Tuyến đường kết nối động lực phát triển

Dự án xây dựng tuyến đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Sa Pa là một dự án trọng điểm, thuộc nhóm A do tỉnh Lào Cai làm chủ đầu tư. Dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai. Phóng viên Báo Lào Cai đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Trọng Hài, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải để có những thông tin cụ thể về dự án này.

Phóng viên: Xin đồng chí thông tin những nét cơ bản về dự án tuyến đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Sa Pa?

Đồng chí Nguyễn Trọng Hài: Dự án đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa được đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Tuyến đường nối gồm 2 tuyến: Tỉnh lộ 155 và cải tạo Quốc lộ 4D với tổng chiều dài 51 km. Cả 2 tuyến được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, có chiều rộng nền đường 7,5 m, chiều rộng mặt đường 6,5 m; các đoạn đi chung và đoạn nội thị được thiết kế 4 làn xe. Tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng do nhà đầu tư huy động vốn chủ sở hữu, vốn vay và vốn hỗ trợ của ngân sách Trung ương để thực hiện đầu tư xây dựng dự án, thu hồi vốn thông qua thu phí với thời gian 24 năm.

Phóng viên: Được biết, dự án sẽ chính thức được khởi công vào đầu tháng 10/2015 theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh, vậy công tác chuẩn bị như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Trọng Hài: Mọi công tác chuẩn bị để phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (dự án đầu tư) đến nay đã cơ bản đầy đủ, riêng công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cần phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận cũng đã được thông qua tại cuộc họp thẩm định ngày 10/7/2015 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Căn cứ theo Khoản 2, Điều 27, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 về đầu tư theo hình thức PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư) thì UBND tỉnh đủ thẩm quyền phê duyệt. Sở Giao thông - Vận tải thẩm định và trình UBND tỉnh trước ngày 15/7/2015. Để có thể khởi công dự án thì công tác quan trọng nhất là thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu quốc tế. Công việc này sẽ cố gắng hoàn thành trong tháng 9, ký kết hợp đồng, cấp giấy chứng nhận đầu tư trong đầu tháng 10. Khi đó, dự án hoàn toàn đủ điều kiện để khởi công. Song song với công tác lựa chọn nhà đầu tư thì công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đồng thời được triển khai. Công việc này, UBND tỉnh đã tách thành tiểu dự án giao cho UBND các huyện.


 
Dự án xây dựng tuyến đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Sa Pa sau khi hoàn thành
góp phần xóa các “điểm đen” về tai nạn giao thông trên Quốc lộ 4D.

Phóng viên: Việc thi công dự án này cần phải di chuyển nhiều hộ dân. Vậy phương án giải phóng mặt bằng và tái định cư được xem xét như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Trọng Hài: Ngày 9/7/2015, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án. Theo đó, ngay sau khi có quyết định phê duyệt dự án, Sở Giao thông - Vận tải sẽ chủ động phối hợp với các địa phương có dự án đi qua để triển khai nhanh nhất công tác cắm cọc giải phóng mặt bằng và bàn giao cọc mốc cho các địa phương. Ngay từ bây giờ, UBND các huyện cần chủ động tuyên truyền về dự án cho người dân, đảm bảo không để nhân dân xây dựng, cơi nới trong phạm vi quy hoạch của dự án.

Quan điểm của tỉnh, đây sẽ là dự án điểm về công tác giải phóng mặt bằng, hạn chế tối đa để xảy ra khiếu kiện. Cho nên, các địa phương cần sớm có kế hoạch xây dựng phương án giải phóng mặt bằng chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban cũng như chính quyền cấp cơ sở nơi có dự án đi qua.

Về phương án tái định cư, các địa phương chủ động nghiên cứu tình hình cụ thể của từng hộ bị ảnh hưởng, phân loại nhu cầu để có phương án tái định cư phù hợp với đặc điểm, phong tục tập quán của các hộ bị ảnh hưởng.

Phóng viên: Trong quá trình thi công, những yếu tố có thể tác động đến cảnh quan thiên nhiên của khu du lịch Sa Pa đã được tính đến và có phương án cụ thể, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Trọng Hài: Mục tiêu chủ yếu của việc xây dựng tuyến đường là tạo thuận lợi để thu hút khách du lịch đến với Sa Pa, vì vậy tiêu chí hàng đầu được đặt ra trong nhiệm vụ thiết kế, lập dự án cũng như báo cáo đánh giá tác động môi trường (đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua) là đảm bảo cảnh quan thiên nhiên, giảm thiểu tối đa các tác động xấu đến môi trường, cảnh quan. Những yếu tố có thể tác động đến cảnh quan thiên nhiên của khu du lịch Sa Pa đều được tính đến như: Sạt lở ảnh hưởng đến ruộng bậc thang, các con suối (đặc biệt suối Ngòi Đum), công tác nổ mìn phá đá, sự vùi lấp tại các bãi thải hay các khu lán trại lụp xụp của công trường…

Cho nên, phương án hướng tuyến hầu như đã tránh tối đa đi qua các ruộng bậc thang; thực hiện kiên cố hóa mái ta luy để hạn chế sạt lở; các khu vực đổ thải đều được lựa chọn tại các vị trí khuất tầm nhìn và có dạng địa hình lòng chảo để tránh tràn hay sạt lở. Mặc dù khối lượng đá tương đối lớn (1,7 triệu m3) tuy nhiên nằm rải rác và chỉ nằm trên tuyến Tỉnh lộ 155, đồng thời phương án nổ mìn phá đá phải được Sở Công thương, Công an tỉnh thẩm định và UBND tỉnh chấp thuận mới được thực hiện.

Đặc biệt, Sở Giao thông - Vận tải đã yêu cầu đưa chi phí hoàn nguyên môi trường cũng như thiết kế hàng cây dọc tuyến vào trong dự án để tạo cảnh quan và cảm giác an toàn cho người tham gia giao thông.

Phóng viên: Thưa đồng chí! Việc triển khai dự án này có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai?

Đồng chí Nguyễn Trọng Hài: Việc triển khai xây dựng dự án không chỉ có ý nghĩa rất lớn đối với tỉnh Lào Cai mà cả với tỉnh Lai Châu. Hiện tại, tuyến Quốc lộ 4D đã hầu như không còn đáp ứng được nhu cầu đảm bảo an toàn đi lại của các phương tiện tham gia giao thông (nhất là các ngày cuối tuần và ngày lễ), các vụ tai nạn thường xuyên xảy ra, nếu hệ thống cáp treo và các khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Sa Pa đưa vào sử dụng cuối năm nay thì tuyến đường sẽ thường xuyên bị ách tắc và gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng.

Vì vậy, dự án này sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, xóa các điểm đen, giảm nguy cơ tai nạn giao thông trên Quốc lộ 4D, rút ngắn thời gian đi từ Lào Cai - Sa Pa và ngược lại Khi dự án được hoàn thành kết hợp với tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ thu hút du khách trong và ngoài nước, đồng thời tạo tiền đề cho việc thúc đẩy sớm xây dựng Cảng Hàng không Lào Cai. Như vậy, việc xây dựng và hoàn thành dự án sẽ có hiệu quả trực tiếp cũng như tác động lan tỏa đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Theo Thanh Nam/LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).