Vươn tới thương hiệu quế hữu cơ “Made in Lào Cai”

Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự đồng thuận của người trồng quế, Công ty cổ phần Techvina phấn đấu đến tháng 3/2016, sản phẩm quế Nậm Đét sẽ được cấp chứng chỉ hữu cơ quốc tế, đạt tiêu chuẩn để xuất sang thị trường Mỹ và EU.
“Trong một lần tham dự Hội chợ quốc tế tại Dubai, tôi thấy gian hàng của Thái Lan trưng bày sản phẩm quế của Việt Nam mà không khỏi buồn. Thêm nữa, giá quế bán hiện tại trên thị trường xuất khẩu đi các nước Ấn Độ và Trung Quốc chỉ được 1 - 2 USD vì chưa có chứng chỉ hữu cơ, trong khi sản phẩm quế của các nước khi đã cấp chứng chỉ bán với giá trên 5 USD. Tôi thực sự thấy xót cho sức lao động của người trồng quế...”. Đó là tâm sự của anh Hoàng Văn Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Techvina (Tech -Vina Joint Stock Company) khi nói về sản phẩm quế trong nước.

Từ xưởng chiết xuất tinh dầu…

Với trăn trở đó, Hoàng Văn Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Techvina (Tech - Vina Joint Stock Company) đã ấp ủ một kế hoạch mang tính chiến lược lâu dài từ cây quế Việt Nam. Ban đầu anh cùng đồng nghiệp đi khảo sát các vùng trồng quế và quyết định là doanh nghiệp “tiên phong” trong hơn 100 doanh nghiệp của cả nước tham gia sản xuất sản phẩm quế. Sau hơn 6 tháng khảo sát vùng nguyên liệu, anh Hải quyết định chọn Lào Cai làm nơi “đầu quân”…

Triển khai xây dựng cấp chứng chỉ quế Nậm Đét.

Năm 2012, Công ty cổ phần Techvina đã đầu tư xây dựng Nhà máy chiết xuất tinh dầu quế tại xã Xuân Quang (Bảo Thắng). Hiện tại, vào vụ thu hoạch, mỗi tháng nhà máy thu mua trên 500 tấn nguyên liệu lá quế để chế biến. Nhà máy tạo việc làm cho 40 lao động thường xuyên, gần 1.000 lao động thời vụ là các thương lái và công nhân ở các huyện trong tỉnh.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu sản xuất của Nhà máy chiết xuất tinh dầu quế Xuân Quang, anh Khổng Đại Huynh, quản lý của Công ty Techvina cho biết: Nhà máy chiết xuất tinh dầu quế được đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại có công nghệ lôi cuốn hơi nước với công suất 0,6 kg tinh dầu/1 tạ cành, lá quế. Một năm, nhà máy thu mua khoảng 10.000 tấn cành, lá quế, sản xuất được 60 tấn tinh dầu chế biến dạng thô. Thực tế năm 2013, nhà máy đã sản xuất và tiêu thụ được 50 tấn  tinh dầu (giá bán trên 500.000 đồng/kg tinh dầu). Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2014, vụ 1 đã sản xuất được 30 tấn tinh dầu…

Chúng tôi đến thăm khu sản xuất đúng vào thời điểm sản xuất vụ 2 trong năm và được chứng kiến cảnh sản xuất nhộn nhịp, xe thu mua cành, lá từ các vùng nguyên liệu nối đuôi nhau nườm nượp chở vào nhà máy. Ông Lê Văn Xuyên, thôn Gốc Mít, xã Xuân Quang - một trong những đại lý thu mua nguyên liệu cho nhà máy chia sẻ: Sau khi công ty đưa vào hoạt động nhà máy chiết xuất tinh dầu quế, tôi đã tham gia làm đại lý thu gom nguyên liệu. Mỗi ngày hiện tại, tôi cung cấp cho nhà máy 6 - 7 tấn lá quế, thu gom từ các vùng trồng quế Sơn Hà, Sơn Hải, Phú Nhuận (Bảo Thắng) và Cốc Lầu (Bắc Hà)… Không chỉ người trồng quế có thu nhập cao, mà đại lý của ông Xuyên cũng thu nhập gần 30 triệu đồng/tháng từ công vận chuyển, thu gom nguyên liệu cành, lá quế.

Ngoài việc thu mua, để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất ổn định, Công ty Techvina còn áp dụng chính sách thưởng, khuyến khích động viên những đại lý thu mua nguyên liệu khối lượng lớn. Đưa danh sách thưởng cho chúng tôi xem, anh Khổng Đại Huynh khoe: Trong vụ đầu tiên của năm 2014 (tháng 4, tháng 5/2014), công ty đã trích thưởng trên 170 triệu đồng cho hàng chục đại lý; trong đó đại lý của bà Nguyễn Thị Liễu, tháng nào cũng lĩnh thưởng 20 triệu đồng do mua được nhiều lá quế đấy!

... đến thương hiệu quế hữu cơ

“Nung nấu” tìm thị trường cho sản phẩm quế vỏ của Việt Nam nói chung và sản phẩm quế vỏ của Lào Cai nói riêng, anh Hải nghĩ, hơn lúc nào hết cần phải có chứng chỉ quốc tế công nhận quế sản xuất theo quy trình nông nghiệp hữu cơ. Thế là, từ ý tưởng biến thành hiện thực, anh quyết định thực hiện dự án: “Xây dựng chứng chỉ quế hữu cơ cho cây quế Nậm Đét huyện Bắc Hà”.

Với sự giúp sức của Cơ quan hợp tác Phát triển Thụy Sĩ (SDC), Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển nông nghiệp bền vững (SADAS), công ty đã triển khai thực hiện Dự án cấp chứng chỉ quốc tế cho sản phẩm quế hữu cơ tại xã Nậm Đét (Bắc Hà). Theo đó, giai đoạn 1 của dự án sẽ được triển khai tại 4 thôn: Nậm Đét, Tống Hạ, Bản Lắp, Nậm Cài (xã Nậm Đét) với 208 hộ nông dân tham gia trên diện tích 689 ha quế. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự đồng thuận của người trồng quế, doanh nghiệp phấn đấu đến tháng 3/2016, sản phẩm quế Nậm Đét sẽ được cấp chứng chỉ hữu cơ quốc tế, đạt tiêu chuẩn để xuất sang thị trường Mỹ và EU.

Trên thực tế, qua khảo sát sản phẩm quế của người dân trồng trong tỉnh Lào Cai những năm qua đều áp dụng quy trình sản xuất sạch, không dùng hóa chất, nếu có phun thuốc bảo vệ trừ sâu ăn lá quế thì cũng trên diện tích không đáng kể. Tuy nhiên, để có được chứng chỉ công nhận tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, thì phải được tổ chức thanh tra nước ngoài công nhận. Đây được xem như một “giấy thông hành” để sản phẩm quế của Lào Cai đi vào thị trường Mỹ và các nước EU. Trước mắt còn là cả một chặng đường dài, không dễ gì thực hiện được, do đó rất cần sự chung tay giữa chính quyền địa phương, người dân với doanh nghiệp trong triển khai thực hiện dự án.

Theo anh Hải: Đây là chiến lược lâu dài, công ty sẽ chia sẻ những thông tin về sản phẩm và chia sẻ lợi nhuận giữa doanh nghiệp và nông dân, tạo nên sự hợp tác bền vững. Công ty đang lập kế hoạch triển khai mô hình chia sẻ lợi nhuận phát triển vùng nguyên liệu. Chính vì lẽ đó, tháng 8/2014, công ty đã khánh thành thêm dây chuyền sản xuất viên nén năng lượng tại Nhà máy chiết xuất tinh dầu quế Xuân Quang, khắc phục tình trạng tốn công đốt bã thải, gây ô nhiễm môi trường… góp phần làm tăng giá trị sản phẩm quế sau chế biến. Công ty còn cam kết sẽ tăng giá thu mua đầu vào sản phẩm quế khi việc sản xuất viên nén năng lượng hoạt động ổn định và có hiệu quả.

Dự án trên là hoạt động tiên phong trong việc xây dựng chứng chỉ hữu cơ quốc tế cho sản phẩm quế của vùng trồng quế Nậm Đét, từ đó tạo thành công và nhân rộng ra toàn tỉnh. Thông qua dự án, sản phẩm quế của Nậm Đét nói riêng và của Lào Cai nói chung sẽ từng bước khẳng định được thương hiệu trong nước và trên thị trường quốc tế./.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).

Chuyển 46 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, thị xã khắc phục hậu quả thiên tai

Ban Vận động cứu trợ tỉnh vừa quyết định chuyển 46 tỷ đồng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý đến Ban Vận động cứu trợ các huyện, thị xã để khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3.