2 thập kỷ đồng hành cùng người nghèo

20 năm qua, vốn chính sách đã góp phần giúp hơn 3,6 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 11,8 triệu lao động, hỗ trợ 3,3 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng được 484 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách...
 

Dẫn số liệu điều tra của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, những năm 1990, tỉ lệ hộ đói, nghèo ở Việt Nam khoảng 59%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo đói, trong đó tình trạng thiếu vốn sản xuất đứng ở vị trí hàng đầu. Thời điểm đó, lĩnh vực tín dụng gồm cả tín dụng ngân hàng và tín dụng Nhà nước đều do hệ thống Ngân hàng thương mại quốc doanh quản lý và cho vay với những phương thức, thủ tục không khuyến khích được người nghèo tiếp cận vốn vay.

Trước thực trạng đó, bắt đầu từ tháng 3/1995, Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam khởi xướng cùng Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng ngoại thương Việt Nam góp vốn xây dựng Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo với tổng số tiền ban đầu là 400 tỷ đồng, giao cho Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam quản lý, thực hiện cho hộ nghèo vay với lãi suất ưu đãi, thấp hơn lãi suất cho vay của Ngân hàng thương mại và không phải thế chấp tài sản.

Qua 5 tháng triển khai cho vay từ Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo đã có gần 500 nghìn hộ nghèo trên phạm vi toàn quốc được vay vốn phát triển sản xuất. Song do thực tế nguồn vốn của Quỹ quá nhỏ, 400 tỷ đồng, còn số hộ nghèo cần vay vốn lại quá lớn, khoảng 4 triệu hộ nên đã xảy ra tình trạng cho vay chia đều, trải mỏng, thậm chí có nơi mỗi hộ nghèo chỉ được vay trên dưới 200 nghìn đồng. Hiệu quả của chương trình vì thế chưa được thể hiện rõ rệt.

Trước những thay đổi theo quá trình phát triển kinh tế - xã hội và để khắc phục những hạn chế của Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo, ngày 31/8/1995 Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký Quyết định số 522/TTg về việc thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo. Chỉ sau 7 năm hoạt động (1995 - 2002), tổng nguồn vốn của Ngân hàng Phục vụ người nghèo đạt 7.083 tỷ đồng. Nguồn vốn này được tăng trưởng trên cơ sở bàn giao từ Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo là 518 tỷ đồng, đã góp phần giúp cho trên 644 nghìn hộ thoát nghèo.

Theo TS. Hà Thị Hạnh - nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Phục vụ người nghèo 7 năm liền và Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tiên, ưu điểm lớn nhất của mô hình Ngân hàng Phục vụ người nghèo là tiết kiệm chi phí quản lý, vì có thể sử dụng toàn bộ trụ sở, phương tiện, con người có sẵn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tác nghiệp. Tuy nhiên, mô hình thực chất như một Quỹ ưu đãi, việc điều hành tác nghiệp giao cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm nhận, công tác tổ chức Hội đồng quản trị theo hình thức kiêm nhiệm không phân rõ trách nhiệm, cán bộ Ngân hàng thương mại thiên về kinh doanh, chưa quan tâm đúng mức đến tín dụng hộ nghèo...

Trước yêu cầu của tiến trình hội nhập, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, từng bước tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại, ngày 04/10/2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời Thủ tướng Phan Văn Khải ký Quyết định số 131/2002/TTg thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo để thực hiện Nghị định 78 nhằm tập trung các nguồn vốn ngân sách tài trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vào một đầu mối.

Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội nhận bàn giao tài sản, các chương trình cho vay hộ nghèo từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho vay giải quyết việc làm từ Kho bạc Nhà nước, cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ Ngân hàng Công thương Việt Nam và các nguồn vốn ngân sách địa phương, với tổng số tiền gần 10.000 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 6/2015, mạng lưới hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội đã được xây dựng từ Trung ương đến tỉnh, huyện với 63 chi nhánh, cấp tỉnh, 626 Phòng giao dịch cấp huyện và gần 11 nghìn Điểm giao dịch tại xã. Tổng nguồn vốn đạt trên 141.000 tỷ đồng, dư nợ gần 136.000 tỷ đồng tăng gấp hơn 18 lần so với thời điểm nhận bàn giao. Nợ quá hạn giảm từ 13,75% khi nhận bàn giao xuống còn 0,84% tổng dư nợ.

Vốn chính sách đã góp phần giúp hơn 3,6 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 11,8 triệu lao động, trong đó trên 104 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, xây dựng được 6,6 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, hỗ trợ 3,3 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng được 484 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, 700 chòi tránh lũ, trên 102 nghìn ngôi nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng đồng bằng Sông Cửu Long...

Với những thành tựu này, Ngân hàng Chính sách xã hội đã được Đảng, Chính phủ và nhân dân đánh giá cao, được các đại biểu Quốc hội nhận xét là một “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo ở Việt Nam./.
Theo Bình Minh/chinhphu.vn

Tin Liên Quan

Sáng mãi tinh thần Bộ đội Cụ Hồ

Cơn bão số 3 được đánh giá là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua; bão số 3 và hoàn lưu của nó để lại hậu quả nặng nề cho các tỉnh, thành phố phía bắc, nhất là Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu cho các cháu thiếu niên, nhi đồng

Nhân dịp Tết Trung thu 2024, ngày 13/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi thư cho các cháu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam ở trong và ngoài nước, các cháu người nước ngoài ở Việt Nam. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước:

Thủ tướng: 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn sau 'siêu bão' lịch sử

Chỉ rõ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn sau "siêu bão" lịch sử Yagi, Thủ tướng yêu cầu ngay trong ngày mai (16/9) trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về khắc phục hậu quả siêu bão số 3, ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.

Quyết tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga

Trả lời phỏng vấn báo chí sau Khóa họp lần thứ 25 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Nga, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko đồng chủ trì, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết hai bên quyết tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phát huy vai trò của Ủy ban liên...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cần có tư duy mới, cách làm mới cho tương lai thế giới

Hưởng ứng sáng kiến của Tổng thống Cộng hòa Namibia Nangolo Mbumba và Thủ tướng Cộng hòa liên bang Đức Olaf Scholz, ngày 12/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi thông điệp ghi hình tới Sự kiện Lời kêu gọi toàn cầu về Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, được tổ chức trực tuyến ngay trước thềm Hội...

Không để hàng hóa tăng giá bất hợp lý sau bão

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trong thời gian sau bão.