Sắc xuân chợ phiên Bắc Hà

Càng đến gần Tết, chợ phiên Bắc Hà – phiên chợ đậm chất nguyên sơ của vùng cao càng thêm nhộn nhịp. Không chỉ người dân địa phương về sắm tết mà cả khách du lịch trong và ngoài nước cũng đến tham quan.
Ngay từ sáng sớm, khi màn sương còn chưa kịp tan, từ khắp các ngả đường, từng dòng người đã nườm nượp xuống chợ. Các chàng trai, cô gái gọn gàng trong bộ váy áo với sắc màu tươi mới; những bà mẹ dắt theo đứa trẻ và cả những ông, bà già cũng chống gậy đi chợ... tất cả đều ngập tràn niềm vui háo hức.
 

Chợ Bắc Hà ngày xuân thực sự là ngày hội của bà con các dân tộc trên rẻo cao này. Chẳng riêng gì buổi sáng, cả trưa, sang chiều người chơi chợ vẫn đông. Đông nhất có lẽ là các cô gái tuổi đôi mươi, giữa cơ man nào váy áo, nào túi, khăn hoa văn rực rỡ sắc màu, cứ tíu tít xem, ngắm, nâng lên hạ xuống, ướm thử với vẻ mặt rạng rỡ…

Những ngày giáp Tết, phiên chợ xuân Bắc Hà bày bán đủ thứ hàng hóa, từ rượu ngô đặc sản, tương ớt, lạp xường, đến các mặt hàng: Gạo nếp dẻo thơm, chè tuyết san Bản Liền… Người bán ở đây không cần mời chào hay nói thách, ai thích thứ gì thì hỏi và mua luôn. Những chiếc váy, áo truyền thống của người Mông, những chiếc túi, ví, địu, tranh thêu thổ cẩm…là sản phẩm do chính bàn tay những phụ nữ Mông làm ra luôn là tâm điểm để khách hàng xem, lựa chọn...


Đến chợ, mọi người như đã cảm nhận hương vị nồng nàn ngày Tết bởi những mớ lá dong, lá chuối cuộn tròn bày bán trên chiếc lù cở của bà con người Dao, người Phù Lá. Các bà, các chị thỏa sức lựa chọn những tàu lá tươi, đẹp vẫn còn đậm hương của núi rừng.

Dạo quanh khu chợ, có riêng khu để bán trâu, ngựa, lợn, gà, vịt với những chú gà Đông Cảo, gà thuốc, vịt bầu béo mập. Trong sân chợ là dãy hàng hoa quả đủ các loại trái cây vườn nhà, thu hái trên rừng, những món quà quê chỉ có ở các chợ vùng cao, được nhiều người ưa thích... Cạnh đó là dãy hàng gạo, ngô, đậu tương, rượu Bản Phố và những mặt hàng nông sản… Chơi chợ mà không cùng bạn hiền quây quần bên chảo thắng cố bốc khói nghi ngút, uống bát rượu Bản Phố thơm lừng được nấu từ ngô núi thì xem như chưa đến chợ.
 

Vui nhất vẫn là bọn trẻ được theo mẹ xuống chợ sắm đồ mới đón Tết. Một cậu bé người Mông thích thú, ướm thử bộ quần áo mới được mẹ mua; bé gái mân mê chiếc kẹp tóc, đôi giày; các cô gái trẻ ướm thử chiếc váy thổ cẩm vẻ mặt rạng ngời một nét tươi duyên...

Trong không khí nhộn nhịp của phiên chợ Tết, những chàng trai, cô gái người Mông, Dao, Phù Lá... đã tìm nhau kết bạn tâm giao qua lời ca, tiếng đàn môi để trao gửi tình cảm. Phiên chợ tan khi màn đêm vừa buông xuống, nhiều người còn nán lại như muốn níu giữ khoảnh khắc của phiên chợ xuân./.
(Theo Tin tức Du lịch trực tuyến)

Tin Liên Quan

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.

Trăm năm kể chuyện nghề Rèn