Niềm vui từ những tuyến đường

Thực hiện Đề án Phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2010 - 2015, những năm qua, việc xây dựng kiên cố và mở mới đường giao thông được các cấp, ngành, địa phương và nhân dân trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đường mở đến đâu, cuộc sống đổi thay đến đó

Năm nay, ông Vừ A Páo, thôn Ngải Thầu, xã Dền Thàng (Bát Xát) quyết định bán gần 2 tấn ngô cùng với hơn chục triệu đồng tiết kiệm được từ trước để mua chiếc xe máy mới, hiệu Wave 110S của hãng Honda. Lý do mà ông Páo quyết định mua chiếc xe mới vì đoạn đường từ thôn Ngải Thầu ra trung tâm xã Dền Thàng đã được bà con đầu tư tiền, công sức để sửa chữa, nâng cấp, đi lại thuận lợi hơn rất nhiều. “Trước kia đường xấu, nếu mua xe mới đi thì xót lắm, chẳng mấy mà hỏng. Bây giờ thì khác rồi, đường được nâng cấp, mua xe máy mới để đi lại, vận chuyển hàng hóa cho an toàn, tiện lợi” - chỉ vào chiếc xe máy mới dựng ở sân, ông Páo chia sẻ.

Bát Xát là một trong những huyện có điều kiện thuận lợi hơn so với nhiều địa phương để phát triển hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông. Trong giai đoạn 2010 - 2015, huyện Bát Xát đã xây dựng 137 hạng mục hạ tầng giao thông, với tổng số 334 km được đầu tư xây dựng kiên cố, nâng cấp, sửa chữa và mở mới.

Đoạn đường từ xã Bản Xèo đi xã Mường Hum (Bát Xát) dài khoảng chục km, nhưng trước đây mỗi khi có công việc phải đi qua đây, anh Lý A Má, xã Sàng Ma Sáo phải lo từ mấy hôm trước. “Bên là vách đá dựng đứng, bên là vực sâu thăm thẳm, mặt đường với những “ổ trâu, ổ voi” nằm lẫn những hòn đá to như chiếc mũ cối, khiến mỗi lần qua đây tôi và xe như bị tra tấn. Những hôm trời nắng thì mới dám mạo hiểm đi qua đây, còn ngày mưa thì chẳng dại gì, bởi có thể ngã bất cứ lúc nào” - anh Má chia sẻ.

Tuy nhiên, đó là chuyện của mấy năm trước, giờ đây đoạn đường từ xã Bản Xèo đến xã Mường Hum đã được đầu tư kiên cố, đang trong giai đoạn hoàn thiện. “Đường được mở rộng, rải nhựa, đổ bê tông nên di chuyển tiết kiệm thời gian và an toàn hơn rất nhiều. Ngay cả những xe ôtô có trọng tải lớn cũng có thể đi lại dễ dàng. Có đường mới, giúp việc tiêu thụ nông sản của bà con được thuận lợi, không bị tư thương ép giá, các loại vật liệu xây dựng, phân bón ở địa phương cũng giảm giá đáng kể” - anh Má phấn khởi cho biết thêm.
 

Đường giao thông góp phần thay đổi diện mạo nông thôn xã Mường Hum (Bát Xát).

Đến nay, tổng chiều đường giao thông trên địa bàn tỉnh là hơn 8.640 km, trong đó các tuyến quốc lộ: 4, 4D, 4E, 279, 70 và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, với tổng chiều dài 532,75 km; 13 tuyến tỉnh lộ, với tổng chiều dài 600,7 km; 7.507 km đường giao thông nông thôn. Mạng lưới giao thông của tỉnh được phân bố rộng khắp, đồng đều trên địa bàn các huyện, thành phố, đảm bảo giao thông thuận lợi, kết nối tới 100% số thôn, bản.

Hiện, trên địa bàn toàn tỉnh có 157/164 xã (đạt 96%) có đường đến trung tâm được rải nhựa hoặc đổ bê tông kiên cố, tăng 68 xã so với năm 2010; 100% thôn, bản trong tỉnh đã có đường tới trung tâm, tăng 305 thôn, bản so với năm 2010; trong đó khoảng 98% số thôn, bản có đường đi lại thuận lợi.

Cũng trong giai đoạn 2010 - 2015, toàn tỉnh thực hiện đầu tư nâng cấp hơn 2.563 km đường; đầu tư xây dựng mới được 67 cây cầu. Đường, cầu cứng và ngầm tràn giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân.

Cách đây hơn 1 năm, những ai có dịp đi từ trung tâm huyện Bắc Hà đến huyện Si Ma Cai trên Tỉnh lộ 153 đều cảm thấy ngán ngẩm, khi phải mất gần 2 giờ “đánh vật” với đoạn đường hơn 20 km. Đường nhỏ, dốc cao, uốn lượn quanh co, đất, đá gồ ghề khiến người và phương tiện qua lại đây gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người nói vui rằng: “Ngựa là phương tiện di chuyển phù hợp nhất trên đoạn đường này chứ không phải là ôtô, xe máy”. Thế nhưng, sau một thời gian xây dựng, đoạn đường này đã được mở rộng, nắn những khúc cua gấp, rải nhựa kiên cố, giúp người và phương tiện đi lại thuận lợi, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện nghèo Si Ma Cai và các vùng lân cận.

Nhà nước và nhân dân cùng làm

Để có được những kết quả trên, trong thời gian qua, tỉnh đã xây dựng và ban hành cơ chế trong xây dựng phát triển đường giao thông gắn với xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2010 - 2015, toàn tỉnh đã huy động được hơn 755 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của nhân dân cho chương trình xây dựng đường giao thông. Công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận mạnh mẽ của nhân dân được triển khai một cách đồng bộ, sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo; nêu cao vai trò làm chủ của nhân dân; xác định rõ được vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong việc xây dựng và phát triển hệ thống giao thông.

Trong những năm qua, phong trào làm đường giao thông được triển khai sâu rộng từ tỉnh tới cơ sở. Nhiều thôn, bản trên địa bàn tỉnh khi chưa có được sự hỗ trợ kịp thời từ phía Nhà nước, nhưng người dân đã tự bảo nhau đóng góp tiền, công sức để mở đường. Những năm trước, đường vào thôn Nậm Lầy, xã Nậm Lúc (Bắc Hà) là một lối mòn nhỏ với nhiều dốc cao, cỏ cây um tùm, việc đi bộ cũng gặp nhiều khó khăn, nói gì tới ôtô, xe máy. Nhận thấy hạn chế về giao thông là rào cản phát triển kinh tế - xã hội, các tổ chức đoàn thể trong thôn Nậm Lầy đã vận động bà con tự bỏ công sức, tiền để mở đường.

Ông Phàn Văn Tiến, Bí thư Chi bộ thôn Nậm Lầy cho biết: “Việc đứng ra tự mở đường giao thông để đi lại thuận lợi được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình. Tất cả các công việc từ đào đất, phá đá đều được làm thủ công bằng công cụ thô sơ, như cuốc, xẻng, xà beng... Không chỉ đóng góp công sức, tiền, nhiều hộ gia đình trong thôn còn hiến đất để mở đường được rộng hơn, đẹp hơn. Tôi không nhớ nổi người dân thôn Nậm Lầy đã bỏ ra bao nhiêu ngày công, hiến bao nhiêu m2 đất, nhưng chắc chắn con số này là rất lớn”.

Phải khẳng định rằng, Đề án “Phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2010 - 2015” đã góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mạo từ thành thị, đến nông thôn trong tỉnh. Hy vọng, với những gì đã làm được, trong thời gian tới, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư xây dựng, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, quan trọng hơn là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân./.
Theo Tất Đạt/LCĐT

Tin Liên Quan

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).

Chuyển 46 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, thị xã khắc phục hậu quả thiên tai

Ban Vận động cứu trợ tỉnh vừa quyết định chuyển 46 tỷ đồng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý đến Ban Vận động cứu trợ các huyện, thị xã để khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3.