Tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh Lào Cai – Thái Bình

Với chủ đề “Chung dòng sông, cùng ý tưởng, hướng tương lai”, trong 5 năm qua, hai tỉnh Lào Cai – Thái Bình đã có nhiều hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực: Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; nông nghiệp; xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và dịch vụ; thông tin – truyền thông, giao thông vận tải; văn hóa; thể thao; y tế,.... và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tháng 3/2024, Tỉnh ủy hai tỉnh tổ chức đánh giá kết quả hợp tác giai đoạn 2018-2023 và đưa ra phương hướng hợp tác trong giai đoạn tới.

Tháng 9 năm 2018, Tỉnh ủy hai tỉnh Lào Cai và Thái Bình đã ký kết chương trình hợp tác toàn diện, tạo ra tiền đề quan trọng trong quan hệ giữa hai địa phương. Từ thời điểm đó đến nay, tuy phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt là trong 3 năm dưới tác động của đại dịch Covid-19, nhưng hai tỉnh Lào Cai – Thái Bình đều đã nỗ lực vượt qua và đạt được nhiều thành tựu mới trong tiến trình phát triển. Việc thúc đẩy quan hệ hợp tác nhằm phát huy những tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, đồng thời bổ khuyết cho nhau ở những mặt tồn tại, hạn chế cũng đang được kiên trì triển khai, theo đúng tinh thần “Chung dòng sông, cùng ý tưởng, hướng tương lai”.

Từng là một trong 6 tỉnh khó khăn nhất của cả nước, nhưng những năm gần đây kinh tế Lào Cai đã phát triển hết sức mạnh mẽ dựa trên 4 trụ cột chính là nông lâm nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch và kinh tế cửa khẩu. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh giai đoạn 1991 - 2023 đạt xấp xỷ 10%.

Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai hiện là 1 trong 3 cửa khẩu lớn nhất ở khu vực biên giới phía Bắc và là cửa khẩu thứ 2 trong cả nước vận hành nền tảng cửa khẩu số. Khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh rộng gần 16.000 héc-ta, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia. Dự kiến đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu qua địa bàn Lào Cai sẽ đạt khoảng 40 tỷ USD.

Về du lịch, ngoài khu du lịch Quốc gia Sa Pa đang được đầu tư mạnh mẽ để vươn tầm quốc tế thì tại nhiều địa phương khác của tỉnh cũng đã phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Năm 2023, Lào Cai đã đón khoảng 7,2 triệu lượt du khách, là một trong những địa phương có tốc độ phục hồi và phát triển du lịch tốt nhất trong cả nước.

Về Nông nghiệp, thổ nhưỡng phong phú và địa hình bị chia cắt mạnh đã tạo ra cho Lào Cai nhiều tiểu vùng khí hậu để phát triển đa dạng các loại nông lâm sản đặc hữu có giá trị kinh tế cao như dược liệu, rau, hoa, cây ăn quả ôn đới, chè và nuôi thủy sản nước lạnh… Năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, xác định các sản phẩm nông nghiệp chủ lực để tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, bài bản và chuyên nghiệp, gắn kết chặt chẽ với thị trường.

Với trên 35 loại khoáng sản có chất lượng cao, trữ lượng lớn như Apatít, sắt, đồng, graphít, đất hiếm... ngành công nghiệp của Lào Cai đang được đầu tư khai thác, chế biến sâu, và là một trọng điểm công nghiệp luyện kim, hóa chất của cả nước. Tỉnh cũng đang có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư phát triển “công nghiệp xanh”, sản xuất điện sinh khối, năng lượng tái tạo và các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao phục vụ xuất khẩu.

Kết thúc năm 2023, quy mô kinh tế Lào Cai đạt 73.600 tỷ đồng, đứng thứ 4 ở khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ, thứ 39/63 các tỉnh thành phố trong cả nước, tăng 3 bậc so với năm 2022. Lũy kế sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, cơ bản các chỉ tiêu tổng hợp đều đạt và vượt so với yêu cầu, trong đó có tới 18 chỉ tiêu quan trọng đã đạt trên 70% kế hoạch đề ra đến cuối nhiệm kỳ.

Lào Cai cũng được Trung ương xác định xây dựng thành một cực tăng trưởng và là trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc. Để thực hiện mục tiêu này, quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định Lào Cai có 1 trục động lực; 2 cực phát triển; 3 vùng kinh tế; 4 trụ cột tăng trưởng và 5 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó quan điểm bao trùm là phát triển bền vững, gắn với “giữ rừng, giữ nước, giữ môi trường, giữ Nhân dân, giữ biên giới”, trở thành điểm tựa vững chắc của quốc gia ở nơi địa đầu biên cương phía Bắc.

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Thái Bình đạt 7,37 %, đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đã đạt tới trên 100 nghìn tỷ đồng. Các ngành kinh tế quan trọng khác của tỉnh cũng đều có bước phát triển tốt, cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Toàn tỉnh Thái Bình hiện có 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đã hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Đời sống kinh tế và văn hóa tinh thần của cư dân nông thôn ngày càng được cải thiện; các lĩnh vực y tế, giáo dục đạt nhiều kết quả nổi bật, tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Với quyết tâm bứt phá, tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa trong chặng đường phát triển mới, tỉnh Thái Bình đang tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược. Trong đó đáng chú ý là nhiều dự án giao thông trọng điểm của tỉnh đã và đang được đầu tư xây dựng, như Dự án các đường trục kết nối trong Khu kinh tế Thái Bình; tuyến đường bộ ven biển; đường cao tốc Ninh Bình - Thái Bình đến Hải Phòng, dự án nhà máy nhiệt điện LNG; khu công nghiệp VSIP và hàng loạt các khu công nghiệp lớn khác cũng đang được gấp rút triển khai. Với vị trí trung tâm của vùng và sự đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng công nghiệp, Thái Bình đang trở thành một điểm đến mới nổi, có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư. Hiện trên địa bàn tỉnh có tổng số 333 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn khoảng 187 nghìn tỷ đồng. Năm 2023, thu hút vốn FDI vào tỉnh Thái Bình đạt kết quả ấn tượng, cán mốc 3 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay và xếp thứ 5 toàn quốc về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Cũng trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bản quy hoạch này có 8 điểm nhấn quan trọng, "mở ra cánh cửa cho tương lai" và cụ thể hóa khát vọng xây dựng Thái Bình trở thành một cực tăng trưởng mới, có cơ cấu kinh tế hiện đại, kết cấu hạ tầng đồng bộ và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp ở vùng đồng bằng sông Hồng.

Với việc được xác định là những cực tăng trưởng mới ở hai khu vực có vị trí chiến lược đối với sự phát triển của đất nước, tỉnh Lào Cai và tỉnh Thái Bình hiện đều đang là những nền kinh tế có độ mở lớn, tốc độ tăng trưởng cao và có nhiều nội dung hợp tác cùng phát triển. Xuất phát từ đặc điểm này và quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai địa phương nên trong thời gian vừa qua, đặc biệt là từ khi Tỉnh ủy hai tỉnh ký kết chương trình hợp tác toàn diện vào năm 2018 đến nay, tuy chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19, nhưng một số nội dung, lĩnh vực hợp tác đã đạt được kết quả tích cực.

Trong công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, hai tỉnh đã duy trì trao đổi thường xuyên các đoàn công tác ở nhiều cấp độ; tích cực phối hợp, chia sẻ cho nhau những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong việc triển khai thực hiện các chỉ thị, Nghị quyết, quy định, hướng dẫn mới của Trung ương. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ và nhiều mặt công tác khác.

Trong hợp tác phát triển kinh tế, hai tỉnh đã có sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau ngày càng chặt chẽ. Cụ thể như tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ việc sản xuất và cung cấp cho Lào Cai một số loại giống ngô, lúa và cây trồng chất lượng cao; chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới. Tỉnh Lào Cai tích cực hỗ trợ tỉnh Thái Bình trong việc xúc tiến thương mại, kết nối thị trường để xuất khẩu nhiều mặt hàng mà địa phương có thế mạnh sang khu vực các tỉnh Tây Nam, Trung Quốc.

Về phối hợp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước phục vụ cải cách hành chính, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đặc biệt là xây dựng “Chiến lược dữ liệu tỉnh Lào Cai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm khai phá tiềm năng của dữ liệu để phục vụ tốt hơn cho hoạt động của các cơ quan chính quyền tỉnh, cung cấp dịch vụ thân thiện và hiệu quả hơn cho người dân và góp phần nâng cao năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, hướng đến thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số của tỉnh. Nâng cao hiệu quả hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng, hướng dẫn cho người dân sử dụng công nghệ số hiệu quả, việc ứng dụng công nghệ số phù hợp với từng địa phương để tạo ra giá trị và lợi ích thiết thực trong cuộc sống hằng ngày của người dân.

Quan hệ hợp tác Lào Cai - Thái Bình có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển của mỗi địa phương, sự phát triển của vùng, liên vùng, trực tiếp nhất chính là sự phát triển thịnh vượng của các tỉnh nằm trên hành lang kinh tế sông Hồng.

Với ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội to lớn đó, cùng với tình cảm nặng sâu đã được hình thành và phát triển trong suốt thời gian qua, việc nâng tầm và thúc đẩy quan hệ hợp tác Lào Cai - Thái Bình vừa là trách nhiệm, là quyết tâm chính trị, đồng thời cũng là nguyện vọng thiết tha của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân hai tỉnh có cùng chung một dòng sông, chung niềm khát vọng, và đang vững tin hướng tới tương lai phát triển giàu mạnh.

Thanh Thương

Tin Liên Quan

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).

Chuyển 46 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, thị xã khắc phục hậu quả thiên tai

Ban Vận động cứu trợ tỉnh vừa quyết định chuyển 46 tỷ đồng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý đến Ban Vận động cứu trợ các huyện, thị xã để khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3.

Câu lạc bộ Lào Cai 1 đứng thứ 5 chung cuộc Giải vô địch Taekwondo các câu lạc bộ quốc gia 2024

Chiều 18/9, tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh đã diễn ra Lễ bế mạc Giải vô địch Taekwondo các câu lạc bộ quốc gia - Cúp Đại sứ Hàn Quốc 2024.

Chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế do ảnh hưởng của thiên tai theo quy định của pháp luật về thuế

Để cùng chung tay kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế nhanh chóng khắc phục hậu quả sau mưa lũ, Cục Thuế tỉnh Lào Cai thông tin một số nội dung liên quan đến miễn, giảm, gia hạn nộp thuế do ảnh hưởng của thiên tai theo quy định của pháp luật về thuế (Căn cứ Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày...