Quan tâm quy hoạch, đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số

Xuất phát từ đặc thù của tỉnh vùng cao, 64,9% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vì vậy, việc quy hoạch, đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số có vị trí quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển. Bằng những chủ trương, chính sách cụ thể, những năm qua, tỉnh đã quan tâm quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ người DTTS, từng bước nâng cao cả về số lượng và chất lượng.

Sự quan tâm của Tỉnh ủy được cụ thể hoá trong Đề án “Quy hoạch, đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ chuyên môn và kỹ thuật tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2011 - 2015”; Chỉ thị số 34 về việc tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Đồng thời, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, trong đó phân công trách nhiệm cụ thể đến từng cơ quan, đơn vị có liên quan; ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể, tiêu biểu là Quyết định số 27, quy định về ưu tiên tuyển dụng người DTTS vào các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của tỉnh.

Đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng.

Từ chủ trương của tỉnh, hằng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương đều rà soát, xác định cụ thể số lượng đội ngũ cán bộ, trong đó có cán bộ là người DTTS để lập kế hoạch, bố trí tham gia các lớp đào tạo phù hợp với từng vị trí và nguyện vọng của cá nhân. Tính từ năm 2011 đến nay, tỉnh có 2.030 cán bộ người DTTS được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó đào tạo chuẩn hóa cho cán bộ, công chức cấp xã có trình độ sơ cấp 345 người, trung cấp 790 người; đào tạo nâng chuẩn trình độ cao đẳng 267 người, đại học 590 người, sau đại học 38 người; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho 12.290 người; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo ngạch cho 239 cán bộ, công chức DTTS; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo quản lý cho 280 người; đào tạo về lý luận chính trị cho 1.248 người; đào tạo tin học 916 người; đào tạo trung cấp, cao đẳng tại tỉnh (giáo dục, y tế) là 1.420 học sinh; cử tuyển đào tạo đại học theo địa chỉ con em DTTS ở các trường Trung ương được 158 học sinh. Sau khi qua đào tạo, trở về địa phương công tác, đội ngũ cán bộ là người DTTS đã phát huy vai trò lãnh đạo, quản lý; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được nâng lên rõ rệt. Quan trọng hơn, đã bổ sung nguồn cán bộ, công chức, viên chức người DTTS quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cấp, ngành, địa phương; đội ngũ cán bộ, công chức là người DTTS ở các xã, gắn bó và gần gũi với nhân dân, hiểu rõ phong tục, tập quán, đã biết vận dụng những kiến thức được học vào giải quyết công việc, cũng như việc tuyên truyền có sự gắn kết giữa lý luận với thực tiễn ở địa phương.

Năm 2002, anh Vương Mạnh Tuấn, dân tộc Giáy, bắt đầu tham gia công tác tại xã Bản Xèo (Bát Xát) với chức danh Phó Bí thư Đoàn xã. Năm 2003, anh được địa phương quan tâm, cử đi học lớp trung cấp lý luận chính trị và được kết nạp Đảng. Năm 2008, anh tiếp tục tham gia học chương trình Đại học Hành chính; từ năm 2010 đến nay, anh đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND xã. Anh Tuấn chia sẻ: Quá trình tham gia công tác, tôi đã được huyện, xã quan tâm tạo điều kiện tham gia học tập và ngày càng trưởng thành. Từ câu chuyện của bản thân, khi đảm nhận chức vụ Chủ tịch UBND xã, tôi luôn khuyến khích anh, chị em cán bộ tham gia học tập, nâng cao trình độ, đã có 5 người học đại học, 3 người học trung cấp, 80% cán bộ, công chức có trình độ trung cấp lý luận chính trị (trong số 23 cán bộ, công chức của xã, có 17 người DTTS).

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Bát Xát cho biết: Với tỷ lệ đồng bào DTTS trong huyện chiếm hơn 70%, vì vậy, công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ người DTTS luôn được huyện quan tâm. Huyện đã lập quy hoạch (A1, A2, A3) theo từng giai đoạn, hằng năm có rà soát, bổ sung; trong thực hiện công tác quy hoạch, tỷ lệ cán bộ là người DTTS đạt 56,34%; huyện phối hợp với Sở Nội vụ, Trường Chính trị tỉnh, Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh mở các lớp đào tạo về trung cấp lý luận chính trị, trung cấp, sơ cấp chuyên môn, bồi dưỡng về các kiến thức bổ trợ… Đồng thời, quan tâm thực hiện tốt các chính sách về tuyển dụng, sử dụng cán bộ, viên chức; năm 2011, tuyển dụng 124 cán bộ, công chức là người DTTS; năm 2012 là 71 người; năm 2013 là 78 người.

Tại huyện Bảo Yên, chỉ tính đến tháng 6/2014, đã cử đi đào tạo, bồi dưỡng cho 1.579 cán bộ, công chức người DTTS trong các cơ quan đảng, hành chính nhà nước; 635 lượt người là cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách; cử 39 học sinh DTTS đi học chế độ cử tuyển. Trong số đó có anh Đặng Thanh Bình, dân tộc Dao, hiện đang là cán bộ Văn phòng - Thống kê xã Tân Dương. Anh Bình kể: Sau khi tham gia công tác, năm 2009, anh được cử đi học lớp Đại học Hành chính tại Trường Chính trị tỉnh; tháng 6/2015 được đi học trung cấp chính trị, đã giúp anh nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Chủ trương của tỉnh đã tạo thêm nhiều cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS được phát triển.

Cùng với công tác quy hoạch, đào tạo, tỉnh Lào Cai cũng rất quan tâm đến tuyển dụng, sử dụng sau đào tạo đối với con em là người DTTS. Từ năm 2011 đến nay, đã tuyển dụng, sử dụng sau đào tạo đối với sinh viên người DTTS được 2.837 người (chủ yếu tuyển vào viên chức sự nghiệp giáo dục, y tế).

Thông qua Đề án “Quy hoạch, đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ chuyên môn và kỹ thuật tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2011 - 2015” với các cơ chế, chính sách được ban hành khá đồng bộ, nên công tác tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS đã được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Con em là người DTTS cũng được quan tâm, hỗ trợ học tập và bố trí việc làm, góp phần thúc đẩy phong trào học tập, nâng cao trình độ trong toàn xã hội, tạo được niềm tin của đồng bào các DTTS với sự lãnh đạo của Đảng. Kết quả triển khai thực hiện Đề án đã mở ra nguồn tuyển dụng công chức, viên chức là người DTTS khá dồi dào, góp phần tích cực vào việc nâng cao tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức DTTS trong tỉnh. Dự kiến đến hết năm 2015, tỉnh sẽ có 8.696 cán bộ người DTTS (chiếm gần 30% tổng số cán bộ toàn tỉnh); so với năm 2010, tỷ lệ cán bộ là người DTTS ở các cấp là: Cấp tỉnh có 1.176 người (tăng 0,8%), cấp huyện có 5.178 người (tăng 4,9%); cấp xã có 2.342 người (tăng 4%).

Với những kết quả đạt được, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với đội ngũ cán bộ, công chức là người DTTS. Không chỉ tạo ra nguồn nhân lực cao đáp ứng yêu cầu phát triển của một tỉnh vùng cao, mà còn góp phần thực hiện tốt các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, củng cố thêm lòng tin của đồng bào các DTTS với sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ hội nhập.

Theo Thành Phú/LCĐT

Tin Liên Quan

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).

Chuyển 46 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, thị xã khắc phục hậu quả thiên tai

Ban Vận động cứu trợ tỉnh vừa quyết định chuyển 46 tỷ đồng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý đến Ban Vận động cứu trợ các huyện, thị xã để khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3.