Ði giữa mênh mang

Cho đến nay, dù là người có lơ đãng đến đâu, mơ hồ đến mấy đi chăng nữa thì cũng phải công nhận rằng “Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới”ở nước ta là hoàn toàn đúng đắn, hợp lòng dân. Mặc dù chưa đi hết quãng đường của giai đoạn I (2010 - 2015) nhưng sự hiện diện của nông thôn mới đã và đang lan tỏa làm nức lòng người. Thành công từ chương trình xây dựng nông thôn mới đem lại đã làm đổi thay diện mạo những vùng quê nghèo khó bấy lâu nay.
 
Cuộc chuyển mình đó đã tác động rõ rệt đến kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt cũng như đổi thay tập quán, nếp nghĩ, cách làm của những nông dân chân chất “một nắng hai sương”. Mỗi nơi, mỗi vùng có cách làm khác nhau, phù hợp với lợi thế, tiềm năng của mình, để đi đến mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống và tiến đến một nông thôn mới giàu đẹp. Đó là điều mọi người mong ước.

Mặc dù không sinh ra trên mảnh đất này nhưng ăn cơm, uống nước, “nở da nở thịt” với Lào Cai, nên dù đặt chân đến miền quê nào ở Lào Cai thì luôn cho tôi cảm giác gần gụi, thân thương, nơi an lành, đầm ấm để mà nương tựa những lúc chơi vơi. Tính chất phát, ngay thẳng và thủy chung cứ gợi cho con người ta nghĩ về cội nguồn để mà níu giữ. Nên cứ rảnh rang tôi lại vù xe đến với những nơi thân thương ấy mà hy vọng về mọi điều tốt đẹp. Và lần này cũng vậy, nhận lời ông bạn, tôi phi thẳng về Cốc San (Bát Xát), vùng ven giáp thành phố Lào Cai. Mà có xa xôi gì, 25 - 30 phút là đã đến nơi.
 


Nhìn từ trên cao, làng Cốc San đẹp như bức tranh thủy mặc.

Ông bạn Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Toòng Chú cho đi một vòng quanh xã để cảm nhận sự thay đổi của miền đất gốc cây bana* xưa (cây mít). Chiếc xe cà tàng đầy chiến tích “vít” ga vòng vèo, luồn lách trên những con đường nông thôn mới đổ bê tông phằng lỳ. Đi giữa triền xanh Cốc San, những cánh đồng thôn Toòng Chú, Tân Sơn, Luổng Láo, Tòng Sành, Ún Tà… tăm tắp, mơn mởn những luống rau xanh mướt lung linh trong gió. Trên các sườn núi, rừng mỡ, rừng trẩu đua nhau vươn trên sỏi đá mà bay bổng đuổi dài tít tắp để nhả màu xanh ngan ngát. Xen vào với màu xanh ấy là những khoang hồ, ao nuôi thủy sản long lanh sóng bạc như những tấm gương khổng lồ giữa màu xanh viên mãn. Dòng Ngòi Đum uốn lượn chảy qua Luổng Láo, Luổng Đơ mềm mại như dải lụa.

Vừa đi, vừa được Nguyễn Duy Ngọc giới thiệu như khoe về những việc làm, những con người và cả cái chí vượt khó của người dân Cốc San. Dáng ông nhỏ nhắn hoạt bát, nhanh nhẹn. Đến đâu cũng được nghe, thấy những nụ cười, ánh mắt vui vẻ, tự tin của người dân. Thầm nghĩ đúng là ông Bí thư chi bộ, Trưởng thôn này có bề dày kinh nghiệm trong vận động nhân dân, được dân tin, dân mến. Chả vậy mà công việc “vác tù và” của ông đã liên tục 14 năm. Kể cũng là chuyện hiếm. Tôi cứ thẩn thơ nghĩ trong thời buổi xô bồ, người ta bon chen, đua nhau làm giàu cho riêng mình, nhưng đây đó vẫn còn nhiều những tấm lòng chân chất, vẫn có nhiều những con người hết lòng vì mọi người, vì cộng đồng. Ở họ vẫn trong veo một triết lý, sống sao cho âm phúc dày thêm.

Là một xã vùng thấp, có Quốc lộ 4D đi qua, giao thương khá thuận lợi, so với các xã vùng cao thì Cốc San có nhiều lợi thế, trình độ dân trí phát triển khá cao, có kinh nghiệm thâm canh cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là phát triển thủy sản. Ấy vậy mà trong những năm qua, cuộc sống của người dân vẫn gặp nhiều khó khăn, vẫn còn những thôn trong diện hỗ trợ 135 của Chính phủ. Song, bằng nỗ lực của các cấp chính quyền và nhân dân, những năm gần đây Cốc San đã có nhiều khởi sắc. Nhất là từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới được triển khai đi vào cuộc sống, đã làm thay đổi cơ bản diện mạo làng quê. Hết năm 2013, xã đã đạt 14/19 tiêu chí. Còn lại một số tiêu chí đang chờ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước như: Chợ nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa, hiện mặt bằng đã trong tư thế sẵn sàng.

Theo ông Hoàng Xuân Phú, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã cho biết: Năm nay, Cốc San sẽ dốc lực hoàn thành về đích trước thời hạn các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới của giai đoạn I. Ông Phú tâm sự: Chúng tôi không làm lướt, không chạy theo thành tích mà mang tính hiệu quả bền vững. Điều quan trọng nhất dẫn đến thành công chính là huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân… Đúng là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, Cốc San làm kiên trì và có bài bản. Điều cốt yếu nhất chính là làm sao để người dân hiểu, thông suốt và chính họ là chủ nhân của chương trình, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, sức mạnh từ dân. Các bí thư chi bộ là những hạt nhân quan trọng nơi thôn xóm. Vì họ sát dân, gần dân nên nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của bà con. Từ đó đẩy lên thành phong trào, cả hệ thống chính trị và người dân đồng tình hưởng ứng. Trong năm qua, nhân dân và các tổ chức đoàn thể ủng hộ xây dựng quê hương nông thôn mới gần 950 triệu đồng, nhân dân tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất để mở đường giao thông.

Được biết, ông Hoàng Xuân Phú không chỉ là một cán bộ mẫn cán mà còn được biết với vai trò của một chủ cơ sở nuôi thủy sản có hạng. Hằng năm, trại cá giống của ông doanh thu hơn 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động. Không chỉ là làm giàu cho mình, ông còn hướng dẫn kỹ thuật, truyền nghề cho các hộ gia đình trong xã cùng làm đạt hiệu quả cao. Phát triển nghề nuôi thủy sản ở Cốc San đã trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế của địa phương. Không chỉ giúp xóa đói mà thực sự nhiều hộ đã làm giàu từ nghề này. Đây là động lực đưa xã bứt phá về kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

Cốc San có 35 ha mặt nước nuôi thủy sản với gần 100 hộ dân trực tiếp tham gia. Trung bình mỗi năm bán ra thị trường từ 400 đến 410 tấn cá thịt, thu về hàng trăm tỷ đồng. Nhiều gia đình nhờ đó đã thoát khỏi đói nghèo và vươn lên làm giàu, điển hình như hộ chị Hoàng Thị Chắp, thôn Luổng Đơ, mỗi năm bán ra thị trường 30 - 32 tấn cá; gia đình anh Hoàng Văn Phương, thôn Toòng Sành 2, mỗi năm bán ra thị trường gần 24 tấn cá và nhiều hộ khác đã đang làm giàu từ thủy sản...

Có đi, mới biết Cốc San đang thực sự vươn mình khởi sắc. Cái sức xuân phơi phới rạng rỡ trên con đường đổi mới dẫn đến ấm no. Sức lan tỏa của nông thôn mới cứ trải ra trên mỗi con người, mỗi việc làm của những chủ nhân vùng đất này. Lại được ông Nguyễn Duy Ngọc giới thiệu những gương điển hình về hiến đất làm đường giao thông như trường hợp anh Nguyễn Văn Tuyến, thôn Toòng Chú. Sau khi được chính quyền vận động, anh đã thấu hiểu cảnh vất vả của gia đình khi chưa có đường, mỗi khi có sản phẩm anh đã phải cắt rừng cõng từng bao ngô, hạt thóc hàng cây số mới tiếp cận được thị trường. Gia đình anh tự nguyện hiến hơn 3.000 mét vuông đất vườn để làm đường liên thôn. Nói chuyện với chúng tôi, anh như khoe: “Thiệt trước mắt một ít nhưng lợi cho mình lâu dài, lợi cho cả bản thì có gì mà tiếc…”. Từ ngày có đường mới, gia đình anh đã xây căn nhà mới khang trang cạnh mặt đường. Những suy nghĩ, cách làm của người cựu chiến binh này sao mà nhân văn vậy. Và còn nhiều những tấm gương khác không thể kể hết, họ đã biết hy sinh những lợi ích nhỏ của mình cho việc lớn của thôn.

Đến nay, Cốc San đã “phủ sóng” 100% đường giao thông kiên cố về các thôn, bản, tổng cộng chiều dài các tuyến liên thôn là 20,28 km, đường nội đồng 3,8 km, đường ngõ xóm đã đổ bê tông được 10 km và tiếp tục đổ bê tông những đoạn đường còn lại. Đấy là thành tích đáng khích lệ để Cốc San tiếp tục phát huy, áp dụng vào các tiêu chí khác trong năm tiếp theo. Men theo con đường làng du lịch sinh thái An San về thôn Ún Tà, trải dài ven sườn núi những nếp nhà xây kiên cố đã thế chỗ cho các ngôi nhà tạm bợ, đường ngõ thoáng đãng, sạch đẹp. Trên các thửa vườn cây trái xanh tươi, ngan ngát hương hoa độ cuối xuân. Những luống hoa cúc, hoa lay-ơn, thược dược xập xòe đơm nụ, đua hương như khoe sắc, các thiếu nữ Giáy ánh mắt nụ cười rạng rỡ như tỏa nắng.

Dòng chảy dâng trào dù có thác ghềnh, dù có lúc đục trong, dù quanh co khúc khuỷu thì công cuộc xây dựng nông thôn mới cũng sớm về đích và còn hơn thế. Trời đang bừng sáng, nắng đang vàng trải giữa triền xanh Cốc San mênh mang./.
(Theo baolaocai.vn)

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).