Lùng Phình – Sắc màu văn hóa của chợ phiên vùng cao

Nằm về phía Tây Nam, cách Bắc Hà 10 km và trụ sở xã Lùng Phình 100m, con đường độc đạo nối thị trấn Bắc Hà với thị trấn biên ải Si Ma Cai dẫn du khách đến với chợ Lùng Phình.

Lùng Phình theo tiếng Quan Hoả có nghĩa là Rồng Bằng. Cái tên này gắn với địa thế của chợ, bởi vậy từ khi hình thành đến nay, chợ Lùng Phình chưa một lần đổi tên.

Chợ Lùng Phình họp vào ngày chủ nhật hằng tuần. Ngay từ sáng sớm, khi núi rừng vùng thung lũng vẫn còn đậm hơi sương, mặt trời chưa kịp ló rạng, từng đoàn người Mông, Hoa, Giáy, Tày, Phù Lá… trong trang phục đặc trưng của dân tộc mình đã từ các bản làng nô nức kéo nhau về chợ. Người đi bộ, người đi ngựa mang theo các sản phẩm dệt may, nông sản và gia súc…

Chợ chia thành các khu khác nhau: Khu ẩm thực, khu vải vóc, quần áo, khu rau quả, khu bán gia súc... Tại khu ẩm thực, du khách sẽ có dịp được thưởng thức một số món ăn đặc sản dân tộc như: Món bún phở của người Phù Lá, ngon nhất là Phở chua. Đặc sắc hơn cả là món Thắng cố, món ăn từ thịt các loại gia súc như ngựa, trâu, dê, lợn... cùng với những hương liệu như gừng, thảo quả, địa liền nướng thơm và gia vị muối, bột ngọt.

Hàng nông sản phong phú với các loại rau củ, hoa quả, gạo… được đựng trong chiếc thồ nhỏ hay bày luôn xuống đất. Những trái mận chín đỏ, dịu ngọt, mát thơm bày thành dãy dài.
 

Sạp hàng thổ cẩm rực rỡ sắc màu.
 
Tại khu sản phẩm dệt may, những tấm vải của người Tày, những miếng thổ cẩm, chiếc ví hay bộ quần áo, váy xoè của người Mông sặc sỡ sắc màu, mẫu mã đa dạng, hoa văn tinh tuý, thêu thùa cầu kỳ được bày bán trên chiếc sạp nhỏ.

Ở góc chợ, rất đông người bán người mua những đàn gia súc, gia cầm như trâu, bò, ngựa, dê, lợn, gà, vịt… Người bán hàng, người đi lại, người mặc cả rì rầm nhỏ to suốt cả ngày chợ phiên. Chợ còn bày bán công cụ lao động như cuốc, lưỡi cày, dao phát… với kỹ thuật khá tinh xảo.
 

Công cụ lao động bày bán tại phiên chợ.

Đến với phiên chợ Lùng Phình vào ngày chủ nhật, du khách đang đến với ngày hội giao duyên, nơi gặp gỡ của tình yêu đôi lứa. Những người đã có tuổi đến chợ để trao đổi hàng hoá, buôn bán, để gặp bạn tâm giao bên chảo thắng cố hay bên mâm rượu thì với thanh niên nam nữ, chợ chính là không gian để trao lời tâm sự, lời yêu thương, hò hẹn. Họ đi chợ để chơi chợ, để tìm bạn chứ không bận tâm tính toán, bán mua.

Khi mặt trời đã ngả xuống núi, các chàng trai chếnh choáng men rượu, má các cô gái ửng hồng. Khi đó cuộc vui bên mâm rượu mới tạm dừng nhường chỗ cho tiếng kèn, tiếng sáo, tiếng đàn môi tâm tình cất lên dìu dặt, thủ thỉ, sâu lắng. Chợ tan, thanh niên nam nữ bịn rịn chia tay để cùng đợi chờ đến phiên chợ tới./.
Minh Phượng

Tin Liên Quan

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.

Trăm năm kể chuyện nghề Rèn