Chuyển biến mới trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu

Ngoại trưởng các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp vào ngày 4/9 để bàn về cuộc khủng hoảng người di cư.

Trước cuộc gặp này ở Luxembourg, ngày 3/9, Đức và Pháp đã đưa ra sáng kiến ​​đánh dấu một bước ngoặt trong cách tiếp cận với cuộc khủng hoảng di cư nhằm "tổ chức việc tiếp nhận người tị nạn và phân phối công bằng ở châu Âu". Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói về những "hạn ngạch ràng buộc", Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết một "cơ chế thường trực và ràng buộc". Thỏa thuận Pháp – Đức cũng yêu cầu "bảo đảm sự trở lại của những người di cư bất thường tại nước xuất xứ của họ" và giúp "các nước xuất xứ và quá cảnh".

Ngay trong ngày 4/9, Thủ tướng Anh David Cameron từng bị chỉ trích vì thiếu thiện chí tham gia trong cuộc khủng hoảng này đã cho biết, ông "vô cùng xúc động" trước hình ảnh đứa trẻ người Syria đã chết; đồng thời thông báo rằng, nước Anh sẽ tiếp nhận thêm "nhiều nghìn" người tị nạn Syria để London hoàn thành những "nghĩa vụ đạo đức" của mình.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk bày tỏ quan ngại về "sự chia rẽ giữa phía Đông và phía Tây Liên minh châu Âu". "Một số nước thành viên cho rằng, để ngăn chặn làn sóng người di cư, điều này được biểu hiện bởi hàng rào gây tranh cãi ở Hungary" trên biên giới với Serbia, "trong khi những nước khác muốn đoàn kết hơn" – ông lưu ý.

Trong khi hình ảnh của bé Aylan Kurdî, 3 tuổi, nằm chết trên bãi cát của một bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục làm dấy lên sự xúc động kèm theo giận dữ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoga, ngày 3/9, đã cáo buộc châu Âu biến Địa Trung Hải trở thành "một nghĩa trang của người di cư". Trong khi đó, Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom, lau nước mắt trong một cuộc tranh luận trên truyền hình tối 3/9, nói rằng cái chết của cậu bé đã "đặt ra một đòi hỏi bắt buộc": "Bây giờ chúng ta phải hành động". Tại Canada, lãnh đạo các đảng chính trị đã cam kết tiếp nhận thêm người tị nạn.



Người di cư vượt hàng rào để vào Hungary. (Ảnh: Reuters)

Những chia rẽ nội bộ…

Phân phối công bằng những người tị nạn giữa các nước châu Âu được xem là một trong những ưu tiên của Ủy ban châu Âu. Ủy ban muốn có một cơ chế phân bổ vĩnh viễn, nhưng trước tình trạng cấp bách hiện tại, đặc biệt ở Hungary, Italy và Hy Lạp, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker sẽ "yêu cầu các nước thành viên phân phối khẩn cấp thêm 120.000 người tị nạn ở EU" theo như một nguồn tin châu Âu.

Tuy nhiên, nhiệm vụ này sẽ không được thực hiện dễ dàng, thậm chí sẽ có phần dè dặt như những gì nhiều quốc gia EU đã thể hiện trong một yêu cầu trước đây của Ủy ban tiếp nhận 40.000 người tị nạn ở Hy Lạp và Italy.

Trong một tuyên bố trên đài phát thanh công cộng ngày 4/9, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, làn sóng người di cư là vô tận và “thực tế châu Âu đang bị đe dọa bởi làn sóng người ồ ạt, nhiều chục triệu người sẽ có thể tới châu Âu”. “Hiện nay, chúng ta nói tới hàng trăm nghìn, nhưng năm sau chúng ta sẽ nói tới hàng triệu và nó là vô tận” – nhà lãnh đạo Hungary cảnh báo.

Hơn 230.000 người di cư đã đến Hy Lạp bằng đường biển từ đầu năm đến nay, so với khoảng 17.500 người trong cùng kỳ năm 2014 – ông Nikos Zois, một quan chức phụ trách hàng hải của Hy Lạp, cho biết: "Hơn 80%" những người đến bằng đường biển "là người tị nạn". Trong khi chính phủ Đức đã đồng ý mở cửa “vô điều kiện” cho dòng người tị nạn đến từ Syria, trước thực tế dòng người tị nạn đổ về hướng nước Đức ngày một đông, chính quyền Hungary và Áo lại lên tiếng chỉ trích quyết sách của Đức làm gia tăng tình trạng hỗn loạn tại các nhà ga xe lửa, đường sá và các tuyến biên giới của hai quốc gia này.

Chính vì vậy, một giải pháp chung của Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là việc phân phối công bằng số người di cư, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất khu vực từ sau Chiến tranh thế giới thứ II đang bị cản trở bởi sự mâu thuẫn quá lớn trong lòng châu Âu.



Làn sóng người di cư vào châu Âu vẫn tiếp tục tăng lên. (Ảnh: Reuters)

…và yêu cầu phân phối công bằng từ Liên hợp quốc

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Antonio Guterres đã kêu gọi phân bổ ít nhất 200.000 yêu cầu tị nạn trong Liên minh châu Âu và cho rằng, tất cả các thành viên EU phải có nghĩa vụ tham gia vào chương trình này.

Những người có yêu cầu bảo vệ hợp lệ... sau đó phải nhận được một chương trình tái định cư hàng loạt với sự tham gia bắt buộc của tất cả các nước thành viên EU. Một ước tính sơ bộ có thể chỉ ra nhu cầu tiềm tàng tăng cơ hội tái định cư là 200.000 vị trí" – ông Guterres nêu rõ trong một tuyên bố. "Châu Âu đang phải đối mặt với làn sóng người tị nạn lớn nhất trong nhiều thập kỷ” – ông nói, đồng thời nhấn mạnh rằng "tình hình đòi hỏi nỗ lực chung rộng lớn, không thể với cách tiếp cận phân mảnh hiện tồn tại trong lòng EU".

Theo UNHCR, hơn 300.000 người đã vượt qua Địa Trung Hải kể từ đầu năm nay và hơn 2.600 người đã chết khi thực hiện cuộc hành trình này. Ông Guterres lưu ý: "Sau khi đến các bờ biển và biên giới của châu Âu, họ tiếp tục cuộc hành trình trong sự hỗn loạn".

Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, đó chủ yếu là một cuộc khủng hoảng người tị nạn, không chỉ là một hiện tượng di dân, vì đại đa số những người đến Hy Lạp từ các nước trải qua xung đột như: Syria, Iraq và Afghanistan.

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn đánh giá rằng, cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là thực hiện một "chiến lược chung dựa trên trách nhiệm, đoàn kết và tin tưởng". "Cụ thể, điều này đồng nghĩa với những biện pháp khẩn cấp và táo bạo để ổn định tình hình và tìm cách chia sẻ thực sự trách nhiệm trong trung và dài hạn".

Cuộc khủng hoảng chưa từng có và nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II chính là cách người ta nói về cuộc khủng hoảng di cư hiện nay ở châu Âu. Có thể thấy rằng, cuộc khủng hoảng này đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn đối với châu lục được đánh giá là phát triển của thế giới và Liên minh châu Âu đang bị rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Công cuộc tìm lời giải cho bài toán khó về người di cư này hoàn toàn không dễ dàng khi tinh thần đoàn kết, chia sẻ mà các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra nhận được sự đồng thuận về mặt chủ trương nhưng lại chứng kiến những bất đồng không kém phần sâu sắc khi đưa vào thực hiện.

Không thể phủ nhận rằng, vấn đề tị nạn không phải là vấn đề riêng của từng quốc gia mà là vấn đề chung của toàn châu Âu. Vì vậy, tìm được tiếng nói và hành động chung nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này cũng chính là giúp châu Âu tìm được giá trị, sự đoàn kết và lợi ích thực sự của toàn châu lục cũng như khẳng định chắc chắn nền tảng thống nhất của “liên minh”.

Thêm vào đó, vấn đề quan trọng đối với các nhà lãnh đạo châu Âu là phải thống nhất về những sách lược chung trong việc hỗ trợ giải quyết những bất ổn hiện đang tồn tại trên thế giới, đặc biệt những xung đột chính trị tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi. Đó mới chính là giải pháp gốc rễ cho cuộc khủng hoảng người di cư vào châu lục.

Hơn lúc nào hết, cộng đồng quốc tế đang mong ngóng và chờ đợi, kỳ vọng vào một "chiến lược chung dựa trên trách nhiệm, đoàn kết và tin tưởng" của châu Âu, đúng như đánh giá của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn./.
Theo Khánh Linh/LCĐT

Tin Liên Quan

Cảnh báo tác động “tàn khốc” của biến đổi khí hậu và xung đột đối với người nghèo

Biến đổi khí hậu và xung đột có nguy cơ làm lu mờ những nỗ lực cải thiện sức khỏe con người, trong khi thực tế các vấn đề này có mối liên hệ chặt chẽ không thể tách rời, Peter Sands, người đứng đầu Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét cho biết.

Đức nỗ lực ổn định thị trường lao động

Thiếu hụt lao động lành nghề là một trong những rủi ro kinh tế lớn nhất đối với nước Đức, gây lo ngại cho các doanh nghiệp. Việc áp dụng luật nhập cư lao động lành nghề mới của Đức được giới chuyên gia đánh giá cơ bản là tích cực, song vẫn còn nhiều phức tạp và là yếu tố khiến quốc gia này tụt...

Việt Nam tham gia Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024

Ngày 17/9, tại Trung tâm triển lãm Crocus Expo ở thủ đô Moskva, Liên bang Nga, đã diễn ra lễ khai mạc Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024.

Thế giới tuần qua: Thiên tai, dịch bệnh và những hệ lụy

Hàng triệu người ở Đông Nam Á đang phải đối mặt với tình trạng ngập lụt, thiệt hại về người và của sau khi siêu bão Yagi, cơn bão được đánh giá là lớn nhất châu Á trong năm 2024 đổ bộ. Bên cạnh đó, những diễn biến liên quan đến dịch bệnh đậu mùa khỉ (mpox) tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận...

Ấn tượng Việt Nam tại một trong những hội chợ du lịch và lữ hành lớn nhất thế giới

Ngày 17/9, Hội chợ du lịch quốc tế và Pháp IFTM Top Resa năm 2024 (Top Resa 2024) đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Quốc tế Versailles, Paris.

Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em

Theo nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates, tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay đang khiến cho "cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em" trở nên tồi tệ hơn.