Lễ cúng rừng của người Thu Lao, Lào Cai

Với người Thu Lao, lễ cúng rừng có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng. Đây cũng là nghi lễ lớn nhất trong năm của người Thu Lao được tổ chức hằng năm vào dịp tháng 2 và tháng 6 âm lịch để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, các gia đình trong làng ấm no, hạnh phúc.

Ảnh minh hoạ.

Trước ngày tổ chức lễ cúng, già làng cùng các thầy mo trong làng họp bàn chọn ngày tổ chức, chọn thầy cúng chính và bầu 2 gia đình trong làng làm chủ cúng. Chủ cúng được bầu theo hình thức luân phiên giữa các gia đình trong làng. Bên cạnh đó, làng sẽ chọn một thầy cúng giỏi, có uy tín trong cộng đồng, gia đình êm ấm, hạnh phúc, có đủ con trai, con gái và chưa từng vi phạm hương ước của làng.

Lễ cúng chính thường được tổ chức vào ngày mùng 02/02 hoặc mùng 02/6 âm lịch. Khi mặt trời bắt đầu mọc, thầy cúng chính, thầy cúng phụ cùng với 2 gia đình được bầu mang lễ vật, nồi niêu, xoong chảo đến địa điểm tổ chức lễ cúng của làng. Các gia đình khác sẽ đến muộn hơn. Ngày lễ cúng rừng, mỗi gia đình cử một người đi đại diện, nhưng phải là con trai, con gái tuyệt đối không được tham gia.

Trước khi đến địa điểm tổ chức, thầy cúng cùng mọi người phải kiêng cho thân thể được sạch sẽ, phải mặc đúng trang phục truyền thống, không được mặc các loại áo sáng màu vì sợ các vị thần rừng phạt. Riêng 2 thầy cúng trước khi đi phải đun một nồi nước lá thơm để rửa mặt, chân tay cho sạch sẽ.

Mỗi làng của người Thu Lao đều có một khu rừng cấm, hay còn được gọi là khu rừng thiêng. Ngày thường, các gia đình trong làng kiêng không được chặt cây, lấy củi, chăn thả trâu, lợn và làm những điều không sạch sẽ trong khu rừng này, vì họ sợ làm ảnh hưởng đến vị thần rừng và bị thần rừng trừng phạt. Chỉ đến ngày làng tổ chức lễ cúng thì mọi người mới tập trung tại khu rừng cấm để phát quang các cây bụi, dây leo xung quanh gốc cây thờ. Trong khu rừng, người Thu Lao chọn 2 gốc cây to làm 2 ban thờ được gọi là cây bố và cây mẹ.

Lễ vật dâng các vị thần trong lễ cúng rừng của người Thu Lao gồm: 2 con gà trống trưởng thành (kiêng gà trắng) - 1 con để cúng ở cây bố, 1 con để cúng ở cây mẹ; 1 con lợn đực 25 - 30 kg; 1 sải vải trắng; 2 chai rượu; vài nén hương. Ngoài đồ lễ chung, đại diện mỗi gia đình khi lên rừng cấm còn mang thêm rượu để cùng nhau uống trong bữa liên hoan cộng đồng. Ngoài ra, những người chuẩn bị cũng mang theo 1 bát gạo nếp để nấu cơm cúng. Củi đun sẽ được lượm từ những cành cây khô trong rừng cấm (củi trong rừng cấm chỉ được sử dụng để nấu đồ cúng rừng trong dịp này). Các thành viên tham gia bữa ăn sau lễ cúng đều mang theo mỗi người 1 gói cơm, 1 chai rượu để cùng ăn (không tính vào đồ lễ cúng).

Sau khi lễ vật được chuẩn bị xong, thầy cúng chính và thầy cúng phụ đọc bài cúng gọi các thần rừng cùng các loại ma về nhận lễ rồi phù hộ cho dân làng làm ăn gặp may mắn. Trong lúc thầy cúng đang hành lễ, mọi người dân trong làng chăm chú nghe thầy cúng và đặc biệt kiêng những người lạ đến tham gia lễ, nếu có người khác dân tộc tham gia thì tuyệt đối không được nói vì sợ phá vỡ sự linh thiêng của lễ cúng, sẽ bị các vị thần rừng trừng phạt.
 
Sau lễ cúng, họ mang thực phẩm chế biến thành các món ăn trong ngày lễ. Trước khi mọi người ngồi vào mâm, thầy cúng sẽ nhắc nhở mọi người về những điều kiêng kỵ, cấm lý và ý thức bảo vệ khu rừng cấm của làng, nếu ai vi phạm sẽ bị làng phạt bằng số lễ vật dâng cúng các vị thần.

Tàn cuộc rượu, mọi người ra về nhưng không ai quên dành một phần thức ăn cho gia đình cùng vui hưởng lộc của thần rừng. Sau đó, nhà nào cũng làm các loại bánh, mổ gà cúng tổ tiên và chơi trong 3 ngày. Trong 3 ngày này, nam nữ thanh niên, trẻ em trai gái đều diện những bộ quần áo mới, tham dự các trò chơi truyền thống như ném còn, đu quay, đánh quay, đánh én… tạo nên không khí nhộn nhịp trong ngày lễ./.

(Theo dulichvn.org.vn)

Tin Liên Quan

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.

Trăm năm kể chuyện nghề Rèn