Thưởng thức hương vị Tết cùng các quốc gia ASEAN

Trong những ngày này, người dân ở khắp nơi trên thế giới đều đang hân hoan trong bầu không khí lễ hội chào đón năm mới với mong muốn và nguyện ước về một cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Cùng với Việt Nam, 9 thành viên thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng có những phong tục Tết thú vị, thể hiện nét văn hóa, truyền thống độc đáo và giàu bản sắc.

Các quốc gia ASEAN có những phong tục Tết rất thú vị, thể hiện nét văn hóa riêng của từng dân tộc

1. Tết Hari Raya của Brunei

Lễ hội Hari Raya kết thúc tháng ăn chay Ramadan tại Vương quốc Hồi giáo Brunei. Trong tháng ăn chay, những người theo đạo Hồi không ăn, không uống từ khi mặt trời mọc  đến lúc mặt trời lặn. Đây là khoảng  thời gian chuộc tội để xin tha thứ cho tội lỗi của họ. Và tháng chay Ramanda kết thúc bằng lễ hội Hari Raya như sự ăn mừng thành công của tháng ăn chay.

Hari Raya của người Brunei không cố định ngày cụ thể trong các năm mà được quyết định bởi một hội đồng dựa theo lịch Gregory Idul Fitri, thường sẽ chậm đi 11 ngày mỗi năm. Trong 2 ngày này, Hoàng cung mở cửa: Ngày thứ nhất đón tiếp các thành viên chính phủ, ngày thứ 2 đón tiếp dân chúng và khách du lịch. Đây là cơ hội duy nhất trong năm để thần dân Brunei và du khách vào thăm Cung điện Hoàng gia Istana Nurul Iman – Hoàng cung lớn nhất thế giới, để được bắt tay, nhận quà của Quốc Vương và các thành viên Hoàng gia. Món quà Quốc vương thường tặng là thanh chocolate có dấu ấn Hoàng gia. Theo quan niệm của người dân nơi đây, ai được nhận quà và bắt tay Vua, Hoàng hậu sẽ may mắn suốt cả năm. Nam giới sẽ được gặp Vua và các Thái tử, Hoàng tử; phụ nữ được gặp gỡ Hoàng hậu cùng các vương phi và công chúa. Ngoài ra, dân chúng và khách du lịch còn được thiết đãi một bữa tiệc buffet linh đình trong hoàng cung.

2. Tết Chol Chnam Thmey của Campuchia

Người Campuchia lấy ngày sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni để tính niên đại, vì vậy từ ngày 14 –16/4 (dương lịch) là thời gian diễn ra Tết đón năm mới (Tết Choi Chnam Thmey – hay Tết Núi Cát). Trong dịp Tết, các đền chùa thường treo cờ ngũ sắc và cờ trắng hình cá sấu của đạo Phật. Trước khi đón năm mới, mọi nhà đều dựng bàn thờ để đón ông bà tổ tiên, trên bàn thờ thường thắp 5 nén hương, 5 cây nến. Và các gia đình đều làm 5 núi cát, có nơi người ta không đắp bằng cát mà đắp bằng trái cây, các loại bánh hoặc những chẽn lúa...

3 ngày trong năm mới lần lượt được gọi là Maha Songkran (mồng 1), Wanabat (mồng 2) và Tngay Leang Saka (mồng 3). Vào ngày Maha Songkran, mọi người ăn mặc đẹp, đến chùa thắp đèn, thắp hương cầu nguyện. Để cầu may mắn, mọi người dùng nước thánh rửa mặt vào buổi sáng, rửa thân vào buổi trưa và rửa chân vào buổi tối trước khi lên giường ngủ. Khi ngày Wanabat đến, những người khá giả hơn sẽ làm từ thiện, tặng cơm, quần áo... cho những người kém may mắn hơn... Các gia đình sẽ đến tham dự các lễ cúng tổ tiên tại chùa. Vào ngày Tngay Leang Saka, mọi Phật tử đều làm lễ tắm tượng Phật, cũng như các vị sư sãi cao niên, bằng nước ướp hương thơm với ý nghĩa biểu tượng rằng nước sẽ rất cần thiết cho tất cả muôn loài, đồng thời cũng được xem là cách mang lại tuổi thọ, may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng trong cuộc sống. Khi tắm cho ông bà và cha mẹ, con cái có thể nhận được những lời chúc tốt đẹp nhất và những lời khuyên chí tình nhất từ người thân của mình.

Trong dịp lễ hội này, người Khmer còn có tục lệ đắp núi cát. Mọi người đắp cát thành nhiều ngọn núi nhỏ theo 8 hướng và một núi ở trung tâm, tượng trưng cho vũ trụ. Tục này nhằm thể hiện mong muốn cầu mưa và cầu phúc cho mọi người.

3. Tết của Indonesia

Indonesia là một quốc gia có nhiều tôn giáo và sắc tộc, do đó cách chào đón Tết cũng rất đa dạng và khác biệt. Đó là Tết của người Hồi giáo (Tahun Baru Hijiriah), Tết của người Hindu tại đảo Bali (Tahun Baru Imlek).

Tahun Baru Hijiriah: Tết truyền thống của người Hồi giáo Indonesia được gọi là Tết Hijiriah. Vào đêm Hijiriah, người dân tại Hijiriah thường đến nhà thờ Hồi giáo nghe các giáo sĩ giảng đạo, đọc và lắng nghe kinh Koran, nghe những bài hát đạo Hồi. Một số tổ chức Hồi giáo mở cửa các chợ, cung cấp thực phẩm, tiền, dịch vụ y tế miễn phí cho dân nghèo, đặc biệt là người già và trẻ em. Trong ngày Tết, mọi người thường xin lỗi lẫn nhau vì những va chạm trong quá khứ và đi thăm cha mẹ.

Tahun Baru Saka: Phần lớn người theo đạo Hindu tại Indonesia sống tại đảo Bali, hòn đảo du lịch nổi tiếng. Ngày bắt đầu năm mới tại Bali vô cùng náo nhiệt và rộn rã. Tất cả dân làng cùng tập trung ở một khu vực để ăn mừng. Thức ăn được chuẩn bị trong hai ngày để phục vụ số lượng người tham gia đông đảo.

Tahun Baru Imlek: Năm 2000, tết âm lịch Trung Quốc, hay còn được gọi là Imlek, chính thức được công nhận là ngày lễ quốc gia tại Indonesia. Trong những ngày này, múa lân trở thành hoạt động thường nhật tại nhiều thành phố, đặc biệt là các trung tâm mua sắm. Vào dịp Tết Imlek, các cuộc thi thể thao, biểu diễn thời trang liên tục diễn ra. Các khu chợ cung cấp thực phẩm, tiền cho người nghèo. Nhiều cửa hàng, trung tâm mua sắm tràn ngập màu đỏ và hình trang trí kiểu Trung Quốc. Những người gốc Trung Quốc tại Indonesia cũng hay có thói quen gửi thiếp mừng năm mới tặng bạn bè và người thân.

4. Tết Songkan của Lào

Tết của người Lào được gọi là Bpee Mai hoặc Songkan diễn ra từ 13 – 15/4 (dương lịch) hàng năm. Lễ hội kéo dài trong 3 ngày. Trong 3 ngày này người Lào được nghỉ, không làm việc và cũng không có các hoạt động buôn bán. Người dân té nước để cầu may, bình yên cho cả năm.

Vào ngày đầu tiên của Tết Lào, người dân quét dọn, lau chùi nhà cửa sạch sẽ, chuẩn bị nước thơm và hoa. Vào buổi chiều, người dân trong làng tập trung ở chùa để làm lễ cúng Phật, cầu nguyện, nghe các nhà sư giảng  đạo. Sau đó, người dân Lào rước tượng Phật ra một gian riêng trong 3 ngày và mở cửa để mọi người có thể vào tắm Phật. Họ còn té nước vào các nhà sư, chùa và cây cối xung quanh chùa… Người Lào tin rằng nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, sạch sẽ và  mạnh khỏe. Ai bị ướt nhiều là hạnh phúc nhiều.

Cũng trong dịp này, cát được đưa đến sân chùa và trang trí trước khi dâng cho các nhà sư để tỏ lòng thành kính. Người Lào có thể làm ngay tại bãi biển hoặc dâng cát cho chùa. Các tháp cát này tượng trưng cho núi Phoukaokailat nơi 7 con gái của Kabinlaphom thờ đầu cha mình và được dâng cúng để cầu sức khỏe, hạnh phúc trong năm mới.

Người Lào cũng thực hiện phóng sinh cho các loài động vật như rùa, cá, cua, chim, lươn và các con vật nhỏ khác bởi người ta tin rằng trong dịp Tết ngay cả động vật cũng cần  được tự do. Vào các buổi chiều, sư trụ trì hướng dẫn các nhà sư, ni cô và dân làng đi hái hoa tươi đem về chùa cúng Phật.

Trong ngày Tết, người Lào rất chú trọng tới việc ăn món lạp, đặc biệt là các doanh nhân. Theo ngôn ngữ của nước này, lạp có nghĩa lộc.

5. Tết của Malaysia

Ngày đầu năm mới của Malaysia bắt đầu từ mùng 1/1 (theo lịch Hồi giáo). Vẫn là những ngôi nhà được quét dọn, trang hoàng sạch sẽ, phố xá được trang trí với nhiều mầu sắc rực rỡ. Chỉ có điều trước Tết khoảng 10 ngày, những người dân Malaysia theo đạo Hồi không mua sắm nhiều thức ngon vật lạ cho Tết mà bắt đầu nhịn ăn (chỉ ăn nhẹ trước khi mặt trời lặn), vì họ cho rằng đó là sự thể hiện lòng cảm thông với sự thống khổ của những người nghèo trên trái đất như lời thánh Ala răn dạy.

Khi gặp gỡ vào dịp năm mới, người Malaysia có tục lệ chạm nhẹ bàn tay mình vào lòng bàn tay người đối diện, sau đó thu tay lại rồi áp sát vào tim chừng vài giây. Người nào lớn tuổi hơn thì chào hỏi trước. Ở đất nước này, việc chạm tay vào tay người phụ nữ là hết sức bị cấm kỵ nên những người đàn ông phải chờ cho người phụ nữ chìa tay ra trước.

6. Tết của Myanmar

Năm mới của người dân Myanmar được tổ chức theo Phật lịch, tức vào giữa tháng 4 dương lịch. Vào dịp này, người Myanmar sẽ tổ chức lễ hội thi nhảy ếch và bưng nước chạy. Những người tham dự trò chơi phải nhảy theo tư thế của ếch hết đoạn đường quy định. Còn người thi bưng nước phải vừa chạy vừa bưng một bát nước đầy đến điểm quy định sao cho nước không bị sánh ra ngoài.

Lời chúc mừng năm mới của người Myanmar là "hắt nước vào người nhau". Ở các thành phố lớn như Rangoon, Mandalay người ta để các thùng nước dọc các con phố. Luôn có người đứng chầu chực bên những thùng nước, "rình" người đi đường rồi hắt nước vào họ thay cho lời mừng tuổi, lời chúc một năm mới an lành và hạnh phúc.

7. Tết của Philippines

Năm mới ở Philippines diễn ra từ ngày 30/12 (dương lịch) cũng chính là dịp lễ kỷ niệm ngày Philippines Jose Lisarơ – nhà thơ yêu nước, người anh hùng dân tộc khởi xướng phong trào độc lập, vì thế ngày nay người ta còn gọi là "ngày anh hùng”.

Tại Philippines, Tết dương lịch là ngày vui nhất, rộn rã và náo nhiệt nhất. Đó là dịp để những người trong gia đình suy ngẫm về những chuyện đã diễn ra trong một năm qua, và cùng hướng về tương lai với những hi vọng tươi sáng. Đối với người Philippines, ngày tết biểu tượng cho sự thay đổi, hi vọng, cơ hội sửa sai và làm những điều tốt đẹp.

Những ngày giáp tết, hầu hết các gia đình Philippines đều thu dọn nhà cửa, kiểm lại đồ đạc, dẹp bớt những thứ không sử dụng hoặc vô giá trị. Trước đêm giao thừa, các gia đình bắt tay vào chuẩn bị bàn tiệc “Media Noche” để cả gia đình cùng thưởng thức vào đúng nửa đêm. Bàn tiệc thường có trái cây xếp theo hình vòng tròn, biểu thị những đồng tiền xu, với ước vọng đem lại may mắn về tài chính cho gia đình. Món chính thường là pancit (mì sa tế với gà và rau), gà rán, bánh gạo ngọt hoặc bánh pudding, cùng các món ăn truyền thống khác, trên bàn tiệc luôn phải có một chai rượu sâm banh hoặc rượu vang đỏ. Trước khi ăn, mọi người trong gia đình đọc lời cầu nguyện cảm ơn một năm đã qua và đón mừng năm mới. Trong bữa tiệc, các bà nội trợ thường mặc váy có chấm tròn, cũng là biểu hiện của đồng tiền xu. Người lớn sẽ chất đầy tiền xu vào túi trẻ nhỏ. Làm như vậy, họ mong muốn cả năm sẽ không phải lo lắng về chuyện tiền bạc. Sau bữa ăn, tất cả mọi người cùng làm mọi cách để gây ra những tiếng động rộn rã nhất và đốt pháo với niềm tin tiếng động sẽ xua đi ma quỉ. Những đứa trẻ sẽ chơi trò nhảy lên nhảy xuống, vì người Philippines tin rằng làm như vậy sẽ giúp bọn trẻ cao hơn.

Trong ngày đầu năm, rất nhiều người Philippines có truyền thống ngồi liệt kê những thói quen xấu mà họ muốn từ bỏ, và đưa ra một bản danh sách những mục tiêu muốn hoàn thành trong năm mới...

8. Tết của Singapore

Đối với các lễ hội đầu xuân, do ảnh hưởng văn hoá phương Tây nên người Singgapore vui đón cả Tết Dương lịch, song cũng như nhiều quốc gia Đông Á khác, Singapore vẫn đặc biệt coi trọng Tết Nguyên đán Âm lịch cổ truyền theo phong tục người Hoa và đó là lễ hội quan trọng nhất trong cả năm.

Tết Dương lịch: Do ảnh hưởng nhiều văn hoá, văn minh phương Tây nên Singapore từ lâu đã có thói quen vui đón Tết Dương lịch. Không chỉ vậy, đảo quốc này còn vui đón cả Lễ Noel (Thiên chúa Giáng sinh, vào ngày 25/12 dương lịch hàng năm). Tuy nhiên, thời gian đón Tết Dương lịch của Singapore thường diễn ra không dài.

Tết Âm lịch: Người Singapore rất coi trọng việc vui đón Tết Nguyên đán Âm lịch cổ truyền. Tết Âm lịch ở Singapore đều tổ chức Lễ hội mùa xuân với nhiều hoạt động văn hoá khác nhau. Song, để chào đón năm mới, thường có 3 sự kiện nổi bật được nhiều người quan tâm nhất là: Lễ hội Hoa đăng mừng năm mới, Lễ hội Singapore River Hongbao, và Lễ diễu hành Chingay cùng nhiều hoạt động và chương trình khuyến mãi đặc sắc khác kéo dài suốt hơn một tháng, từ tháng 1 đến ngoài trung tuần tháng 2 dương lịch hàng năm. Ngoài ra, rất nhiều hoạt động theo Phật giáo sẽ được tổ chức tại Phật Nha Tự và Thian Hock Keng - ngôi đền 169 năm tuổi để thành tâm cầu nguyện năm mới vạn sự tốt lành.

9. Tết Songkran của Thái Lan

Tết Songkran thường được tổ chức từ ngày 13 – 15/4 (dương lịch) hàng năm, thường rơi vào thời điểm nóng nhất trong năm tại Thái Lan, vào cuối mùa khô. Đây là thời điểm người Thái tỏ lòng kính trọng với đức Phật, dọn dẹp nhà cửa, té nước vào người cao tuổi nhằm tỏ lòng tôn kính. Trong thời gian diễn ra lễ hội, nhiều cuộc diễu hành, thi sắc đẹp được tổ chức. Ngoài ra, người ta còn nấu các món ăn truyền thống và mặc các trang phục nhiều màu sắc.

Hoạt động rõ nhất vào dịp Tết Songkran là lễ hội Té nước. Vào ngày này, mọi người đùa nghịch với nước, té nước vào người khác để được may mắn. Người Thái có quan niệm những ai được té nhiều nước thì người đó càng gặp nhiều may mắn.

Dịp Tết Songkran cũng là thời điểm để người Thái thăm viếng và chúc tụng người lớn tuổi, gồm các thành viên trong gia đình, bạn bè và hàng xóm. Ngoài tục lệ Té nước, người Thái còn đến chùa để cầu nguyện và dâng tặng thức ăn cho các nhà sư.

Một hoạt động phổ biến khác trong dịp này là lễ tắm tượng Phật trên chùa hoặc tượng Phật được thờ tự tại nhà. Người Thái cho rằng việc tắm tượng Phật sẽ mang lại may mắn và thịnh vượng trong năm mới./.

Theo dangcongsan.vn

Tin Liên Quan

Cảnh báo tác động “tàn khốc” của biến đổi khí hậu và xung đột đối với người nghèo

Biến đổi khí hậu và xung đột có nguy cơ làm lu mờ những nỗ lực cải thiện sức khỏe con người, trong khi thực tế các vấn đề này có mối liên hệ chặt chẽ không thể tách rời, Peter Sands, người đứng đầu Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét cho biết.

Đức nỗ lực ổn định thị trường lao động

Thiếu hụt lao động lành nghề là một trong những rủi ro kinh tế lớn nhất đối với nước Đức, gây lo ngại cho các doanh nghiệp. Việc áp dụng luật nhập cư lao động lành nghề mới của Đức được giới chuyên gia đánh giá cơ bản là tích cực, song vẫn còn nhiều phức tạp và là yếu tố khiến quốc gia này tụt...

Việt Nam tham gia Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024

Ngày 17/9, tại Trung tâm triển lãm Crocus Expo ở thủ đô Moskva, Liên bang Nga, đã diễn ra lễ khai mạc Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024.

Thế giới tuần qua: Thiên tai, dịch bệnh và những hệ lụy

Hàng triệu người ở Đông Nam Á đang phải đối mặt với tình trạng ngập lụt, thiệt hại về người và của sau khi siêu bão Yagi, cơn bão được đánh giá là lớn nhất châu Á trong năm 2024 đổ bộ. Bên cạnh đó, những diễn biến liên quan đến dịch bệnh đậu mùa khỉ (mpox) tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận...

Ấn tượng Việt Nam tại một trong những hội chợ du lịch và lữ hành lớn nhất thế giới

Ngày 17/9, Hội chợ du lịch quốc tế và Pháp IFTM Top Resa năm 2024 (Top Resa 2024) đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Quốc tế Versailles, Paris.

Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em

Theo nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates, tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay đang khiến cho "cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em" trở nên tồi tệ hơn.