Hương sắc chè Tả Thàng

Thú du xuân dẫn bước chúng tôi gặp những miền đất vùng cao Mường Khương. Như là một cơ duyên, chúng tôi hướng về Tả Thàng, rẻo đất xa xôi nhất của huyện khi trong lòng còn nguyên câu giới thiệu ngọt ngào của người bạn hữu: “Lên Tả Thàng đi em, hương chè cổ thụ vấn vít lắm”.
 
Tả Thàng trong một sớm đầu năm, cái lạnh len lỏi vào từng chân tóc, sương mù đặc quánh che tầm nhìn. Chúng tôi đi giữa lòng Tả Thàng như thế, giữa giá lạnh của tiết trời vùng cao để dần nhận ra sự công bằng của tạo hóa khi bù đắp cho Tả Thàng những hương vị rất riêng. Đó là sắc hồng, sắc trắng của đào, của mận, sắc vàng của những dải hoa dã quỳ và thoắt hiện trong màn sương mù là sắc váy, áo sặc sỡ của những cô gái miền sơn cước đang ngân vang những giai điệu trữ tình í a.

Ngày xuân là ngày vui, người Tả Thàng đón tết, đón khách bằng bát nước trà xanh quê hương mà vẫn ấm tình. Những cây chè trên núi Tả Thàng có từ lâu lắm, những người cao tuổi nhất ở đây đã thừa nhận điều đó. Người dân Tả Thàng tắm nước lá chè cổ thụ mà lớn lên, uống nước chè để thêm sức khỏe lên nương, thêm cảm hứng để múa những điệu khèn đẹp hơn.
 

Trên những vạt đồi của tất cả các thôn Bản Phố, Xì Khà Lá, Suối Dí Phìn, Cán Cấu hay Sín Chải... chè cổ thụ sừng sững quần tụ. Cây chè cổ thụ Tả Thàng khí phách lắm, ngày đêm “hát” lên những bản tình ca giữa nắng, gió như tinh thần của người dân nơi đây vậy. Những cây chè là món quà mà thiên nhiên ban tặng cho đất và người Tả Thàng, là tài sản quý được cộng đồng người Mông nơi đây trân trọng, gìn giữ và cùng nhau hưởng thụ.

Những cây chè cổ thụ mọc tập trung thành rừng, thân chè to nhất đến mức vòng tay người lớn ôm không xuể. Trải qua bao năm tháng, dấu vết của thời gian in hằn trên những thân cây to xù xì, rêu phong, địa y dày trên những thân chè cổ thụ. Trên đất Tả Thàng, chè cổ thụ lớn lên trong mát mẻ mùa hè và vượt qua giá lạnh mùa đông nên hương chè cổ thụ Tả Thàng thật đặc biệt. Một ấm chè Tả Thàng có thể dùng qua 4 - 5 lượt nước mới hết vị đậm. Nước chè tươi có màu xanh nâu, vị thanh, ngọt, mát và hương thơm dịu mà chẳng kém nồng nàn. Chè khô được người dân chế biến thủ công, búp chè được đưa lên chảo sao cho héo rồi đem phơi. Khi chè đã khô sẽ được nhồi vào các ống nứa nút chặt bằng lá chuối khô rồi xếp cẩn thận lên gác bếp, chè càng để lâu uống càng có vị đậm. Thưởng chè Tả Thàng là thấy vị ngọt lưu lại đầu lưỡi, tỏa hương thơm từ chén nước chè nóng hổi, vấn vít.

Chè cổ thụ Tả Thàng gắn bó với cuộc sống của người dân. Ấm nước chè xanh bên bếp lửa mỗi buổi sớm để đi làm nương bớt phần mệt nhọc. Những cây chè cổ thụ đã bao bọc cho cuộc sống của nhiều thế hệ những người dân Tả Thàng, rừng chè chống xói mòn, lở đất, lũ ống, lũ quét. Những em bé lớn trên lưng mẹ, được mẹ đặt nằm ngủ ngoan dưới những tán chè, tắm bằng nước chè tươi Tả Thàng là hết mọi rôm sẩy. Nhiều bậc cao niên ở Tả Thàng đã ngoại 80 nhưng còn minh mẫn lắm, da dẻ hồng nhuận, giọng nói trầm vang, tất cả đều là nhờ uống nước chè xanh.

Khách quý tới Tả Thàng được thiết đãi nồng hậu bằng ấm chè ngon, quà biếu mà khách được nhận cũng giản dị là bó chè xanh hay ống chè vốn cất trên gác bếp. Tình cảm của người dân Tả Thàng giống như hương chè cổ thụ, ngọt ngào và nồng ấm. Chè cổ thụ Tả Thàng “hữu xạ tự nhiên hương” bởi nó đã thành hàng hóa, là đặc sản được phổ biến ở nhiều nơi.

Người Tả Thàng vốn gắn bó với cây ngô, cây lúa và giờ đây, bên những cây chè cổ thụ, họ đang gieo thêm mầm sống mới cho những cây chè. Một mùa xuân mới lại về, chè cổ thụ Tả Thàng thêm một tuổi, chè càng thêm tuổi càng hấp thụ nhiều tinh túy của thiên nhiên đất trời để hương vị thêm đậm đà./.
(Theo baolaocai.vn)

Tin Liên Quan

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.