Lễ “rước cá” của người Tày

Rước cá mẹ là nghi lễ độc đáo của người Tày ở Trung Ðô (Bắc Hà) mỗi dịp tết đến, xuân về. Sau lễ rước, mọi người trở về làng trong không khí vui tươi, phấn khởi, rạng rỡ cùng niềm tin về những điều may mắn, tốt đẹp đến với bản làng.



Tiết mục múa của người Tày trong ngày hội.

 
"Rước cá” là nghi lễ dân gian truyền thống độc đáo của người Tày ở Trung Đô gắn liền với lễ hội “xuống đồng” của người dân địa phương được tổ chức vào ngày Ngọ đầu năm. Đây là nghi lễ mang đậm dấu ấn văn hóa của cư dân sống ven vùng sông nước để cầu cho cá về đầy suối, dân bản có cuộc sống no đủ, bình yên, mọi điều may mắn.

Nghệ nhân Hà Văn Điêu (xã Trung Đô) cho biết: Ăn Tết xong, già làng, trưởng bản cùng người dân trong làng tấp nập chuẩn bị các công việc cho lễ rước. Chủ làng sẽ chọn ra một, hai người biết đan lát giỏi nhất trong làng vào rừng tìm tre về chẻ nan đan theo kiểu mắt cáo thành hình con cá chép dài khoảng 60 cm, rộng 30 cm, dưới bụng con cá tre trống một lỗ để luồn thanh gỗ tròn dài khoảng 50 cm làm đòn khiêng rước cá khi thực hành nghi lễ. Bên ngoài khung rọ, người Tày dùng giấy xanh dán xung quanh rồi dùng giấy vàng cắt thành hình vẩy cá phủ toàn bộ bên ngoài tượng trưng làm con cá chép vàng “Pẻ nôi nướng”.

Vì đây là con vật linh thiêng nên ngày bắt đầu làm người Tày phải chọn vào ngày Dần (con hổ). Theo quan niệm của người dân nơi đây, hổ là con vật biểu hiện cho sức mạnh, là loài chúa tể sơn lâm và đây cũng là ngày tốt, làm vào ngày này làng bản sẽ được may mắn.

Trong lễ rước, cá vàng được ví như là cá mẹ đi trước, đàn cá con nhìn thấy sẽ đi theo từ sông về suối, về bản. Sau khi làm xong, cá chép được bảo quản tại đền, họ kiêng không cho người, mèo nhảy qua thì con cá sẽ mất đi sự linh thiêng, lễ cúng không đạt được như ước muốn của dân bản.

Vào 8h sáng, ngày Thìn tháng Giêng, chủ đan hình cá chép vào rước cá chép vàng đặt vào bên trái của đền Trung Đô, đợi đến giờ Ngọ là nghi lễ được bắt đầu. Vì theo quan niệm của người Tày ở đây, giờ Ngọ là giờ tốt, giờ mà Quốc công Vũ Văn Mật chọn đánh trống chiêu binh, tập hợp quân dân chống lại kẻ thù. Đúng giờ Ngọ, chủ mo làm lễ cúng các vị thần linh trong làng thực hiện nghi lễ kéo dây vào đền diễn tả nghi thức tập hợp binh sĩ, kéo quân của vị tướng Vũ Văn Mật. Sau đó, ông tung thóc giống để mọi người có mặt lấy vạt áo dài nhận hạt giống với ý nghĩa mong muốn cho mùa màng tươi tốt, bội thu.

Đến khoảng 14h cùng ngày, ông mo chủ trì tổ chức lễ rước cá từ sông lên suối. Toàn thể dân làng không kể già trẻ, gái trai đều tập trung trước cửa đền. Chủ lễ phân công hai thanh niên khiêng trống đi trước, theo sau là ông mo, rồi thanh niên khỏe mạnh hoạt bát nhất, là người chưa có vợ tham gia vào màn biểu diễn múa mang ý nghĩa mô phỏng lại động tác như đàn cá đang múa tung tăng, uốn lượn, quẫy mình trong nước rồi đến toàn thể dân làng đi sau.

Đoàn rước dưới sự chỉ đạo của thầy mo đi từ đền ra cửa suối Nậm Thi đổ ra sông Chảy. Nơi thầy mo làm lễ khấn cầu các vị thần, Long Vương cai quản vùng sông nước để báo cáo cho các vị thần biết: “Hôm nay, ngày lành tháng tốt, làng tổ chức lễ hội xuống đồng, rước cá. Giờ Thân (con khỉ) đến rồi, dân làng ra bờ sông rước cá thần lên suối Nậm Thi để cho dân làng bắt cá làm thức ăn nuôi sống người trần gian”. Ông vừa khấn vừa ôm con cá hình nộm diễn tả động tác con cá bơi ngược từ sông Chảy lên dòng suối Nậm Thi, có lúc cá nhảy tanh tách trên mặt nước, cá bơi luồn qua các khe đá rẽ sóng nước để vượt lên, đi trước là cá mẹ, đàn cá con tung tăng theo sau. Thầy mo vừa diễn vừa đọc văn khấn “Khửn lô pẻ khửn nặm, Pẻ khửn nặm vái lá” (nghĩa là: Cá lên suối, cá lên suối nhiều nhiều, lên đi cá ơi). Nói đến đây, ông mo lại khấn tiếp: “Hôm nay ngày lành tháng Giêng, dân làng Trung Đô xuống đồng... con cá xin Long Vương rước thần cá lên suối mà cũng không rước không, dân làng chúng tôi có tiền, có bạc trả cho Long Vương”. Nói xong ông mo đốt giấy tiền vàng gửi cho Long Vương để mua được nhiều cá.

Tiếng trống mỗi lúc càng gõ rộn ràng hơn, người thanh niên cầm cá tích cực múa lượn vòng. Sau khi hóa tiền vàng xong, đoàn người bắt đầu rước cá từ sông lên suối, đi từ dưới bờ cát đi lên, đám trẻ con chạy theo sau như đàn cá tung tăng chạy theo cá mẹ từ dưới bờ sông chảy theo dòng suối lên. Theo quan niệm của người Tày, khi đi rước cá từ sông lên suối phải đi ngược từ dưới lên, không đi từ trên xuống sẽ không được cá. Trong tiếng trống, tiếng hò reo của mọi người tạo không khí vui tươi, náo nhiệt của lễ rước. Mọi người thi nhau chạy hòa mình cùng dòng suối Nậm Thi làm nước bắn tung tóe, tựa như con cá bơi ngược suối, người rước cầm con cá chạy trước, người biết hát rước cá thì hát: “Pẻ khửn nặm hở lái - Cá lên suối cho nhiều”, “cụp háng khửn dum dum - Cá nối đuôi nhau lên ầm ầm”.

Khi rước cá ngược lên suối, thợ đánh trống đi đầu, đến ông mo, người thanh niên rước cá, người dân. Khi rước đến đúng ngòi nước thiêng thì cắm con cá chép vàng bên miệng nguồn nước. Đầu cá cắm quay ngược về phía trên, người dân đứng xem cổ vũ hết mình, ông mo đứng trước nguồn nước thiêng và nói: “Từ nay trở đi mẹ cá sẽ dẫn con cá lên suối cho nhiều, cho đông thành đàn”./.
(Theo baolaocai.vn)

Tin Liên Quan

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.

Trăm năm kể chuyện nghề Rèn