Nỗ lực thực hiện các giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số

Với nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, từ năm 2021 đến nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai không xảy ra trường hợp hôn nhân cận huyết thống và tình trạng tảo hôn có xu hướng giảm.

Lào Cai đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số cấp tỉnh với 23 thành viên, trong đó đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, thành viên là lãnh đạo của một số sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Ở UBND cấp huyện và UBND cấp xã cũng đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

Ban chỉ đạo các cấp đã có nhiều giải pháp để triển khai thực hiện trong đó chú trọng vào công tác tuyên truyền vận động Nhân dân chấp hành Luật Hôn nhân và gia đình trong việc kết hôn đủ, đúng độ tuổi với nhiều hình thức phong phú và dễ hiểu do đó nhận thức của đại đa số người dân về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã được nâng lên. Nội dung tuyên truyền, phổ biến tập trung về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Đề án, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Việc tuyên truyền được thực hiện trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; Báo Lào Cai; hệ thống truyền thanh của huyện, xã; các buổi sinh hoạt cộng đồng tại thôn, bản, tổ dân phố; giờ học ngoại khóa của các trường học THCS, THPT...

Tuyên truyền ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Từ năm 2021 đến tháng 6/2023, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức 4.371 buổi tuyên truyền cho 327.519 lượt cán bộ thôn, người có uy tín, thanh niên, phụ nữ, học sinh, người dân. Tổ chức 366 hội nghị tập huấn/6.310 lượt người về bồi dưỡng kiến thức kỹ năng tư vấn, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi hành vi về hôn nhân, cải tạo phong tục tập quán về hôn nhân gắn với bình đẳng giới. In phát hành hơn 31.000 tờ rơi, xây dựng 1.212 pa nô, áp phích về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Kết quả đã tuyên truyền, vận động thành công 512 trường hợp có ý định tảo hôn trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh thực hiện khảo sát và xây dựng mới 17 mô hình điểm can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã có nhiều người tảo hôn với trên 3.000 thành viên tham gia như: “Bộ đội Biên phòng đồng hành cùng bà con thôn bản nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”; “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; “Tổ phụ nữ không có con tảo hôn”; “Thanh thiếu niên nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”; “Cha mẹ đồng hành cùng con cái nói không với tảo hôn”; “Chống tảo hôn”, “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ em gắn với hôn nhân gia đình”;… Cấp huyện, cấp xã xây dựng 70 mô hình; các xã duy trì thực hiện 199 mô hình điểm. Các mô hình, câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt định kỳ theo quy chế xây dựng; thường xuyên cập nhật kiến thức mới, phối hợp tổ chức tuyên truyền các nội dung thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Với nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, từ năm 2021 đến nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai không xảy ra trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Theo Báo cáo của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, qua giám sát cho thấy tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh những năm gần đây có xu hướng giảm (năm 2021 có 201 người, năm 2022 có 165 người, 6 tháng đầu năm 2023 có 58 người) nhưng chưa bền vững; tảo hôn vẫn còn xảy ra ở các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2021 đến tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh có 1.626 trường hợp phụ nữ người dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con lần đầu và 424 người tảo hôn (139 nam, 285 nữ), chiếm 4,41% số người dân tộc thiểu số kết hôn. Trong đó dân tộc Mông có tỷ lệ tảo hôn cao nhất, chiếm hơn 86%; dân tộc Dao 7,31%; dân tộc Nùng 3,77%; các dân tộc khác chiếm 2,6%. UBND cấp xã đã xử phạt vi phạm hành chính 62 vụ với số tiền 93,5 triệu đồng; khởi tố 04 vụ.

Thành viên các tổ tuyên truyền thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với chị em phụ nữ.

Tình trạng tảo hôn, phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con… xảy ra chủ yếu ở địa bàn các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã để lại hệ lụy cho cả gia đình và xã hội, là trở lực ngăn cản nâng cao chất lượng dân số của địa phương. Do đó để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương cần đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức; lựa chọn đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động. Trong đó xây dựng các video phóng sự phản ánh thực trạng, hậu quả của tảo hôn bằng tiếng dân tộc, các khẩu hiệu (băng rôn), tờ rơi, pa nô, bảng tuyên truyền (áp phích) có thiết kế các hình ảnh nêu bật lên tác hại, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống với ngôn ngữ đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu để giúp người dân nâng cao nhận thức. Đồng thời phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, các tổ chức đoàn thể ở xã, thôn bản, chiến sỹ biên phòng... trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào công tác tuyên truyền, vận động.

Hiện tại, Lào Cai đang tích cực triển khai Tiểu dự án 2: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thuộc Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn (Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025). Tỉnh quan tâm, bố trí, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; triển khai, thực hiện tốt các chính sách dân tộc, trong đó có Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”. Quan tâm bố trí kinh phí cho Ban Chỉ đạo cấp xã thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn trên địa bàn.

Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan của tỉnh đối với UBND các huyện, thành phố, thị xã trong quá trình triển khai thực hiện phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Tổ chức mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên dân số ở cơ sở. Phối kết hợp với các nhóm hội đoàn thể, các tổ tư vấn... tại các thôn bản triển khai bản cam kết của các gia đình để ngăn chặn tình trạng kết hôn sớm khi chưa đủ tuổi. Tiếp tục nhân rộng các mô hình, điển hình có hiệu quả trong phòng, chống tảo hôn, phát huy vai trò ý thức tự giác của người dân trong giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn.

Ngành Giáo dục tuyên truyền khuyến khích các đơn vị trường học phối hợp tổ chức hội thi, ngày hội tuyên truyền, tìm hiểu pháp luật về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới… Phối hợp mời cán bộ của Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình, giáo viên giảng dạy môn sinh học, cán bộ y tế trường đến bổ trợ kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên nhằm giúp cho học sinh có thêm nhận thức về hậu quả, nguyên nhân, cách phòng chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình. Tổ chức khen thưởng, biểu dương kịp thời những đơn vị, cá nhân có thành tích trong thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành đã và đang tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và đồng thuận cao trong Nhân dân. Từ đó, từng bước ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh./.

Lâm Tú

Tin Liên Quan

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).

Chuyển 46 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, thị xã khắc phục hậu quả thiên tai

Ban Vận động cứu trợ tỉnh vừa quyết định chuyển 46 tỷ đồng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý đến Ban Vận động cứu trợ các huyện, thị xã để khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3.