Nhật Bản sau 2 năm động đất, sóng thần

Cách đây 2 năm, 14 giờ 46 phút ngày 11/3/2011, khu vực Đông Bắc Nhật Bản bị rung chuyển bởi trận động đất cường độ 9 độ ríchte ở ngoài khơi Thái Bình Dương cách bờ biển tỉnh Miyagi 130 km, kéo theo trận sóng thần lớn chưa từng có, nhấn chìm nhiều làng mạc ven biển, cuốn phăng tàu bè, nhà cửa và cả sinh mạng của gần 15.000 người.

Tuy vẫn còn muôn vàn những khó khăn nhưng những gì mà cả nước Nhật và người dân khu vực Đông Bắc đang làm để tái thiết lại cuộc sống, sản xuất sau thảm hoạ động đất sóng thần đã cho thấy một ý chí và nỗ lực tuyệt vời.

Theo thống kê mới nhất của Cơ quan cảnh sát quốc gia (NPA) Nhật Bản, tính đến ngày 8/3/2013, tổng cộng sóng thần đã cướp đi sinh mạng của 15.881 người và 2.668 người mất tích, 310.000 người vẫn còn đang phải sống trong cảnh tha hương suốt 2 năm qua.

Việc tìm kiếm và nhận dạng thi thể các nạn nhân còn mất tích vẫn đang được cảnh sát tiến hành và công việc này sẽ còn kéo dài trong tương lai do số lượng những người mất tích vẫn còn khá cao.

Sóng thần cao hơn 10m tấn công Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất kể từ sau thảm hoạ Chernobyl ở Ukraine năm 1986. Chất phóng xạ phát tán vào môi trường không khí, đất và nước gây ảnh hưởng đến một khu vực rộng lớn và khiến hàng trăm nghìn người dân xung quanh nhà máy phải lập tức sơ tán với phạm vi bán kính lên tới 20 km.

Trong khi đó, 54.000 người dân Fukushima phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán do sự cố hạt nhân nhiều khả năng sẽ không thể trở về nhà ít nhất trong vòng 4 năm tới. Con số này chiếm tới hơn 60% trên tổng số 84.000 người nằm trong diện sơ tán khẩn cấp ngay sau sự cố hạt nhân. Nguyên nhân là môi trường những khu vực bị ảnh hưởng bởi sự cố phóng xạ vẫn chưa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khoẻ con người.

Nhật Bản vẫn đang tiến hành nghiên cứu về ảnh hưởng lâu dài của chất phóng xạ đối với sức khoẻ con người, đặc biệt là trẻ em. Lo ngại vẫn còn đó khi giới chức y tế phát hiện các ca ung thư tuyến giáp đầu tiên ở trẻ em tỉnh Fukushima trong các cuộc thăm khám gần đây tuy chưa có bằng chứng rõ ràng về mối liên quan trực tiếp giữa sự cố hạt nhân với các ca bệnh này.

Ngoài ra, sự cố hạt nhân còn gây ra những khó khăn cho kinh tế Nhật Bản khi chỉ có 2 trong tổng số 54 lò phản ứng hiện đang hoạt động do sức ép của dư luận buộc Chính phủ nước này phải có các biện pháp kiểm tra độ an toàn trước khi cho vận hành trở lại các lò này. Điều này đã gây ra tình trạng thiếu điện trầm trọng và đẩy Nhật Bản vào tình thế phải nhanh chóng giải quyết bài toán năng lượng, trong đó nhiệt điện là lựa chọn thực tế nhất. Tuy nhiên, chi phí nhiên liệu phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện khiến các công ty điện lực gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh giá đồng Yên đang giảm mạnh.

Trong khi đó, công tác tái thiết sau thảm hoạ kép vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. 22/42 lãnh đạo các thành phố, thị trấn, làng mạc quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 và những khu vực bị sóng thần tàn phá ở 3 tỉnh Fukushima, Miyagi, Iwate cho rằng quá trình khôi phục từ thảm họa vẫn “chậm hơn so với dự định” hoặc “hoàn toàn không tiến triển”.

Bản dự thảo ngân sách tài khoá 2013 được Chính phủ Thủ tướng Abe thông qua ngày 29/1 đã dành 6.000 tỷ Yên bổ sung cho công cuộc tái thiết khu vực Đông Bắc, nâng tổng số ngân sách dành cho tái thiết từ 19.000 tỷ lên 25.000 tỷ Yên.

Sau 2 năm, tuy vẫn còn muôn vàn những khó khăn nhưng những gì mà cả nước Nhật đang làm đã cho thấy một ý chí và nỗ lực tuyệt vời. Đất nước và con người Nhật Bản vẫn luôn đứng vững và kiên cường vươn lên từ trong thảm hoạ./.

(Theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Cảnh báo tác động “tàn khốc” của biến đổi khí hậu và xung đột đối với người nghèo

Biến đổi khí hậu và xung đột có nguy cơ làm lu mờ những nỗ lực cải thiện sức khỏe con người, trong khi thực tế các vấn đề này có mối liên hệ chặt chẽ không thể tách rời, Peter Sands, người đứng đầu Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét cho biết.

Đức nỗ lực ổn định thị trường lao động

Thiếu hụt lao động lành nghề là một trong những rủi ro kinh tế lớn nhất đối với nước Đức, gây lo ngại cho các doanh nghiệp. Việc áp dụng luật nhập cư lao động lành nghề mới của Đức được giới chuyên gia đánh giá cơ bản là tích cực, song vẫn còn nhiều phức tạp và là yếu tố khiến quốc gia này tụt...

Việt Nam tham gia Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024

Ngày 17/9, tại Trung tâm triển lãm Crocus Expo ở thủ đô Moskva, Liên bang Nga, đã diễn ra lễ khai mạc Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024.

Thế giới tuần qua: Thiên tai, dịch bệnh và những hệ lụy

Hàng triệu người ở Đông Nam Á đang phải đối mặt với tình trạng ngập lụt, thiệt hại về người và của sau khi siêu bão Yagi, cơn bão được đánh giá là lớn nhất châu Á trong năm 2024 đổ bộ. Bên cạnh đó, những diễn biến liên quan đến dịch bệnh đậu mùa khỉ (mpox) tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận...

Ấn tượng Việt Nam tại một trong những hội chợ du lịch và lữ hành lớn nhất thế giới

Ngày 17/9, Hội chợ du lịch quốc tế và Pháp IFTM Top Resa năm 2024 (Top Resa 2024) đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Quốc tế Versailles, Paris.

Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em

Theo nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates, tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay đang khiến cho "cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em" trở nên tồi tệ hơn.