Kinh tế thế giới 2015: Nguy cơ địa chính trị bao trùm

Sau 4 ngày làm việc, Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở khu nghỉ dưỡng Davos (Thụy Sĩ) đã bế mạc cuối tuần qua với cảnh báo còn rất nhiều việc cần làm để ổn định và phục hồi nền kinh tế toàn cầu.
Bất ổn chính trị chi phối Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 45.
Bất ổn chính trị chi phối Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 45.

Có thể thấy được sức nóng của WEF lần thứ 45 này thông qua số lượng 2.500 đại biểu, từ các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đến đại diện doanh nghiệp, giới trí thức… nhằm tìm kiếm biện pháp tháo gỡ thách thức hiện nay và đưa ra những ý tưởng phát triển mới cho nền kinh tế thế giới. WEF 2015 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang dần thoát khỏi giai đoạn suy thoái. Cuộc khủng hoảng ở Châu Âu đã dịu bớt, nợ của các hộ gia đình đang có chiều hướng giảm. Một số quốc gia, đặc biệt là Tây Ban Nha, Ireland và Latvia, đã đạt được những tiến bộ đáng kể về cải cách cơ cấu, khôi phục tài chính công và hệ thống ngân hàng. Thâm hụt tài chính của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) có thể sẽ giảm xuống dưới mức 3% vào năm 2015. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, 6 năm sau cuộc đại khủng hoảng, "bức tranh" kinh tế thế giới dường như vẫn thiếu những gam màu sáng để xua đi không khí ảm đạm.

Mặc dù được dự báo sẽ tiếp đà phục hồi, song kinh tế thế giới năm 2015 chưa thể khởi sắc. Ngay trước thềm WEF, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong hai năm 2015 và 2016; đồng thời cảnh báo triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn ảm đạm bất chấp giá dầu sụt giảm và sự khởi sắc của kinh tế Mỹ. Theo nhận định của IMF, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt 3,5% trong năm nay, thấp hơn 0,3% so với mức dự báo đưa ra vào tháng 10-2014 do thực trạng hoạt động kinh tế yếu kém, đặc biệt ở Eurozone và Nhật Bản, mà nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động đầu tư và thương mại sụt giảm, giá hàng hóa đi xuống.

Giới phân tích cho rằng, việc giá dầu tụt dốc và các ngân hàng trung ương giữ lãi suất thấp (thậm chí tiến hành nới lỏng định lượng) sẽ tạo cơ hội cho tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, với chính sách tiền tệ không đồng bộ như những biến động của đồng franc (Thụy Sĩ) trước thời điểm diễn ra WEF cũng có thể tạo ra sự bất ổn trên thị trường tiền tệ, nhất là đối với các nền kinh tế mới nổi. Chưa kể đến tác động phụ không mong muốn do các chính sách mới của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) hay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Tuy nhiên, nguy cơ được đề cập nhiều nhất và có khả năng tác động lớn nhất đến sự ổn định của kinh tế toàn cầu là các rủi ro địa chính trị và an ninh. Không phải ngẫu nhiên, năm nay WEF lấy chủ đề "Bối cảnh toàn cầu mới". Trong một thế giới được thúc đẩy bởi sự kết nối, những đổi thay nhanh chóng về môi trường địa chính trị ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế. Điều này chiếm tới 3 trong số 10 rủi ro hàng đầu có thể tác động tới quá trình phục hồi toàn cầu.

Trong khi đó, năm 2015, thế giới có khả năng tiếp tục phải chứng kiến những tranh chấp liên quan đến chủ quyền biển đảo ở Châu Á - Thái Bình Dương, sự phát triển của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và khủng hoảng tại Ukraine ngày một leo thang khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây rơi xuống mức tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Hiện tại, các biện pháp trừng phạt của phương Tây và "cuộc chiến" giá dầu đang gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, điều này cũng khiến nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới có những ràng buộc về lợi ích với Nga lao đao. Một cuộc khủng hoảng tài chính ở Mátxcơva có thể khiến các ngân hàng phương Tây đau đầu. Hiện tại, số nợ của Nga tại các ngân hàng thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đã lên tới hàng trăm tỷ USD. Trong đó, các ngân hàng Pháp đã cho vay hơn 40 tỷ USD, Italia khoảng 7 tỷ USD, các ngân hàng Mỹ là hơn 25 tỷ USD.

Trước những thách thức đối với mục tiêu ổn định toàn cầu, thế giới cần một sự liên kết chung nhằm tạo ra sức mạnh tổng thể. Tuy nhiên, những gì có thể mong đợi tại hội nghị lần này chỉ là sự trao đổi quan điểm giữa các nhà lãnh đạo với hy vọng sẽ đưa ra được những hành động cụ thể trong thời gian tới./.
Theo hanoimoi.com.vn

Tin Liên Quan

Cảnh báo tác động “tàn khốc” của biến đổi khí hậu và xung đột đối với người nghèo

Biến đổi khí hậu và xung đột có nguy cơ làm lu mờ những nỗ lực cải thiện sức khỏe con người, trong khi thực tế các vấn đề này có mối liên hệ chặt chẽ không thể tách rời, Peter Sands, người đứng đầu Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét cho biết.

Đức nỗ lực ổn định thị trường lao động

Thiếu hụt lao động lành nghề là một trong những rủi ro kinh tế lớn nhất đối với nước Đức, gây lo ngại cho các doanh nghiệp. Việc áp dụng luật nhập cư lao động lành nghề mới của Đức được giới chuyên gia đánh giá cơ bản là tích cực, song vẫn còn nhiều phức tạp và là yếu tố khiến quốc gia này tụt...

Việt Nam tham gia Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024

Ngày 17/9, tại Trung tâm triển lãm Crocus Expo ở thủ đô Moskva, Liên bang Nga, đã diễn ra lễ khai mạc Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024.

Thế giới tuần qua: Thiên tai, dịch bệnh và những hệ lụy

Hàng triệu người ở Đông Nam Á đang phải đối mặt với tình trạng ngập lụt, thiệt hại về người và của sau khi siêu bão Yagi, cơn bão được đánh giá là lớn nhất châu Á trong năm 2024 đổ bộ. Bên cạnh đó, những diễn biến liên quan đến dịch bệnh đậu mùa khỉ (mpox) tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận...

Ấn tượng Việt Nam tại một trong những hội chợ du lịch và lữ hành lớn nhất thế giới

Ngày 17/9, Hội chợ du lịch quốc tế và Pháp IFTM Top Resa năm 2024 (Top Resa 2024) đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Quốc tế Versailles, Paris.

Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em

Theo nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates, tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay đang khiến cho "cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em" trở nên tồi tệ hơn.