Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII: Nhiều điểm mới quan trọng

Góp ý Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy trí tuệ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến xây dựng các Dự thảo Văn kiện Đại hội XII. Qua đó, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Phóng viên Báo Lào Cai đã phỏng vấn đồng chí Đỗ Văn Lược, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về vấn đề góp ý vào các Dự thảo Văn kiện Đại hội XII.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng có những điểm mới quan trọng nào?

Đồng chí Đỗ Văn Lược: Dự thảo Báo cáo Chính trị lần này có nhiều điểm mới so với Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XI của Đảng, thể hiện ở chỗ: Về bố cục, Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XI của Đảng được trình bày thành 12 mục lớn, bao quát toàn diện mọi vấn đề của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Phần đánh giá tình hình của đất nước được trình bày trong 1 mục, trong đó: Kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X, nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2001 – 2010), 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991. Mục này nêu các nội dung lớn đó là: Thành tựu, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Các mục lớn tiếp theo của Báo cáo Chính trị trình bày mục tiêu 5 năm (2010 – 2015) và nhiệm vụ, phương hướng các lĩnh vực cơ bản của phát triển đất nước.

Đối với Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng được trình bày thành 15 mục lớn. Về đánh giá tình hình, lần này Dự thảo trình bày thành mục: Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011 - 2015) và nhìn lại 30 năm đổi mới (1986 - 2016). Điểm mới trong phần này, Đảng ta chỉ đánh giá tổng quát thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Những vấn đề chi tiết của từng lĩnh vực được đánh giá trong các mục khác.

Trong các mục lớn của Dự thảo Báo cáo Chính trị trình tại Đại hội XII của Đảng đồng thời là những nhiệm vụ lớn của đất nước 5 năm tới (2016 - 2020), trong đó có 2 nội dung cụ thể, gồm: Một là, Dự thảo đánh giá chi tiết tình hình thực hiện từng nhiệm vụ trong 5 năm vừa qua, nêu rõ những kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân đạt được kết quả và nguyên nhân dẫn đến hạn chế, yếu kém. Hai là, nêu phương hướng, nhiệm vụ của từng lĩnh vực trong 5 năm tới.

Cách trình bày lần này giúp cho nhân dân dễ nhận biết về kết quả cũng như hạn chế, khuyết điểm ở từng lĩnh vực cơ bản của đất nước 5 năm vừa qua và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới. Về nội dung chi tiết của Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng cũng có nhiều điểm mới, thể hiện kết quả tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận của Đảng ta.

Phóng viên: Đồng chí cho biết cụ thể hơn một số điểm mới trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng lần thứ XII?

Đồng chí Đỗ Văn Lược: Có rất nhiều điểm mới cần tiếp tục nghiên cứu, cá nhân tôi qua nghiên cứu xin nêu 3 điểm mới đáng chú ý, đó là:

- Một là, ở mục lớn thứ VIII - Quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Ở đây có thể thấy, trong nhiệm kỳ qua, chúng ta chủ yếu đặt vấn đề quan tâm đến thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Nay Đảng ta coi quản lý, phát triển xã hội là một trong những nhiệm vụ lớn, quan trọng của đất nước thì đó là vấn đề rất mới. Điều đó thể hiện sự quan tâm giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tế cuộc sống để xã hội ngày càng phát triển ổn định hơn, nhân văn hơn của Đảng ta.

- Hai là, trong công tác xây dựng Đảng, trước đây thường đặt vấn đề xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nay Dự thảo xác định: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Như vậy, lần này xác định việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trên 4 phương diện cơ bản, bổ sung nội dung xây dựng Đảng về đạo đức.

- Ba là, về vai trò, vị trí của các thành phần kinh tế, Dự thảo xác định rõ vai trò quan trọng của thành phần kinh tế tư nhân và vấn đề bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Cụ thể, trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội XI, Đảng ta xác định: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế”. Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội lần thứ XII xác định rõ: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Điểm mới ở đây là tạo thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế; kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế. Về sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội lần thứ XII xác định: “Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”. Như vậy hoàn toàn xóa đi sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Đây là những điểm rất mới.

Phóng viên: Theo đồng chí, việc góp ý vào các Dự thảo Văn kiện của Đảng trình Đại hội lần thứ XII có những vấn đề gì cần lưu ý?

Đồng chí Đỗ Văn Lược: Như trên đã nêu, Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội lần thứ XII của Đảng có nhiều điểm mới, nếu được Đại hội XII của Đảng thông qua, đó sẽ là những quan điểm, định hướng cơ bản, quan trọng để lãnh đạo đất nước phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để những quan điểm, chủ trương của Đảng trở thành hiện thực, theo tôi, cần quan tâm góp ý thực hiện tốt một số nội dung như: Nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu, quán triệt nghị quyết của Đảng để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng chủ trương, nghị quyết, nhất là những quan điểm, chủ trương mới; sớm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật và việc tổ chức thực hiện phải nghiêm túc, quyết liệt…

Chẳng hạn, việc coi trọng phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Để chủ trương này trở thành hiện thực, trước hết phải tuyên truyền, giải thích nâng cao nhận thức, xóa bỏ tư tưởng mặc cảm với thành phần kinh tế này đã tồn tại khá lâu do lịch sử để lại; khuyến khích người dân thành lập doanh nghiệp, phát triển trang trại, kinh doanh dịch vụ… Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân, chủ trang trại, các hộ sản xuất, kinh doanh vay vốn; hướng dẫn họ tiếp cận thị trường, hội nhập quốc tế; tôn vinh những doanh nghiệp tạo ra nhiều việc làm, đóng thuế theo quy định của pháp luật… Chỉ có như vậy thì Nghị quyết mới sớm đi vào cuộc sống.

Tập trung tham gia, hiến kế với Đảng để thực hiện cải cách thể chế, nhất là cải cách hành chính đạt kết quả như mong muốn, qua đó xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thực sự có đức, có tài, chuyên nghiệp; nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân, xứng đáng là “công bộc” của dân. Xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Vấn đề nâng cao năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trong tình hình mới… là những vấn đề rất cần đóng góp ý kiến với Đảng.

Cùng với đó là vấn đề xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Cụ thể, cần đánh giá công tác xây dựng Đảng trong 5 năm qua, nhất là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, từ đó đề xuất những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện tốt trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng…

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Theo Phạm Sơn/LCĐT

Tin Liên Quan

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).

Chuyển 46 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, thị xã khắc phục hậu quả thiên tai

Ban Vận động cứu trợ tỉnh vừa quyết định chuyển 46 tỷ đồng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý đến Ban Vận động cứu trợ các huyện, thị xã để khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3.