"Mã đáo thành công" tới châu Phi

Mặc dù còn ngổn ngang nhiều vấn đề trên đường phát triển nhưng châu Phi từng được mệnh danh là "Lục địa vô vọng" đang sải những bước dài để tiến đên tương lai, tự biến mình trở thành "Lục địa của hy vọng".
 
Năm 2013, tăng trưởng GDP bình quân của châu Phi đạt 4,8%. Ngân hàng Phát triển châu Phi (AFDB) dự báo trong năm 2014, châu Phi sẽ đạt mức tăng trưởng 5,3%, tăng 05% so với năm 2013. Với 18 quốc gia (trong tổng số 54 quốc gia) đạt mức tăng trưởng trên 6% trong năm qua, châu Phi giờ đây đã trở thành điểm sáng tăng trưởng trong nền kinh tế toàn cầu. Mức tăng trưởng bình quân của châu Phi đã vượt qua cả châu Á.

Theo các chuyên gia kinh tế thế giới, nguyên nhân kinh tế châu Phi tăng trưởng nhanh trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi sau cuộc đại khủng hoảng là do châu lục này được hưởng lợi từ giá khoáng sản tăng suốt một thập kỷ qua và hiện vẫn còn đứng ở mức tương đối cao. Nhiều quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên ở lục địa đen đã đầu tư mạnh mẽ phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông, viễn thông và tài chính - ngân hàng là các mục tiêu được ưu tiên.

Năm 2013, bất chấp những khó khăn về kinh tế và xung đột bùng nổ, lan rộng ở một số quốc gia Bắc Phi, giới đầu tư đã đổ xô về đây và tạo lên sự bùng nổ các dự án lớn về hạ tầng tại châu lục này. Tháng 1/2013, quốc gia Đông Phi Kenya đã khởi động một dự án trị giá 14,5 tỷ USD xây dựng một thành phố công nghệ thông tin, được mệnh danh là "Thung lũng Savannah của châu Phi", cách thủ đô Nairobi 60 km. Với tiến trình xây dựng kéo dài 20 năm, được chia làm 4 giai đoạn, thành phố công nghệ này sẽ tạo ra 200.000 việc làm vào năm 2030.

Đến tháng 11/2013, Kenya cũng đã khởi công xây dựng một tuyến đường sắt trị giá 13,7 tỷ USD nối liền thành phố cảng Mombasa của nước này với Uganda, Rwanda và Nam Sudan, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2016. Dự án do Trung Quốc tài trợ này được xem là một bước đột phá trong công cuộc phát triển hạ tầng giao thông tại Đông Phi nói riêng và châu Phi nói chung, khi chi phí vận tải dự kiến sẽ giảm tới 60% so với hiện nay.

Trong khi đó, quốc gia giàu dầu mỏ Nigeria đạt mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2013 và có thể sớm "soán ngôi" đầu tàu kinh tế do Nam Phi đang nắm giữ, cũng đã bắt đầu khởi động một dự án đường sắt nhẹ Eko, trị giá 1,2 tỷ USD, kết nối khu vực thương mại Lagos với Okokomaiko. Còn tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Chính phủ nước này đã khởi động giai đoạn đầu tiên của tiến trình xây dựng con đập khổng lồ Inga với chi phí xây dựng lên tới 80 tỷ USD. Đập Inga này sẽ dài 15km, cao 205m, trải dài qua sông Congo. Sau khi hoàn thành, đập Inga sẽ cung cấp điện cho khoảng 500 triệu người trong khu vực. Nếu vượt qua được những thách thức về tài chính trong dài hạn, Đại Inga sẽ có thể đạt công suất tới 80.000 MW điện năng, vượt qua đập Tam Hiệp của Trung Quốc để trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới.


Tháng 5/2013, Ethiopia cũng đã bắt đầu khởi công công trình chuyển hướng dòng chảy của sông Nile Xanh để mở đường cho việc xây dựng đập thủy điện "Đại chấn hưng Ethiopia". Khi hoàn thành vào năm 2017, con đập trị giá 4,8 tỷ USD này sẽ cho công suất tối đa 6.000 MW điện năng.

Trong lĩnh vực viễn thông và tài chính - ngân hàng, châu Phi cũng đạt được những bước tiến lớn. Từ xuất phát điểm thấp nhất thế giới, giờ đây công nghệ di động đang tạo ra những "cơn sốt" tại nhiều nước trong châu lục. Hệ thống giao dịch di động được đánh giá là ứng dụng thành công nhất của châu Phi với 14% số người trưởng thành đã thực hiện các giao dịch ngân hàng thông qua điện thoại di động trong năm 2013, cao hơn nhiều so với mức trung bình 6% của cả thế giới. Đặc biệt, có tới 58% số người trưởng thành tại Kenya đã sử dụng dịch vụ này trong năm vừa qua.

Những thành tựu tiêu biểu này thể hiện sự tiến bộ tiếp theo và tham vọng lớn của một châu lục đang lấy lại tự tin và mong muốn đoạn tuyệt với quá khứ u ám. Tuy nhiên, công cuộc phát triển của châu Phi còn vấp phải không ít thách thức, trong đó nghiêm trọng nhất là các vấn đề liên quan đến quá trình cải cách thể chế, phân phối thu nhập thiếu công bằng, tình trạng tham nhũng và xung đột triền miên…Đây là những vấn đề được Liên minh châu Phi (AU) và các Chính phủ đặt thành mục tiêu ưu tiên trong các chương trình nghị sự.

Với việc phát hiện thêm một số nguồn tài nguyên thiên nhiên mới đây, trong đó có những mỏ khí đốt lớn và những nguồn nước ngầm khổng lồ, châu lục giàu tài nguyên thiên nhiên nhất thế giới và có dân số trẻ nhất thế giới đang bước vào năm mới 2014 với những niềm hy vọng "Mã đáo thành công" tới châu lục./.
(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Cảnh báo tác động “tàn khốc” của biến đổi khí hậu và xung đột đối với người nghèo

Biến đổi khí hậu và xung đột có nguy cơ làm lu mờ những nỗ lực cải thiện sức khỏe con người, trong khi thực tế các vấn đề này có mối liên hệ chặt chẽ không thể tách rời, Peter Sands, người đứng đầu Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét cho biết.

Đức nỗ lực ổn định thị trường lao động

Thiếu hụt lao động lành nghề là một trong những rủi ro kinh tế lớn nhất đối với nước Đức, gây lo ngại cho các doanh nghiệp. Việc áp dụng luật nhập cư lao động lành nghề mới của Đức được giới chuyên gia đánh giá cơ bản là tích cực, song vẫn còn nhiều phức tạp và là yếu tố khiến quốc gia này tụt...

Việt Nam tham gia Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024

Ngày 17/9, tại Trung tâm triển lãm Crocus Expo ở thủ đô Moskva, Liên bang Nga, đã diễn ra lễ khai mạc Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024.

Thế giới tuần qua: Thiên tai, dịch bệnh và những hệ lụy

Hàng triệu người ở Đông Nam Á đang phải đối mặt với tình trạng ngập lụt, thiệt hại về người và của sau khi siêu bão Yagi, cơn bão được đánh giá là lớn nhất châu Á trong năm 2024 đổ bộ. Bên cạnh đó, những diễn biến liên quan đến dịch bệnh đậu mùa khỉ (mpox) tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận...

Ấn tượng Việt Nam tại một trong những hội chợ du lịch và lữ hành lớn nhất thế giới

Ngày 17/9, Hội chợ du lịch quốc tế và Pháp IFTM Top Resa năm 2024 (Top Resa 2024) đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Quốc tế Versailles, Paris.

Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em

Theo nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates, tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay đang khiến cho "cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em" trở nên tồi tệ hơn.