Lào Cai: Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch

Trước xu thế phát triển chung của ngành du lịch và yêu cầu từ thực tiễn, việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lực du lịch là yêu cầu cấp bách đối với Lào Cai trong tình hình hiện nay.

Trước khi xảy ra dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng về phát triển nguồn nhân lực du lịch của Lào Cai giai đoạn 2016 - 2019 đạt tới 42,2%/năm, theo đó nếu năm 2016 số lượng lao động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn Lào Cai mới là 9.100 người trong đó có 3.500 lao động trực tiếp, thì đến năm 2019, con số đó đã là 32.000, chiếm tới 6,9% số lao động trong độ tuổi của toàn tỉnh với 14.500 lao động trực tiếp, 17.500 lao động gián tiếp.

Sau khi xảy ra dịch Covid - 19, tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch giảm mạnh, đến năm 2022 số lao động trong lĩnh vực du lịch giảm gần 60% so với năm 2019 (có 8.500 lao động trực tiếp và 4.500 lao động gián tiếp). Năm 2023, nguồn nhân lực du lịch đã có sự tăng trưởng, phục hồi đạt khoảng 28.600 lao động, trong đó có 13.600 lao động trực tiếp đang làm việc trong lĩnh vực du lịch và khoảng 15.000 lao động gián tiếp. Lao động trong lĩnh vực du lịch tăng nhưng không đáng kể, tình trạng thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực du lịch hiện nay là rất lớn. Ngành du lịch Lào Cai đang thiếu hụt lao động một cách nghiêm trọng.

Tập huấn du lịch nông thôn huyện Bảo Yên (ngày 21/10/2023).

Đề án số 03-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về “Phát triển văn hóa, du lịch tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025” và Quyết định số 2626/QĐ-UBND ngày 04/11/2022 của UBND tỉnh Lào Cai ban hành “Khung chiến lược phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050”, mục tiêu đến năm 2025 Lào Cai đón 10 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 44.760 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, thì nguồn nhân lực du lịch đến năm 2025 cần khoảng 40.000 - 42.000 lao động trong lĩnh vực du lịch (trong đó 18.000 lao động trực tiếp, 24.000 lao động gián tiếp). Từ nay đến năm 2025, nhân lực cho lĩnh vực du lịch còn thiếu khoảng 13.500 lao động. Một số dịch vụ du lịch, loại hình du lịch mới đang thiếu nhân lực để vận hành như du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch sự kiện (Mice), nghỉ dưỡng, ăn uống,...

Để đạt mục tiêu này, trong năm 2023, ngành Du lịch đã phối hợp với Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; Hiệp hội du lịch tỉnh; các địa phương và các cơ sở đào tạo tổ chức gần 14 cuộc hội thảo, hội nghị, tập huấn, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ quản lý và cập nhật kiến thức chuyên môn (Nội dung: phổ biến và áp dụng bộ tiêu chuẩn năng lực chung trong ASEAN về ngành du  lịch, công tác bảo vệ tài nguyên du lịch, thống kê du lịch và kỹ năng dự báo thị trường khách du lịch, nghiệp vụ lễ tân, kỹ năng giao tiếp, phục vụ trong nhà hàng, khách sạn dịch vụa ăn uống, nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch,…) cho các hướng dẫn viên, các cán bộ quản lý, nhân viên đang tham gia hoạt động trong lĩnh vực du lịch, với số lượng trên 1.000 lượt người lao động.

Lào Cai phấn đấu đón 10 triệu lượt khách du lịch vào năm 2025.

Để nguồn nhân lực ngành du lịch từng bước phục hồi và sớm khởi sắc nội lực trở lại trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, gắn với việc vận dụng những lợi thế cạnh tranh mang lại cơ hội phát triển nguồn nhân lực của tỉnh trong giai đoạn sắp tới, cần có nhiều giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch Lào Cai:

Một là, ưu tiên nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, có chế độ ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực du lịch có trình độ về công tác tại tỉnh Lào Cai; xây dựng và triển khai Tổ chức đào tạo kỹ năng nghề du lịch theo chương trình hợp tác với Vùng Nouvelle Aquitaine (CH Pháp) và Bộ tiêu chuẩn năng lực chung trong ASEAN về nghề Du lịch (ACCSTP), chương trình du lịch chung ASEAN (CATC) theo thoả thuận nghề du lịch giữa các nước ASEAN (MRA-TP) nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030 có 60% lao động được đào tạo kỹ năng nghề du lịch để đảm bảo phát triển nghề nghiệp du lịch bền vững.

Hai là, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai liên kết với các cơ sở đào tạo du lịch và tăng cường hoạt động đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của chính doanh nghiệp mình.

Ba là, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt của phụ nữ và người dân tộc thiểu số vào hoạt động du lịch, dần tiến tới xã hội hóa phát triển nguồn nhân lực phổ thông tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bốn là, cần phải có chính sách và cơ chế nhằm gắn kết giữa ba (03) nhà: Nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp. Chú trọng đến việc đảm bảo sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân lực có chất lượng cho ngành du lịch. Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn giáo viên giảng dạy về du lịch v.v… nên  có một cơ chế đặc thù cho việc đào tạo về du lịch như dành nhiều chỉ tiêu đào tạo về du lịch ở nước ngoài.

Năm là, nâng cao chất lượng các cở sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh (Trường Cao đẳng Lào Cai, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai, các Trung tâm Giáo dục dạy nghề, ….), đẩy mạnh việc đào tạo thực hành nghề du lịch và đào tạo kỹ năng nghề du lịch theo tín chỉ, theo modul gắn với nhu cầu doanh nghiệp. Ngoài ra, cần tăng cường công tác đào tạo kỹ năng như: kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, sáng tạo, dịch vụ khách hàng v.v… để người lao động có thể tự tin, chủ động phát huy được khả năng của mình trong môi trường hội nhập.

Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch sẽ góp phần tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của hoạt động du lịch, đẩy nhanh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Lào Cai. Để làm được điều này, việc thực hiện đồng bộ các mặt từ đề ra cơ chế chính sách, thành lập cơ quan chuyên trách, xây dựng mạng lưới các cơ sở đào tạo du lịch, nâng cao trình độ chuyên môn cho giảng viên, hoàn thiện khung chương trình đào tạo, phát triển cơ sở vật chất trong đào tạo du lịch,… là rất cần thiết. Có như vậy việc phát triển hoạt động du lịch tại Lào Cai mới đảm bảo đựơc tính bền vững và đạt được những mục tiêu đề ra, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

 

Nhật Minh

Tin Liên Quan

Du khách bất ngờ trước tốc độ phục hồi của du lịch Sa Pa

Sa Pa, điểm đến du lịch nổi tiếng của miền Bắc, nhanh chóng “lấy đà” phục hồi sau bão nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng, doanh nghiệp, chính quyền địa phương.

Khách du lịch đến Sa Pa tăng 33,2% so với kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9/2023

Trong 4 ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 31/8 - 3/9), Lào Cai đón khoảng 196.500 lượt khách. Lượng khách du lịch đến các địa phương tăng nhẹ so với kỳ nghỉ 2/9/2023, riêng thị xã Sa Pa đón khoảng 122.770 lượt khách, tăng 33,2% so với kỳ nghỉ lễ 2/9/2023.

Lễ hội mùa Thu "Sa Pa - mùa vàng" 2024 hứa hẹn hàng loạt sự kiện hấp dẫn

Lễ hội mùa Thu Sa Pa 2024 không chỉ là dịp để du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của vùng cao mà còn là cơ hội để trải nghiệm những hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực hấp dẫn.

Nên đi đâu tại Lào Cai trong kỳ nghỉ lễ này?

Kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh mùng 2/9 đúng vào dịp thời tiết Lào Cai thuận lợi. Dự kiến những ngày nghỉ trời có nắng, phù hợp để du khách trải nghiệm các hoạt động ngoài trời, tận hưởng không khí đón mùa thu. Những ngày này, các địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch hấp dẫn để thu hút...

Lần đầu tiên tỉnh Lào Cai tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế

Với chủ đề “Du lịch Lào Cai - kết nối khát vọng xanh”, Hội chợ Du lịch Quốc tế Lào Cai năm 2024 (Laocai International Travel Mart – LITM 2024) sẽ được tổ chức từ ngày 7/11 đến ngày 10/11/2024 tại khu vực Quảng trường Đinh Lễ (thành phố Lào Cai).

Hoa dơn thóc rực rỡ khoe sắc trên đỉnh Fansipan

Kéo dài tới hết 30/8, Lễ hội hoa dơn thóc 2024 đang thu hút đông đảo khách du lịch tới đỉnh Fansipan với biển hoa trải dài từ độ cao hơn 3.000 m và hàng loạt hoạt động vui chơi hấp dẫn, mang đậm sắc màu văn hóa Tây Bắc.