìn ra đằng xa/ Núi vẫn còn trước ta/ Đời xưa là không còn/ Nhưng vẫn còn lý lẽ/ Lý lẽ vẫn như xưa” ý rằng: “Tuy thế hệ trước đã khuất, nhưng lý lẽ và truyền thống vẫn còn lưu truyền mãi trong các thế hệ sau không thể mất”. Từ bao đời nay, đối với người Nùng Dín, âm nhạc không thể thiếu trong đời sống tinh thần.

Trong niềm vui đón năm mới, ở xã Nấm Lư, huyện Mường Khương - nơi có hơn 82% người dân tộc Nùng Dín sinh sống, nhà nhà, người người đều tất bật chuẩn bị đón Tết, trong đó, một phần không thể thiếu là chọn trang phục, tập các bài dân ca để tham dự Ngày hội hát dân ca được tổ chức tại trung tâm xã trong những ngày đầu xuân.

Dưới nắng xuân vùng cao ấm áp, trên khu đất rộng ven đồi, những nghệ nhân hát dân ca đến từ các thôn và thành viên Câu lạc bộ Dân ca Nùng Dín của địa phương đang cùng nhau tập lại những bài hát dân ca cổ. Cùng với các nghệ nhân còn có nhiều nam thanh, nữ tú ngồi học hát theo.

Vừa thể hiện xong bài dân ca mới tự sáng tác, nghệ nhân Hoàng Thị Trấn bước ra trong tiếng vỗ tay cổ vũ của mọi người. Bà Trấn năm nay đã ngoài 60 tuổi, là 1 trong số 13 nghệ nhân - thành viên đầu tiên của Câu lạc bộ Dân ca Nùng Dín xã Nấm Lư. Trò chuyện cùng chúng tôi, bà Trấn tâm sự: Ngày hội hát dân ca tổ chức ở địa phương là dịp để người dân được vui chơi, quên đi cuộc sống vất vả thường ngày. Đây cũng là nơi để các đôi nam, nữ làm quen, tìm hiểu và nên duyên vợ chồng. Vì thế, người Nùng Dín ở Nấm Lư luôn mong chờ ngày hội này khi tết đến, xuân về.

Trong ngày hội, mỗi khi có tiếng hát cất lên, tất cả người dự hội đều tập trung lắng nghe; một số người hát theo, như bị cuốn vào những làn điệu giản dị mà gần gũi và thắm tình đoàn kết. Kết thúc mỗi bài hát là tiếng hò reo, hân hoan, những vẻ mặt tươi cười rạng rỡ; mọi nhọc nhằn, vất vả của người dân nơi đây dường như đã được xua tan, thay vào đó là niềm vui và sự hy vọng khi mùa xuân mới về.

Để khúc dân ca mãi vang xa

Nghệ nhân Nùng Chản Phìn - “Cây đại thụ” của những làn điệu dân ca Nùng Dín ở huyện Mường Khương, đã có hơn 50 năm tham gia bảo tồn, lưu giữ và truyền dạy cho nhiều thế hệ các làn điệu dân ca Nùng Dín. Ông Phìn cho biết: Những làn điệu dân ca của người Nùng Dín được hình thành từ quá trình lao động, sản xuất, từ thực tế cuộc sống thường ngày, từ tình cảm mộc mạc và dân dã của người dân. Mọi người đã dùng ngôn ngữ, giai điệu để nói lên tâm trạng, cảm xúc của mình thông qua lời ca, tiếng hát. Dân ca là sản phẩm trí tuệ của tập thể, của nhiều tác giả, qua các thế hệ nối tiếp nhau sáng tác và không ngừng hoàn thiện. Các làn điệu dân ca Nùng Dín lưu truyền có 4 thể loại chính, gồm hát giao duyên, hát mâm cỗ, hát giao lưu và hát chính sự. Cụ thể, thể loại hát mâm cỗ hiện có 41 bài dân ca chính được lưu truyền qua các đời; hát giao duyên có 24 bài; hát giao lưu 34 bài; hát chính sự có 5 bài. Mỗi thể loại đều có một số bài hát cố định và những bài hát lẻ được sáng tác thêm theo lối ứng khẩu để đối đáp.

Ngoài ý nghĩa của bài hát, dân ca Nùng còn hấp dẫn người nghe bởi nội dung là những lời hay, ý đẹp, từ ngữ tượng trưng, tượng hình; ngôn ngữ bay bổng được sắp xếp thành vần thơ; lời hát theo từng nội dung, thể loại. Người Nùng Dín được đánh giá cao trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa và từ ngữ trong tiếng nói, bởi phải biết và hiểu sâu về tiếng nói của dân tộc mình thì họ mới có thể chọn câu, từ hay, ý đẹp để ghép thành câu thơ, lời hát.

Hiện, số người biết hát bài hát cổ truyền và sáng tác mới các bài hát dân ca Nùng Dín ngày càng hiếm. Có những thời điểm, các làn điệu dân ca Nùng Dín gần như đứng trước nguy cơ thất truyền và bị lãng quên. Trước sự mai một về nét văn hóa đặc sắc này, cấp ủy đảng, chính quyền xã Nấm Lư, huyện Mường Khương đã có nhiều việc làm thiết thực để gìn giữ. Những năm gần đây, cùng với Ngày hội hát dân ca, hằng năm, vào dịp đầu năm mới, xã Nấm Lư đều tổ chức các cuộc thi, hội diễn hát dân ca để gìn giữ những bài hát, đồng thời tạo sân chơi vui tươi, phấn khởi cho những người yêu dân ca Nùng Dín. Đây còn là dịp để người dân địa phương giao lưu, gặp gỡ, học hỏi, đặc biệt là tạo niềm vui, thúc đẩy phong trào thi đua lao động, sản xuất trong dịp đầu năm mới.

Dân ca Nùng Dín hiện không chỉ là truyền thống của người bản địa mà đã trở thành nét đẹp tiêu biểu, là “kho báu” trong văn hóa dân tộc ở huyện vùng cao Mường Khương. Nét đẹp ấy đang được lưu giữ, bảo tồn và phát huy gắn với sự phát triển của du lịch địa phương, ngày càng thu hút đông đảo du khách tới tham quan, thưởng thức vào mỗi dịp tết đến, xuân về./.

Theo Đức Toàn/LCĐT

Tin Liên Quan

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.

Trăm năm kể chuyện nghề Rèn