Từ “cái thủa ban đầu”…

Những người được phân công lên Lào Cai đợt đầu tiên khi chia tách từ tỉnh Hoàng Liên Sơn rộng lớn cùng nhau ngoảnh lại thấy thời gian trôi thật nhanh. Vẫn biết quy luật của tự nhiên là không thể cưỡng được, nhưng cứ thấy nao nao trong lòng. Mới đấy mà đã gần một phần tư thế kỷ, kể từ những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm 1991 của thế kỷ trước.

Một góc thành phố biên giới Lào Cai.

Chẳng trách con người mau già, mái tóc người nào cũng đã nhuộm màu sương gió. Gần hai mươi lăm năm lăn lộn chung sức, chung lòng thức dậy một vùng đất bị chiến tranh tàn phá. Không bồi hồi sao được khi ngày ấy khăn gói theo những chuyến xe tải ngất ngưởng bàn ghế, giường tủ được phân chia cùng những chiếc xe u - oát chở tài liệu và một vài phương tiện giản đơn phục vụ công tác điều hành, quản lý hành chính từ thị xã Yên Bái ì ạch ngược Quốc lộ 70, qua những ổ voi, ổ trâu xóc nẩy người lên vùng biên viễn. Cả bộ máy của tỉnh mới tái lập phải ở nhờ trong những dãy lán công trường xây dựng Nhà máy Tuyển quặng Apatít do Tổng Công ty xây dựng Sông Hồng để lại; một số cơ quan làm việc nhờ các đơn vị thuộc huyện Bảo Thắng, thị xã Cam Đường, thậm chí có cơ quan phải nhờ nhà dân. Cơ quan nọ cách cơ quan kia có khi đến vài chục ki-lô-mét. Chật nhà nhưng không chật tình, nơi làm việc cách xa nhưng gần gũi tấm lòng thương yêu đùm bọc; nghèo khó nhưng không nghèo tinh thần vượt khó vươn lên. Tất cả bắt đầu gần như bằng con số 0. Nhìn lại những ngày đầu, tháng đầu, năm đầu mới thấy được sức lực và trí tuệ của con người thật mạnh mẽ. Tỉnh Lào Cai khi đó, nhất là thị xã tỉnh lỵ Lào Cai những năm 70 của thế kỷ trước sầm uất là thế, vậy mà giờ đây phải đứng trước vạch xuất phát trong cảnh gạch vỡ, ngói tan, không một căn nhà cấp bốn; đây đó dưới lòng đất, cái chết rình rập con người bất cứ lúc nào bởi mìn, đạn chiến tranh sót lại. Một vùng đất đang trở thành phế tích, đòi hỏi trí tuệ, sức lực của những người lên ải Bắc khôi phục và dựng xây.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ X họp từ ngày 9 đến 11/1/1992 như một mốc son lịch sử của tỉnh Lào Cai tái lập, đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ 5 năm (1991-1995) bằng sự quyết tâm của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh: Tập trung phát triển sản xuất; ưu tiên tái thiết thị xã Lào Cai với quy mô vừa hiện đại vừa mang tính đặc thù thị xã miền núi; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường huyết mạch; nâng cấp và làm mới các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội… Phấn đấu mức tăng trưởng bình quân GDP đạt 5,6%/năm.

Đường hướng đã có, đòi hỏi sự dốc sức, dốc lòng vì tỉnh miền núi, biên giới Lào Cai ngày mai của toàn Đảng bộ và toàn dân. Thị xã Lào Cai thành đại công trường xây dựng hạ tầng, lập nên diện mạo thị xã tỉnh lỵ giáp đường biên, mốc giới với nước láng giềng Trung Quốc, tạo nền móng ban đầu cho một đô thị hiện đại sau này. Khi ấy, cả tỉnh vì thị xã Lào Cai, thị xã Lào Cai vì cả tỉnh. Trí tuệ và mồ hôi, công sức của hơn sáu mươi vạn người dân từng bước đã được đền đáp. Từ “cái thuở ban đầu” ấy, Lào Cai đã bước qua 5 nhiệm kỳ Đại hội Đảng. 5 nhiệm kỳ với ý Đảng đã quyết, lòng dân đã đồng, khơi dậy niềm hứng khởi đến với mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi bản làng vùng thấp, vùng cao...

Các thế hệ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, của các ngành, các cấp nối tiếp nhau gánh vác nhiệm vụ lãnh đạo và chỉ đạo trên con đường đổi mới và đi lên của một vùng biên giới giàu tiềm năng bằng ý chí của nhân dân các dân tộc toàn tỉnh, sự quan tâm của Trung ương, sự giúp đỡ nghĩa tình của các địa phương trong cả nước... Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc được nâng lên, năm sau cao hơn năm trước. Đường ô tô đã mở đến tận trung tâm các xã; nhiều bản làng có điện thay sao; tiếng nói nhờ phát thanh, hình ảnh nhờ truyền hình tới mọi nhà. Trẻ em cắp sách đến học trong những ngôi trường khang trang, sạch đẹp hơn; người dân được khám, chữa bệnh trong những cơ sở y tế đạt chuẩn quốc gia. Thôn, bản vùng thấp, vùng cao đang từng bước giảm nghèo bền vững và khởi sắc từng ngày nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới. An ninh, chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, biên giới lãnh thổ được bảo vệ; 100% thôn, bản có chi bộ đảng; chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội được củng cố. Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá mới. Thế mới biết, Đảng có đường lối, chủ trương đúng thì “khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Tiếp bước trên con đường phát triển, Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV đã đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 2015 - 2020 với 25 mục tiêu chủ yếu đều cao hơn nhiệm kỳ trước, trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm là 10% trở lên; đến 2020, thu nhập bình quân đạt 72 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 3% - 4%/năm...

Thuyền bè trên bến Nậm Thi (Lào Cai) đầu thế kỷ XX.  

Nhìn lại Lào Cai cách đây gần 25 năm và bây giờ, qua 25 mùa xuân, vắt qua hai thế kỷ, ai cũng ngỡ ngàng về sự đổi thay nhanh chóng như có phép thần của vùng đất biên giới này. Phép thần đó là sức mạnh đoàn kết của các dân tộc anh em dưới sự lãnh đạo của Đảng, biết tận dụng thời cơ, phát huy mọi nguồn lực để dựng xây Lào Cai phát triển từng ngày. Thành tựu được ghi nhận qua từng con số đã tạo nên sức bật mới của một tỉnh miền núi, biên giới Lào Cai hôm nay. Thành phố tỉnh lỵ Lào Cai được công nhận là thành phố loại II khi vừa tròn mười tuổi. Tỉnh Lào Cai càng hân hoan lần lượt long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới cho các đơn vị xứng danh: Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam, xã Nậm Cang (Sa Pa), thành phố Lào Cai. 

Mùa xuân này, Lào Cai đang bước vào vận hội mới, thời cơ mới, thử thách mới cho sự phát triển như một lời kêu gọi, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trên mảnh đất biên cương giàu đẹp, anh hùng. Chúng ta có thể làm được với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đổi mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV, lập nên thành tựu mới. Niềm vui nối tiếp niềm vui, người dân Lào Cai có quyền tự hào với bè bạn gần xa, tự hào với chính mình về sức vươn lên của cả cộng đồng các dân tộc anh em đang toả sáng lung linh giữa núi rừng điệp trùng vùng Tây Bắc./.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).

Chuyển 46 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, thị xã khắc phục hậu quả thiên tai

Ban Vận động cứu trợ tỉnh vừa quyết định chuyển 46 tỷ đồng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý đến Ban Vận động cứu trợ các huyện, thị xã để khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3.