Huyện Bảo Thắng: Những giải pháp giảm nghèo hiệu quả

Trong những năm qua, huyện Bảo Thắng được đánh giá là địa phương có tốc độ giảm nghèo nhanh và bền vững. Thành công đó là do huyện đã xác định đúng nguyên nhân để có giải pháp giảm nghèo hiệu quả.
 
Nêu cao vai trò của cơ sở

Từ năm 2011 - 2013, trên địa bàn xã Gia Phú đồng loạt triển khai nhiều dự án trọng điểm như đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Nhà máy Thủy điện Tả Thàng, 2 nhà máy gạch tuy nen và một số khai trường khai thác quặng apatít. Do đó, đã có gần 1.000 hộ phải giải phóng mặt bằng, dẫn đến tỷ lệ người không có việc làm cũng như số hộ tái nghèo tăng và phát sinh hộ nghèo. Nếu như giai đoạn 2009 - 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã Gia Phú là 21% thì giai đoạn 2011 - 2013 tăng lên 49%.

Đảng bộ xã Gia Phú xác định, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo tăng là do người dân không có việc làm, bởi nhiều diện tích đất sản xuất đã nhường lại để thi công các công trình. Tìm được nguyên nhân, Đảng bộ xã đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch xóa nghèo bền vững.

Đồng chí Vũ Văn Khả, Chủ tịch UBND xã Gia Phú cho biết: Đảng ủy, UBND xã đã tập trung phân tích, tìm ra nguyên nhân cơ bản dẫn đến tăng tỷ lệ hộ nghèo và đưa ra được giải pháp căn cơ chính là giải quyết việc làm cho người lao động. Căn cứ vào điều kiện thực tế của từng thôn, xã đã đưa ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả. Đối với các hộ dân phải di dời, giải phóng mặt bằng để thi công các công trình, Đảng ủy, UBND xã đã vận động các hộ cho con, em đi học nghề để chuyển đổi việc làm. Trên cơ sở đó, xã chủ động liên hệ với các nhà máy tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng và trên địa bàn ưu tiên tuyển dụng lao động của xã đã được đào tạo nghề vào làm việc. Từ năm 2013 đến nay, trong xã đã có 700 lao động được tuyển dụng vào làm việc tại các nhà máy, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, với thu nhập ổn định.
 


Nhiều lao động ở xã Gia Phú (Bảo Thắng) được tuyển dụng vào Nhà máy  gạch tuynel Thành Công.

Cùng với giải quyết việc làm cho các hộ phải di dời do giải phóng mặt bằng, xã quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ để người dân ở các thôn vùng cao như Nậm Trà, Nậm Phảng, Tả Thàng, Khe Luộc, Bản Cam, Khe Băng… vay vốn đầu tư trồng thảo quả, trồng rừng kinh tế, chăn nuôi gia súc. Mặt khác, xã đề nghị Nhà nước ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi tại các thôn vùng cao này, giúp người dân khai hoang, mở rộng diện tích canh tác.

Thời gian qua, thôn vùng cao Nậm Trà và Nậm Phảng (có trên 200 hộ nghèo) đã được đầu tư xây dựng 4 công trình thủy lợi, giúp người dân mở rộng diện tích ruộng nước từ 5 ha lên 20 ha và dự kiến sẽ tiếp tục khai hoang thêm 10 ha. Với nguồn thu nhập ổn định từ gieo cấy lúa, trồng thảo quả và chăn nuôi gia súc, tỷ lệ hộ nghèo ở các thôn vùng cao của xã Gia Phú giảm nhanh và đảm bảo bền vững. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của xã Gia Phú còn 17,6%.

Phú Nhuận là xã được đánh giá có nhiều thành công trong công tác giảm nghèo. Không như xã Gia Phú, nguyên nhân dẫn đến nghèo ở Phú Nhuận là do trình độ dân trí hạn chế, thiếu kiến thức phát triển kinh tế, nhiều hộ dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước. Xuất phát từ những nguyên nhân trên, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đến từng hộ dân, tuyên truyền, vận động, khơi dậy ý thức vươn lên, thoát nghèo.

Đồng chí Trần Xuân Long, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận cho biết: Nhiệm vụ quan trọng trong công tác giảm nghèo là tạo được thu nhập ổn định và bền vững cho người dân. Chính vì vậy, xã đã tập trung đầu tư phát triển kinh tế theo vùng, gồm các vùng: Trồng chè tập trung; trồng rừng kinh tế; chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Cùng với đó, xã chỉ đạo các ban, ngành tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, giúp người dân có kiến thức phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững. Năm 2013, xã Phú Nhuận còn 228 hộ nghèo (9,3%), phấn đấu năm 2014, giảm được 60 hộ nghèo.

Không chỉ xã Gia Phú, Phú Nhuận mà các xã Xuân Quang, Sơn Hải, Xuân Giao, Phong Niên, thị trấn Phong Hải… cũng có kết quả giảm nghèo ấn tượng.

Xác định rõ nguyên nhân để có giải pháp đúng

Theo đồng chí Trần Quang Chương, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bảo Thắng thì vấn đề quan trọng, quyết định đến thành công trong công tác giảm nghèo chính là xác định rõ nguyên nhân, từ đó có các giải pháp đúng và trúng. Theo kết quả điều tra, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Bảo Thắng còn 15,22% (tương đương 4.155 hộ), hộ cận nghèo 4.024 hộ, chiếm 14,74%. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến nghèo là do nhiều hộ dân thiếu kiến thức khoa học, thiếu vốn sản xuất, thiếu đất canh tác và không có tay nghề. Bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh đã gây nhiều thiệt hại cho sản xuất và chăn nuôi, khiến nhiều hộ tái nghèo.

Từ những nguyên nhân trên, huyện Bảo Thắng đã tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân nói chung, nhất là các hộ nghèo nói riêng nhằm giúp họ nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh, huyện đối với công cuộc giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, các xã tổ chức tuyên truyền, động viên các hộ nghèo không trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, tích cực lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Huyện tăng cường cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao năng lực cán bộ làm công tác xóa đói, giảm nghèo từ huyện đến cơ sở; hướng dẫn người nghèo phương thức phát triển kinh tế hiệu quả; kịp thời tư vấn, giúp đỡ, bồi dưỡng, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa giống mới có năng suất cao, chất lượng, cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho từng hộ hoặc nhóm hộ ở từng xã, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế. 6 tháng đầu năm 2014, các cơ quan chuyên môn của huyện đã tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt cho 1.524 lượt người tham gia. Huyện chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, các xã, thị trấn tạo điều kiện cho người nghèo vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Trong 6 tháng đầu năm 2014, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã cho 391 hộ vay vốn với số tiền hơn 11 tỷ đồng, hiện dư nợ đạt hơn 156 tỷ đồng với 6.546 hộ được vay.

Đặc biệt, huyện chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hàng hoá phù hợp có hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng với nhu cầu thị trường, gắn công tác xóa đói, giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới. Từ đầu năm đến nay, Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các xã, thị trấn triển khai 5 mô hình dự án, gồm mô hình trồng khảo nghiệm giống lúa thuần J01 tại xã Phú Nhuận, Sơn Hải cho 75 hộ tham gia với quy mô 15 ha; mô hình trồng ngô LVN66, quy mô 2 ha, 22 hộ tham gia tại xã Phố Lu; mô hình trồng ngô AG 59, AG 69, quy mô 1 ha, 7 hộ tại xã Phong Niên tham gia; mô hình trồng ngô NK7328, quy mô 1,5 ha, 13 hộ ở xã Phong Niên tham gia; dự án phát triển cây sắn bền vững, quy mô 9 ha, 45 hộ tại xã Thái Niên tham gia.

Ngoài ra, huyện luôn quan tâm huy động tối đa các nguồn lực cho xóa đói, giảm nghèo; hỗ trợ cây, con giống, vật tư sản xuất, hỗ trợ về y tế, giáo dục... để người nghèo tiếp cận và được hưởng các chế độ, chính sách Nhà nước theo quy định. 6 tháng đầu năm 2014, huyện đã cấp 12.383 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo; hỗ trợ học phí cho 3.763 học sinh với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 1,3 tỷ đồng cho 4.004 hộ theo Quyết định 102/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ…

Với những giải pháp trên, Bảo Thắng đã đạt được nhiều kết quả theo Đề án “Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015”. Từ năm 2011 đến hết tháng 6/2014, huyện Bảo Thắng đã giảm được 7.328 hộ nghèo, phấn đấu đến cuối năm 2015, toàn huyện còn 2.981 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo là 11,02%./.
(Theo baolaocai.vn)

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).