Lên Tả Phìn dệt thổ cẩm và tắm lá thuốc

Nghề dệt thổ cẩm của người Mông và tắm lá thuốc của người Dao đỏ là 2 “đặc sản” không thể bỏ qua của du khách khi đến xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
 
Xã Tả Phìn - cách thị trấn Sa Pa khoảng 12km về phía bắc, là một trong những tuyến du lịch trọng điểm của huyện Sa Pa. Không chỉ được biết đến với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, nơi đây còn hấp dẫn du khách bởi bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc địa phương, trong đó nghề dệt thổ cẩm của người Mông và tắm lá thuốc của người Dao đỏ là 2 “đặc sản” không thể bỏ qua của du khách khi đến mảnh đất này.
 

Đặt chân đến các bản dân tộc ở Tả Phìn, điều đầu tiên thu hút du khách chính là hình ảnh những phụ nữ Mông duyên dáng trong trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu. Vào sâu bên trong bản, du khách sẽ thấy các bà, các chị miệt mài ngồi se lanh, dệt vải ngay trước cửa nhà. Chính từ những đôi bàn tay khéo léo, tài hoa đó đã tạo ra rất nhiều sản phẩm thổ cẩm phong phú, đa dạng, đủ kiểu dáng và màu sắc như túi khoác du lịch, túi xách tay, ví, tranh, khăn, áo, mũ...

Mỗi phụ nữ Mông đến tuổi trưởng thành đều được chia những mảnh nương riêng để trồng lanh. Khi cây lanh có chiều cao khoảng 2m thì cắt về, đem phơi khô rồi tách lấy vỏ. Khi tách phải hết sức khéo léo sao cho sợi lanh có độ mảnh đều nhau và không bị đứt nửa chừng. Những bó vỏ lanh này được cuộn chặt lại, cho vào cối giã để đánh bong hết bột sao cho chỉ còn lại sợi dai, sau đó cuộn lại thành những con sợi lớn. Để đạt được độ trắng và mềm, sợi lanh phải qua vài lần luộc nước tro bếp và một lần luộc nước sáp ong rồi mới dệt thành vải.
 

Người Mông thường dệt vải bằng khung cửi đai lưng. Tấm vải dệt xong phải giặt đi giặt lại nhiều lần cho thật trắng, sau đó trải lên khúc gỗ tròn, rồi dùng một phiến đá chà sáp ong trượt đi, trượt lại cho đến khi thật phẳng. Công đoạn đòi hỏi nhiều công sức nhất là thêu hoa văn trang trí lên tấm vải. Mẫu thêu chủ đạo là xoáy ốc, hoa bí hoặc những hoa văn lấy cảm hứng từ thiên nhiên như cây, cỏ, hoa, lá, chim muông... Người Mông rất cầu kỳ khi thêu trang phục truyền thống của phụ nữ với đầy đủ khăn quấn đầu, áo trong, áo ngoài, váy và vải bó chân. Họ thêu riêng từng phần rồi khâu lại thành trang phục hoàn chỉnh. Mỗi tấm vải mang dấu ấn cá nhân rất rõ, thể hiện sự tinh tế của từng người thêu.

Ðối với người dân tộc vùng cao, thổ cẩm không chỉ dùng để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày mà còn là vật kỷ niệm tình yêu hay của hồi môn trong ngày cưới. Đây cũng là một mặt hàng lưu niệm không thể thiếu của du khách khi tới Sa Pa. Đặc biệt, thổ cẩm Tả Phìn còn được nhiều nơi trong cả nước đặt hàng để bán cho khách và xuất khẩu sang một số thị trường như Mỹ, Pháp, Ðan Mạch...

Đến Tả Phìn, ngoài việc tìm mua những sản phẩm thổ cẩm “chính hiệu” của người Mông, du khách còn háo hức thưởng thức dịch vụ tắm lá thuốc của người Dao đỏ. Vào những ngày cuối năm, người Dao thường lên rừng lấy những cây lá thuốc về nấu nước tắm để đón năm mới. Tắm lá thuốc có tác dụng tốt cho sức khỏe và đã trở thành sản phẩm đặc trưng phục vụ khách du lịch.
 

Thuốc tắm của người Dao đỏ ở Tả Phìn có nhiều loại cây hơn so với thuốc của các nhóm người Dao khác, dao động từ 10 đến hơn một trăm loại khác nhau, tùy mục đích sử dụng. Cây thuốc tươi hoặc sau khi đã phơi khô được chặt nhỏ, cho vào một chiếc nồi lớn rồi đun sôi bằng củi. Sau đó, nước thuốc được đổ vào một thùng gỗ tròn, pha thêm nước lạnh vừa phải để tắm. Trong căn phòng nhỏ, hơi nước nóng từ bồn gỗ tỏa ra, quyện với mùi hương thảo dược khiến người tắm cảm thấy vô cùng sảng khoái và dễ chịu.

Tắm hoặc ngâm chân lá thuốc trong một thời gian dài có tác dụng chữa trị các bệnh phong thấp, đau nhức xương khớp, mỏi cơ, thần kinh tọa, cảm hàn, cảm cúm, dạ dày, các bệnh ngoài da, ho, đau lưng, đau gan… Đặc biệt, phụ nữ tắm lá thuốc da dẻ sẽ mịn màng, máu huyết lưu thông. Tắm lá thuốc của người Dao đỏ không chỉ đơn thuần là một phương pháp chăm sóc sức khoẻ mà còn là một yếu tố cấu thành bản sắc văn hoá. Hiện ở Tả Phìn có nhiều hộ gia đình người Dao đỏ mở dịch vụ tắm lá thuốc phục vụ khách du lịch.

Với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ; khí hậu mát mẻ, trong lành; con người thân thiện, mến khách cùng những sản phẩm dịch vụ hấp dẫn, độc đáo, Tả Phìn đang ngày càng thu hút đông khách du lịch trong và ngoài nước. Chắc hẳn bất kỳ ai đã một lần đến với Tả Phìn đều muốn quay trở lại để khám phá, tìm hiểu và thưởng thức những món quà độc đáo mà thiên nhiên và con người nơi đây dành tặng./.
(Theo Tổng cục Du lịch)

Tin Liên Quan

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.