Nét đẹp truyền thống của người Tày Bắc Hà

Sau những ngày lao động vất vả, người Tày ở các xã: Na Hối, Tà Chải, Bản Liền của huyện Bắc Hà lại nhộn nhịp chuẩn bị cho những ngày hội xuân.
 
Lễ hội xuân là một nét đẹp riêng trong sinh hoạt văn hóa của đồng bào Tày trên vùng “cao nguyên trắng”, được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc vốn có từ bao đời nay.
 
Rộn rã đêm hội xòe xuân

Từ thanh niên nam, nữ cho tới các cụ già trong các bản người Tày đều chuẩn bị cho mình những bộ áo, váy đẹp nhất để diện trong đêm hội xòe xuân. Năm nay, nhờ lao động sản xuất thuận lợi, gia đình chị Lùng Thị Hồng, thôn Na Hối Tày, xã Na Hối đã bớt khó khăn hơn, chị Hồng cho biết: Lễ hội mỗi năm tổ chức một lần với nhiều hoạt động vui chơi, ca hát. Trong không khí của mùa xuân, chị đã chuẩn bị cho mình một bộ trang phục đẹp, đặc trưng của dân tộc Tày để cùng chị em trong thôn, xã tham dự lễ hội trong niềm vui tươi của ngày xuân mới.
 

Các cô gái Tày trong điệu múa xòe quạt độc đáo.

Đã thành thông lệ, bắt đầu từ tối Mồng 3 Tết, không ai bảo ai, mọi người đều nô nức kéo nhau đến khu có sân rộng trong xã để tổ chức hội xòe. Hội xòe của người Tày nơi đây rất đặc biệt bởi hội không chỉ được tổ chức trong 1 ngày mà vào tất cả các buổi tối, từ ngày Mùng 3 cho đến hết ngày 13 tháng Giêng. Hội xòe là nơi để người dân được vui chơi, quên đi những vất vả trong lao động thường ngày, nơi các đôi nam, nữ làm quen, tìm hiểu và kết duyên vợ chồng.

Đêm xòe với những vũ điệu độc đáo như xòe đập lúa, xòe chiêng, xòe đôi… mỗi nhịp xòe đều mang một ý nghĩa riêng. Xòe đập lúa, mọi người cùng cầm tay nhau kết lại thành vòng tròn lớn, tạo sự đoàn kết vui vẻ, ấm cúng. Xòe chiêng, tất cả cùng xếp thành hàng vừa đi vừa nhảy những bước rộn ràng. Còn xòe đôi, từng đôi nam, nữ cầm tay nhau bước nhịp nhàng theo điệu nhạc của tiếng trống, tiếng chiêng, tạo nên sự thân mật, gần gũi. Bên cạnh đó, các cô gái trẻ trong bản Tày còn biểu diễn nhiều điệu múa hấp dẫn như điệu múa xòe nón, xòe quạt, xòe kết sao dịu dàng, uyển chuyển để làm duyên.

Trong đêm hội xòe, nét mặt ai cũng tươi cười, hồ hởi, say trong tiếng trống, tiếng chiêng, bị cuốn hút vào vòng xòe, cùng nối rộng vòng xòe xích lại gần nhau, quây quần, vui tươi.

Tưng bừng ngày hội xuống đồng

Kết thúc hội xòe, người Tày các thôn, bản lại cùng nhau họp mặt để chuẩn bị cho lễ hội quan trọng nhất trong năm. Đó là, Lễ hội Xuống đồng (hay Lễ hội Lồng tồng) được tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn.

Ông Vàng Văn Sương, người được xem là pho sử sống về văn hóa lễ hội của người Tày ở Bắc Hà, cho biết: Tương truyền xưa kia, người dân tộc Tày ở đây sinh sống chủ yếu dự vào sản xuất nông nghiệp, nhưng rồi vào một năm nọ thiên tai xảy ra, tất cả mùa màng đều bị mất trắng. Người dân trong làng đã cùng nhau góp một mâm cơm để cúng thần linh, cầu thiên tai qua mau, mùa màng tốt tươi. Chẳng biết có phải lời cầu xin của dân làng đã linh ứng tới các vị thần hay không, nhưng năm ấy lúa, ngô đều được mùa. Người dân mở hội ăn mừng, trong tiếng chiêng, tiếng trống vang rộn và không khí tưng bừng, náo nhiệt. Thế là hội xòe, hội xuống đồng cùng các làn điệu xòe độc đáo của người Tày ra đời từ đó và trở thành một nét đẹp văn hóa, phản ánh phong tục, tập quán sinh hoạt, lao động sản xuất của đồng bào Tày nơi đây.
 


Cùng tham gia trò chơi ném còn.

Phần lễ được tổ chức trong không khí nghiêm trang, trước khi vào lễ chính là lễ rước đất, rước nước. Đất được chọn ở những vùng đất màu mỡ, nước được lấy ở mạch nguồn trong mát ở địa phương. Lễ rước đất, rước nước do các chàng trai, cô gái được chọn lựa ở các làng đảm nhiệm, người được chọn là người chăm chỉ, chịu thương chịu khó trong lao động sản xuất tại địa phương. Bên rừng mận Tam hoa nở trắng, mọi người tập trung quanh những mâm lễ cúng là sản vật địa phương do chính bàn tay lao động của đồng bào làm ra dâng lên các vị thần đất, thần nước, báo cáo thành quả sau một năm lao động sản xuất.

Sau hồi làm lễ, người chủ hội sẽ chia đất và nước thành nhiều phần để các làng mang về, đất được rải trên đất nông nghiệp trong làng, nước được đưa về gia đình sử dụng, cầu mong đất mới, nước mới mang lại một năm may mắn, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người dân trong làng có sức khỏe.

Phần hội được mở đầu bằng các tiết mục văn nghệ đặc sắc của bà con như múa quạt, múa nón, hát then, nhảy sạp đến những trò chơi dân gian để lấy may như ném còn, ném én, đánh quay, đẩy gậy… Theo lý của người Tày, nếu ai chiến thắng trong các trò chơi thì người đó sẽ là người gặp nhiều may mắn nhất trong năm mới.

Lễ hội Xuống đồng với một không khí vui tươi, phấn khởi, là dịp để người Tày các làng, bản, cùng gặp gỡ trò chuyện, giao lưu học hỏi kinh nghiệm trong lao động, thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất nông - lâm nghiệp trong dịp đầu xuân. Sau những ngày hội vui vẻ đầu xuân, người Tày Bắc Hà lại cùng nhau ra đồng ruộng, thi đua lao động sản xuất vụ mùa đầu tiên của năm mới.

Khi những hạt giống mới nảy mầm cũng là lúc người dân trong làng tổ chức lễ cúng thần rừng, thần núi, mong cho mùa màng của nhân dân trong vùng luôn được bảo vệ. Đây cũng là lễ để kết thúc những lễ hội xuân, người dân trong vùng yên tâm tập trung vào lao động sản xuất, hướng tới một năm mới với nhiều thắng lợi./.
(Theo baolaocai.vn)

Tin Liên Quan

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.