Ðảng bộ huyện Sa Pa 65 năm xây dựng và phát triển

Sa Pa là huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, có vị trí quan trọng về mặt chiến lược đối với các tỉnh Tây Bắc; là nơi có nhiều tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là về du lịch - dịch vụ. Nhân dân các dân tộc huyện Sa Pa luôn cần cù, đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đánh dấu bước ngoặt lịch sử của cách mạng nước ta. Lúc bấy giờ, do là địa bàn miền núi, ở xa trung tâm cách mạng, lại bị chế độ thực dân, phong kiến kìm hãm, khống chế mọi mặt, nên ảnh hưởng của Đảng, của cách mạng đến đồng bào dân tộc Sa Pa rất khó khăn. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Sa Pa được Trung ương tăng cường cán bộ lãnh đạo, nên phong trào cách mạng được củng cố và phát triển rất nhanh. Ngày 3/11/1950, Sa Pa được hoàn toàn giải phóng. Để tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh phong trào cách mạng ở địa phương, ngày 4/11/1950, Tỉnh ủy Lào Cai quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng huyện Sa Pa (tiền thân của Đảng bộ huyện Sa Pa ngày nay).

Một góc thị trấn Sa Pa. Ảnh: Ngọc Bằng

Sau khi được giải phóng và Ban Cán sự Đảng được thành lập, nhân dân các dân tộc huyện Sa Pa rất phấn khởi, tin tưởng vào Đảng, Chính phủ, vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Song, lúc này Sa Pa gặp phải khó khăn rất lớn: Kinh tế bị kiệt quệ, sản xuất đình đốn, bệnh dịch hiểm nghèo. Đứng trước tình hình trên, Ban Cán sự Đảng đề ra chủ trương, xác định nhiệm vụ đầu tiên là: An dân, giữ vững kỷ cương. Tập trung chỉ đạo sản xuất, chống đói. Từng bước thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng, đem lại quyền lợi thiết thực cho nông dân. Xây dựng lực lượng tự vệ, lực lượng cách mạng ở cơ sở, sẵn sàng đối phó trước âm mưu gây phỉ và quay trở lại đánh chiếm Sa Pa của thực dân Pháp.

Từ sau chiến dịch Tây Bắc, đế quốc Pháp và can thiệp Mỹ càng lâm vào thế bị động, nên chúng càng chú ý quấy rối hậu phương ta bằng các cuộc nổi phỉ và cài gián điệp, biệt kích. Từ tháng 5/1952 đến đầu năm 1953, lực lượng phỉ ở Sa Pa từ 40 tên đã tăng lên hàng nghìn tên, cơ sở của chúng có ở khắp các địa bàn trong huyện. Trước tình hình đó, tháng 8/1954, Tỉnh ủy quyết định mở chiến dịch tiễu phỉ trên toàn tỉnh. Thực hiện chủ trương của tỉnh, Ban Cán sự Đảng huyện đã lãnh đạo củng cố lực lượng, nắm chắc địa bàn, phối hợp với lực lượng quân sự của tỉnh mở chiến dịch tiễu phỉ và đến tháng 5/1955, lực lượng phỉ ở Sa Pa cơ bản được thanh toán.

Cùng với sự lớn mạnh của phong trào cách mạng giai đoạn 1950 - 1960, số lượng đảng viên của huyện cũng tăng nhanh. Đến cuối năm 1960, Sa Pa đã có 9 chi bộ, với 117 đảng viên.

Thực hiện Lời kêu gọi của Đảng tại Hội nghị lần thứ 12 của Ban Chấp hành Trung ương (Khoá III): “Động viên lực lượng cả nước, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kể tình huống nào, để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thực hiện hoà bình, thống nhất nước nhà”, Đảng bộ huyện Sa Pa đã tập trung lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, củng cố vững chắc các hợp tác xã nông nghiệp, phấn đấu đảm bảo tự túc lương thực và có một phần dự trữ. Ra sức trồng cây công nghiệp, cây dược liệu; trồng nhiều rau xanh; trồng cây gây rừng và bảo vệ rừng; kết hợp trồng cây lương thực với chăn nuôi gia súc, chú trọng làm thủy lợi, mở đường giao thông… Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh Phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”, đấu tranh giải quyết vấn đề phỉ trên địa bàn huyện và đến ngày 24/5/1970, Thào A Đỏa, tên tổng đoàn phỉ lẩn trốn trên rừng 17 năm, đã trở về nhà làm ăn, đây cũng chính là tên phỉ cuối cùng ở Sa Pa ra hàng.

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Sa Pa khóa XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Giai đoạn 1976 - 1990, dưới “mái nhà chung” Hoàng Liên Sơn, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo, củng cố quan hệ sản xuất cả khu vực sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể, trọng tâm là hợp tác xã sản xuất nông - lâm nghiệp, gắn với định canh, định cư. Quan tâm công tác văn hóa - xã hội. Công tác xây dựng Đảng, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ thu được nhiều kết quả quan trọng. Việc chăm lo giải quyết các chế độ, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, cán bộ hưu trí, mất sức được coi trọng. Củng cố khối đoàn kết dân tộc, thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng; đồng thời bắt tay vào cải tạo phong tục, tập quán lạc hậu.

Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Sa Pa Khoá XXI, nhiệm kỳ 2010 - 2015, kinh tế tăng trưởng nhanh và khá ổn định, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 220,6 tỷ đồng năm 2010 lên 450 tỷ đồng năm 2015, bình quân tăng 40,8%/năm; sản lượng lương thực có hạt năm 2015 đạt 18.200 tấn, tăng hơn 1.000 tấn so với năm 2010. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả, đời sống dân cư nông thôn được nâng lên. Dịch vụ - du lịch tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn. Cơ cấu đầu tư tập trung mạnh và phát triển vùng nông thôn và những công trình trọng điểm có tính đột phá, đưa Sa Pa đạt đô thị loại IV năm 2012. Văn hóa - xã hội phát triển; công tác quân sự - quốc phòng được triển khai toàn diện. Trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở có chuyển biến về chất, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên.

Đảng bộ đã có 52 chi, đảng bộ trực thuộc với 2.686 đảng viên; 100% thôn, bản, tổ dân phố có đảng viên và chi bộ. Sa Pa vinh dự có xã Nậm Cang được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, đồng thời là một trong những xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ huyện xác định: Tiếp tục đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là trọng tâm; phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch là mũi nhọn đột phá; phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là động lực tăng trưởng. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Sa Pa để phát triển gắn với bảo vệ môi trường; phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Sớm nâng cấp thị trấn Sa Pa thành đô thị loại III. Tiếp tục quan tâm đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh chuyển dịch sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Lấy văn hóa, giáo dục làm nền tảng và động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo an toàn xã hội. Không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”…

Tự hào về những thành tựu đạt được trong hơn nửa thế kỷ qua, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Sa Pa quyết tâm phấn đấu, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đưa Sa Pa trở thành huyện phát triển của tỉnh, xứng đáng với truyền thống vẻ vang, đáp ứng niềm tin, sự kỳ vọng của tỉnh, của cả nước và bạn bè quốc tế.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).

Chuyển 46 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, thị xã khắc phục hậu quả thiên tai

Ban Vận động cứu trợ tỉnh vừa quyết định chuyển 46 tỷ đồng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý đến Ban Vận động cứu trợ các huyện, thị xã để khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3.