Giàng A Cấu – chàng trai người Mông làm du lịch cộng đồng

Giàng A Cấu là người dân tộc Mông xã Hầu Thào (nay là xã Mường Hoa) thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Để có tiền phụ giúp gia đình, A Cấu rong ruổi theo mẹ đi bán hàng thổ cẩm trên thị trấn. Bằng sự nhạy bén trong tư duy, anh thấy khách “Tây” rất thích theo người Mông đi về bản để tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống thường ngày của họ. Từ đây, anh đã tìm ra cơ hội thoát nghèo cho gia đình.

Khu homestay của gia đình anh Giàng A Cấu.

Do ở xa trung tâm thị trấn Sa Pa, Hầu Thào khi đó còn rất ít du khách biết đến. Đến được Hầu Thào quãng đường phải trải qua khoảng 10 km, đường xá đi lại khó khăn nên khách du lịch còn thưa thớt. Tuy nhiên, nhận thấy tiềm năng du lịch của địa phương, nhất là với du khách quốc tế, A Cấu đã mạnh dạn triển khai mô hình homestay để đón khách. Anh gom góp vốn liếng tích lũy được của những tháng ngày đi “tua” và huy động các thành viên trong gia đình đầu tư xây dựng mô hình homestay. Anh chia sẻ: “Khi làm homestay này khó khăn, vất vả lắm. Vì mình không có nhiều tiền. Mình cứ làm dần, từng tí một thôi. Sau gần 4 năm, homestay của gia đình mới hoàn thành”.

Homestay nhộn nhịp đón khách.

Ban đầu chỉ là một nhà sàn với vài ba phòng cho du khách lưu trú qua đêm. Sau khách du lịch ngày càng nhiều hơn, nhất là du khách quốc tế. Họ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới nhưng nhiều nhất vẫn là du khách đến từ Pháp, Anh, Mỹ, Israel,…

Năm 2023, anh lại tiếp tục xây thêm 4 ngôi nhà nho nhỏ khép kín để đáp ứng tốt hơn nhu cầu nghỉ ngơi của du khách tại bản.

Anh Giàng A Cấu và gia đình trong khu homestay.

Chia sẻ về cái tên Mama lili’s homestay anh đặt cho homestay của gia đình, anh bảo: Nhờ có mẹ mà mình có ngày hôm nay. Mẹ chính là người dẫn dắt mình đến với du lịch. Mẹ ấm áp như ngôi nhà mỗi khi đi “tua” trở về. Du khách quốc tế cũng thường gọi mẹ bằng tên Mama lili như thế. Và mình quyết định lấy tên đó đặt cho khu homestay của gia đình.

Như thường lệ, từ sáng sớm, hai vợ chồng Giàng A Cấu và Lù thị Su lại chở nhau ra thị trấn đón khách về bản. Chị Su vợ anh cũng nói tiếng Anh như gió. Với chị, niềm vui khi làm nghề dẫn khách “Tây” đi thăm bản làng chính là được giao tiếp, tìm hiểu những nền văn hóa khác nhau trên thế giới, được tự hào chia sẻ với bạn bè quốc tế về bản sắc văn hóa, phong tục tập quán độc đáo của người Mông. Dẫu cuộc sống của người Mông nơi đây còn nhiều khó khăn, nhưng trên những gương mặt ấy vẫn luôn rạng rỡ nụ cười thân thiện và mến khách. Người Mông hiểu rằng chính bản sắc văn hóa độc đáo của họ đã và đang hấp dẫn du khách đến với mảnh đất này.

Buổi tối là thời điểm anh Cấu rất bận rộn với việc nghe điện thoại và chốt đặt phòng qua mạng. Người Mông như anh đã rất quen với việc du khách đặt phòng qua ứng dụng trực tuyến. Với giá phòng giao động từ 350k đến 500k/phòng đã mang đến nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh. Tháng cao điểm, homestay của Giàng A Cấu đón hàng trăm du khách với thu nhập khoảng 30-40 triệu đồng/tháng. Du lịch đã làm cho cuộc sống của những người Mông tại Hầu Thào ngày càng khởi sắc.

Phát triển mô hình du lịch cộng đồng đã đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ, có hộ thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Chỉ tính riêng năm 2023, các cơ sở lưu trú tại Mường Hoa đã đón 50 nghìn lượt khách du lịch, doanh thu đạt hơn 20 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho gần 300 lao động địa phương.

Gia đình anh Giàng A Cấu chụp ảnh với du khách.

Đứng trước khu homestay ngắm cảnh hoàng hôn yên bình, tuyệt đẹp của núi rừng, hít hà mùi thơm cỏ cây và tận hưởng không khí trong lành của bản làng vùng cao, là cảm giác vô vùng tuyệt vời trong chuyến đi về bản.

Hành trình 30 năm, bằng ý chí và quyết tâm, từ hai bàn tay trắng, giờ đây A Cấu 42 tuổi đã là chủ của khu homestay to đẹp ở bản. Ngắm nhìn cơ ngơi của chàng trai dân tộc Mông, tôi không khỏi ngỡ ngàng và thán phục. Đây là thành quả xứng đáng cho hành trình vượt khó, vươn lên thoát nghèo của anh Giàng A Cấu./.

Thu Hiền

Tin Liên Quan

Du khách bất ngờ trước tốc độ phục hồi của du lịch Sa Pa

Sa Pa, điểm đến du lịch nổi tiếng của miền Bắc, nhanh chóng “lấy đà” phục hồi sau bão nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng, doanh nghiệp, chính quyền địa phương.

Khách du lịch đến Sa Pa tăng 33,2% so với kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9/2023

Trong 4 ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 31/8 - 3/9), Lào Cai đón khoảng 196.500 lượt khách. Lượng khách du lịch đến các địa phương tăng nhẹ so với kỳ nghỉ 2/9/2023, riêng thị xã Sa Pa đón khoảng 122.770 lượt khách, tăng 33,2% so với kỳ nghỉ lễ 2/9/2023.

Lễ hội mùa Thu "Sa Pa - mùa vàng" 2024 hứa hẹn hàng loạt sự kiện hấp dẫn

Lễ hội mùa Thu Sa Pa 2024 không chỉ là dịp để du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của vùng cao mà còn là cơ hội để trải nghiệm những hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực hấp dẫn.

Nên đi đâu tại Lào Cai trong kỳ nghỉ lễ này?

Kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh mùng 2/9 đúng vào dịp thời tiết Lào Cai thuận lợi. Dự kiến những ngày nghỉ trời có nắng, phù hợp để du khách trải nghiệm các hoạt động ngoài trời, tận hưởng không khí đón mùa thu. Những ngày này, các địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch hấp dẫn để thu hút...

Lần đầu tiên tỉnh Lào Cai tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế

Với chủ đề “Du lịch Lào Cai - kết nối khát vọng xanh”, Hội chợ Du lịch Quốc tế Lào Cai năm 2024 (Laocai International Travel Mart – LITM 2024) sẽ được tổ chức từ ngày 7/11 đến ngày 10/11/2024 tại khu vực Quảng trường Đinh Lễ (thành phố Lào Cai).

Hoa dơn thóc rực rỡ khoe sắc trên đỉnh Fansipan

Kéo dài tới hết 30/8, Lễ hội hoa dơn thóc 2024 đang thu hút đông đảo khách du lịch tới đỉnh Fansipan với biển hoa trải dài từ độ cao hơn 3.000 m và hàng loạt hoạt động vui chơi hấp dẫn, mang đậm sắc màu văn hóa Tây Bắc.