Hội nghị Cấp cao Á-Phi kết thúc với 3 văn kiện quan trọng được thông qua

Ngày 23/4, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tuyên bố bế mạc Hội nghị Cấp cao Á-Phi (AAC – hay còn gọi là hội nghị Bandung) vừa diễn ra trong hai ngày tại thủ đô Jakarta của Indonesia với việc thông qua 3 văn kiện quan trọng, trong đó nhấn mạnh đến Cam kết củng cố Quan hệ hợp tác Chiến lược Á-Phi mới (NAASP).

Lãnh đạo các nước tham dự AAC cam kết tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa
 hai châu lục.

Phát biểu tại phiên bế mạc hội nghị, ông Widodo nhấn mạnh: “Chúng ta đã thông qua thành công 3 văn kiện quan trọng gồm: Thông điệp Bandung, Cam kết NAASP và Tuyên bố về Palestine”. Trong đó, Thông điệp Bandung mạnh mẽ lên án mọi hình thức của chủ nghĩa khủng bố, đồng thời kêu gọi các nước liên quan hợp tác chặt chẽ hơn để chống lại chủ nghĩa khủng bố, gồm lực lượng “Nhà nước Hồi giáo” – IS tự xưng còn Tuyên bố về Palestine ủng hộ nền độc lập của Palestine, đồng thời đưa ra đề xuất về giải pháp "hai nhà nước" trong khu vực.
 
Bên cạnh đó, ông Widodo cũng lưu ý thêm, tại hội nghị kéo dài 2 ngày này, các nhà lãnh đạo châu Á và châu Phi đã cam kết tăng cường hợp tác dựa trên tinh thần lấy Cam kết NAASP làm nền tảng và coi đây như một chiếc cầu nối gắn kết giữa các nước thuộc hai châu lục. “Việc thắt chặt mối quan hệ Nam – Nam và hợp tác ba bên sẽ giúp chúng ta cùng vượt qua những thách thức chung” – Tổng thống Widodo bày tỏ, đồng thời lưu ý thêm rằng “AAC là một trong những diễn đàn liên chính phủ lớn nhất ngoài Liên hợp quốc. Tiếng nói của hội nghị này đại diện cho các nước châu Á và châu Phi. Chính bởi vậy, thế giới cần lắng nghe tiếng nói và những quyết định được các bên đưa ra trong khuôn khổ sự kiện quan trọng này”.
 
Ông Widodo cho biết, trong khuôn khổ hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo và đại biểu đến từ các nước châu Á và châu Phi đã tập trung thảo luận các bước đi nhằm đảo bảo nguồn lực tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng khu vực Á – Phi, trong đó có việc thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Phát biểu trước các phóng viên tại phiên bế mạc hội nghị, Tổng thống Indonesia tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác Nam – Nam thông qua các chương trình và các sáng kiến phát triển về năng lực, trong đó có hợp tác trong lĩnh vực công nghệ. Ông Widodo khẳng định, trong bối cảnh thế giới vẫn còn chiến tranh và tồn tại sự bất bình đẳng thì tinh thần Bandung đóng vai trò quan trọng. Trước thực tế trên, các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị đã quyết định sẽ tiếp tục thúc đẩy các diễn đàn Á – Phi nhằm củng cố Cam kết NAASP, đồng thời đi đến thống nhất về việc tổ chức tham vấn cấp bộ trưởng theo định kỳ 2 năm/lần bên lề các diễn đàn của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), nhằm vạch ra phương hướng chiến lược cho quan hệ đối tác Á – Phi.
 
Đồng chủ tịch AAC, Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe cũng cho rằng, các nước châu Á và châu Phi cần theo đuổi một hệ thống thương mại đa chiều bình đẳng nhằm hỗ trợ cho các mục tiêu tăng trưởng, đầu tư, tạo dựng công ăn việc làm cũng như thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững. Ông Mugabe khẳng định, các nước tham gia hội nghị đều nhận thức được “vị trí trung tâm” của lĩnh vực hàng hải cũng như tầm quan trọng chiến lược của khu vực Ấn Độ Dương trong mục tiêu gắn kết phát triển kinh tế giữa châu Phi và châu Á. “Hợp tác trong lĩnh vực hàng hải sẽ trở thành một trong những trụ cột trong Cam kết NAASP” – ông Mugabe nêu rõ, đồng thời cho biết thêm rằng, một chủ đề quan trọng của AAC là các nhà lãnh đạo các nước tham gia hội nghị đã nhất trí tiếp tục thúc đẩy các ý tưởng trọng tâm của phong trào hợp tác Nam – Nam, vì thịnh vượng, đoàn kết và ổn định của các quốc gia thuộc hai châu lục Á – Phi.
 
Hội nghị AAC năm nay, với chủ đề "Tăng cường hợp tác Nam- Nam nhằm thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng thế giới", là một phần trong các sự kiện liên quan đến Hội nghị Á – Phi diễn ra trong năm, đã thu hút sự tham dự của các nhà lãnh đạo và đại biểu của khoảng 100 nước châu Á và châu Phi, 15 nước quan sát viên và 17 tổ chức quốc tế. Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị đã nhất trí lấy ngày 24/4 là Ngày Á – Phi và lựa chọn Bandung là thủ đô của tinh thần hợp tác giữa hai châu lục.
 
Tất cả lãnh đạo và đại diện các nước đều tới tham dự AAC năm nay nhân kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung 1955 với một tiếng nói chung và rõ nét, mang một thông điệp xóa mờ khoảng cách giữa các quốc gia, chủng tộc khác nhau ở hai châu lục để “tăng cường hợp tác vì một tương lai tốt đẹp hơn cho toàn thế giới”.
 
60 năm về trước, đại biểu đến từ 29 quốc gia châu Á và châu Phi đã tụ họp tại Bandung (Indonesia) nhằm cùng tham gia vào một hội thảo mang tính chất quyết định đối với tương lai và vận mệnh của các nước trong khu vực. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, thế giới và khu vực đã chứng kiến nhiều biến động song tinh thần chung của hội nghị Bandung, kêu gọi đoàn kết, bằng hữu và hợp tác vẫn không hề thay đổi. Đây chính là tiền đề để các nước thuộc khu vực châu Á và châu Phi đã đạt được những thành tựu phát triển đáng khích lệ trong thời gian qua. GDP của hai châu lục đã tăng đáng kể, từ chiếm chưa đầy 1/4 vươn tới gần 50% tổng GDP toàn cầu. Không những thế, châu Á và châu Phi còn là hai khu vực có nhiều nước đang phát triển nhất, đang ngày càng mở rộng hợp tác để đóng góp tích cực hơn vào hòa bình, thịnh vượng chung trên thế giới.
 
Châu Phi hiện đang đóng vai trò là một nước có dân số trong độ tuổi lao động dồi dào, với một thị trường tiêu thụ tiềm năng và nguồn lực tự nhiên phong phú. Những lợi thế này sẽ giúp lục địa đen ngày càng tăng vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trong khi đó, các nước châu Á lại đang nổi lên là một khu vực có công nghệ và kỹ năng lao động phát triển. Điều này sẽ bổ trợ cho những kỹ năng về đào tạo và công nghệ mà các nước châu Phi còn thiếu. Chính vì thế, sự hợp tác giữa châu Á và châu Phi sẽ góp phần hài hòa các yếu tố để hai châu lục cùng hợp tác và phát triển. Điều này cũng nằm trong xu hướng toàn cầu hóa, mở rộng hợp tác vì một thế giới đa cực, khi mà các nước trên thế giới đang ngày càng trở nên gắn kết và không phân biệt khoảng cách để cùng gánh vác, sẻ chia những mục tiêu chung./.
 
Theo dangcongsan.vn

Tin Liên Quan

Cảnh báo tác động “tàn khốc” của biến đổi khí hậu và xung đột đối với người nghèo

Biến đổi khí hậu và xung đột có nguy cơ làm lu mờ những nỗ lực cải thiện sức khỏe con người, trong khi thực tế các vấn đề này có mối liên hệ chặt chẽ không thể tách rời, Peter Sands, người đứng đầu Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét cho biết.

Đức nỗ lực ổn định thị trường lao động

Thiếu hụt lao động lành nghề là một trong những rủi ro kinh tế lớn nhất đối với nước Đức, gây lo ngại cho các doanh nghiệp. Việc áp dụng luật nhập cư lao động lành nghề mới của Đức được giới chuyên gia đánh giá cơ bản là tích cực, song vẫn còn nhiều phức tạp và là yếu tố khiến quốc gia này tụt...

Việt Nam tham gia Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024

Ngày 17/9, tại Trung tâm triển lãm Crocus Expo ở thủ đô Moskva, Liên bang Nga, đã diễn ra lễ khai mạc Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024.

Thế giới tuần qua: Thiên tai, dịch bệnh và những hệ lụy

Hàng triệu người ở Đông Nam Á đang phải đối mặt với tình trạng ngập lụt, thiệt hại về người và của sau khi siêu bão Yagi, cơn bão được đánh giá là lớn nhất châu Á trong năm 2024 đổ bộ. Bên cạnh đó, những diễn biến liên quan đến dịch bệnh đậu mùa khỉ (mpox) tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận...

Ấn tượng Việt Nam tại một trong những hội chợ du lịch và lữ hành lớn nhất thế giới

Ngày 17/9, Hội chợ du lịch quốc tế và Pháp IFTM Top Resa năm 2024 (Top Resa 2024) đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Quốc tế Versailles, Paris.

Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em

Theo nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates, tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay đang khiến cho "cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em" trở nên tồi tệ hơn.