Phát triển khoa học và công nghệ là “đòn bẩy” để Lào Cai “cất cánh”

Khoa học - công nghệ từ lâu đã được coi là yếu tố quan trọng để thúc đẩy xã hội phát triển mạnh hơn. Tuy là tỉnh miền núi nhưng nhiều năm qua nhờ những nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, Lào Cai đã thu được hiệu quả thiết thực. Phóng viên Báo Lào Cai đã phỏng vấn đồng chí Phạm Thị Hồng Loan, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh xung quanh vấn đề này.



Bàn giao 14 đề tài, dự án đã nghiên cứu năm 2014 – 2015 có khả năng ứng dụng vào thực tiễn.

 
Phóng viên: Đề nghị đồng chí đánh giá khái quát về kết quả trong lĩnh vực khoa học và công nghệ của tỉnh Lào Cai thời gian qua?

Đồng chí Phạm Thị Hồng Loan: Trong những năm qua, lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan. Đặc biệt là về nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp. Lào Cai đã chọn tạo thành công 3 giống lúa lai (LC25, LC212, LC270), được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống mới (riêng giống LC25 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao giải Bông lúa Vàng) và 2 giống cây ăn quả mới là lê VH6 và đào Maycrest/GF 305- 1; bảo tồn, khai thác và phát triển 3 giống lúa bản địa có giá trị kinh tế cao là Séng cù, Khẩu Nậm xít và Chăm pét; khảo nghiệm và lựa chọn được 6 giống mới (gồm lúa, ngô, khoai lang) phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, có năng suất cao, khả năng chống sâu bệnh tốt; ứng dụng thử nghiệm 4 phương thức canh tác tiên tiến và xây dựng được 30 quy trình kỹ thuật nuôi, trồng các giống cây, con mới.

Về sở hữu trí tuệ, toàn tỉnh đã có 264 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (tăng hơn 2,5 lần so với năm 2007), 154 văn bằng được cấp bảo hộ (tăng hơn 1,5 lần so với năm 2007, trong đó có 8 văn bằng được bảo hộ nhãn hiệu tập thể). Ngoài ra, hoạt động kiểm định và kiểm nghiệm đã thực hiện được một số công việc trước đây chưa làm được; đồng thời đáp ứng được nhu cầu của các tỉnh lân cận về: Kiểm định taximet, kiểm định thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế,... Hiện nay, Trung tâm Kiểm định, Kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa tỉnh Lào Cai đã có phòng thí nghiệm đạt chuẩn VILAS và là một trong số 5 trung tâm thuộc Sở KH&CN trong cả nước được công nhận phòng thí nghiệm đạt chuẩn VILAS. Cùng với đó, Sở đã tham mưu thực hiện tốt các lĩnh vực: Công nghệ và chuyển giao công nghệ, thống kê khoa học công nghệ, thanh tra KH&CN, an toàn bức xạ hạt nhân...

Phóng viên: Những kết quả đó đã tác động như thế nào đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của tỉnh, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Thị Hồng Loan: Từ các kết quả nghiên cứu đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành vượt mức mục tiêu về tổng sản lượng lương thực có hạt do Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XIV đề ra. Hằng năm, Lào Cai đáp ứng được khoảng 65% giống lúa tốt cho nhân dân trong tỉnh, tiến tới sẽ hoàn toàn chủ động việc sản xuất giống lúa lai tại tỉnh mà không phải nhập ngoại như trước đây; tạo ra các sản phẩm hàng hóa đặc hữu mang thương hiệu Lào Cai như: Gạo Séng cù Mường Khương, Khẩu Nậm xít Bắc Hà, su su Sa Pa, lúa giống LC25, LC270, LC212... góp phần tăng thu nhập cho người dân. Các cây, con giống mới được bổ sung để tăng hiệu quả sử dụng trên một đơn vị diện tích đất canh tác; tạo mô hình sản xuất lúa giống, ngô, rau hàng hóa tại các huyện: Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Thắng; tạo các ngành nghề chăn nuôi mới hiệu quả như nuôi ong ngoại, gà Đông Tảo, cá tầm, cá hồi, ba ba... Hoạt động KH&CN đang trở thành “đòn bẩy”, động lực để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu mà Đảng bộ tỉnh khóa XIV đã đề ra.

Phóng viên: Lào Cai là một tỉnh miền núi còn nghèo, vậy việc phát triển khoa học và công nghệ chắc hẳn còn gặp không ít khó khăn, trở ngại?

Đồng chí Phạm Thị Hồng Loan: Đúng vậy! Lào Cai là tỉnh nghèo, xuất phát điểm còn thấp so với các tỉnh dưới xuôi. Địa hình của tỉnh phức tạp, rất khó hình thành khu sản xuất hàng hóa theo cánh đồng mẫu lớn, những khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mặt khác, Lào Cai có nhiều dân tộc, đa bản sắc, phong phú về văn hóa, tuy nhiên vẫn còn những tập tục lạc hậu, tập quán canh tác cũ không phù hợp rất khó thay đổi trong “ngày một, ngày hai”. Một trở ngại nữa cho việc phát triển khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh là nguồn ngân sách hạn hẹp nên bố trí cho KH&CN hằng năm rất thấp, do đó khó cho việc triển khai các hoạt động về khoa học và công nghệ ở các địa phương.

Phóng viên: Đồng chí đánh giá như thế nào về đội ngũ những người làm khoa học, công nghệ của tỉnh hiện nay?

Đồng chí Phạm Thị Hồng Loan: Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học và công nghệ của tỉnh ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng, được phân bổ trên tất cả các lĩnh vực, nhiều nhất là lĩnh vực nông - lâm nghiệp, dần đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ cán bộ này đã tích cực trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra. Tuy nhiên, chuyên gia giỏi đầu ngành ở tất cả các lĩnh vực còn thiếu, chính vì vậy cũng gây khó khăn cho việc tiếp nhận và chuyển giao ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại vào thực tiễn sản xuất và đời sống của nhân dân.

Phóng viên: Trên thực tế, có không ít sinh viên giỏi, sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng liên quan đến khoa học và công nghệ đều cố gắng bám trụ ở Hà Nội và các tỉnh miền xuôi mà không chọn về Lào Cai để cống hiến. Theo đồng chí, đâu là nguyên nhân?

Đồng chí Phạm Thị Hồng Loan: Theo tôi, có 3 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này: Thứ nhất, độ “vênh” về thu nhập là một trong những nguyên nhân “làm khó” cho việc thu hút sinh viên giỏi về tỉnh làm việc. Thứ 2, môi trường làm việc ở Lào Cai còn thiếu trang - thiết bị phục vụ nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Thứ 3, mặc dù UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND ngày 20/12/2013 về thu hút và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai nhưng chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi dành riêng cho các nhà khoa học.

Phóng viên: Trong thời gian tới, để lĩnh vực khoa học và công nghệ của tỉnh phát triển mạnh hơn, theo đồng chí cần tập trung thực hiện những giải pháp nào?

Đồng chí Phạm Thị Hồng Loan: Thời gian tới, tỉnh cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau để phát triển lĩnh vực khoa học và công nghệ: Tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp, các ngành về lĩnh vực KH&CN; bố trí cơ cấu tổ chức bộ máy của sở, các đơn vị trực thuộc, cơ quan chuyên môn cấp huyện theo quy định của Bộ KH&CN và Bộ Nội vụ. Có cơ chế, chính sách phù hợp để sử dụng, đào tạo và phát huy có hiệu quả đội ngũ cán bộ KH&CN hiện có, sẵn có, đồng thời tạo cơ chế và các chính sách thích hợp để thu hút cán bộ KH&CN trẻ, các chuyên gia giỏi ngoài tỉnh đến công tác tại Lào Cai. Đầu tư cho hoạt động KH&CN tối thiểu bằng kinh phí Bộ KH&CN phân bổ, phấn đấu đạt 2% chi ngân sách của tỉnh.

Ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, cần có cơ chế, chính sách để thu hút và huy động các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế khác cùng tham gia. Tỉnh cần tăng cường tiềm lực về cơ sở vật chất đảm bảo các điều kiện tối thiểu cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN. Ngoài các giải pháp trên, cần xây dựng các chính sách để thúc đẩy có hiệu quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN; thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ; tăng cường công tác tuyên truyền đến từng tổ chức và người sản xuất nhằm ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ KH&CN tiên tiến vào thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt và đồng bộ những giải pháp đó sẽ giúp lĩnh vực khoa học và công nghệ của tỉnh có thêm nhiều bước tiến mới.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Theo Tuấn Ngọc/LCĐT

Tin Liên Quan

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).

Chuyển 46 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, thị xã khắc phục hậu quả thiên tai

Ban Vận động cứu trợ tỉnh vừa quyết định chuyển 46 tỷ đồng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý đến Ban Vận động cứu trợ các huyện, thị xã để khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3.