Ưu tiên giải quyết tình trạng nghèo đói, hỗ trợ nhân đạo, chung tay vì thế hệ trẻ

Các tổ chức quốc tế bày tỏ lo ngại về tình trạng nghèo đói, không được đến trường, di cư không an toàn… vẫn bủa vây hàng trăm triệu trẻ em trên khắp thế giới. Họ kêu gọi chính phủ các nước nỗ lực, chung tay vì thế hệ tương lai của nhân loại.

Qũy Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Ngân hàng Thế giới (WB) mới công bố báo cáo cho thấy, đại dịch Covid-19 đã làm chậm tiến độ hỗ trợ trẻ em thoát nghèo, với 333 triệu trẻ trên toàn thế giới vẫn đang sống trong cảnh đói nghèo cùng cực. Nỗ lực giúp các em thoát cảnh nghèo đói bị ảnh hưởng và chậm lại so với kế hoạch, khiến 17% số trẻ em trên thế giới phải sống tạm bợ qua ngày.

Giám đốc điều hành UNICEF, bà Catherine Russell cho biết, Covid-19, xung đột, biến đổi khí hậu và các cú sốc kinh tế đã làm chậm tiến độ xóa đói nghèo của thế giới, khiến hàng triệu trẻ em sống trong cảnh nghèo cùng cực. Thực tế này là thách thức đối với mục tiêu của Liên hợp quốc là đến năm 2023 sẽ xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nghèo đói cùng cực ở trẻ em.

Đại dịch Covid-19 đã làm chậm tiến độ hỗ trợ trẻ em thoát nghèo, với 333 triệu trẻ trên toàn thế giới vẫn đang sống trong cảnh đói nghèo cùng cực. Nỗ lực giúp các em thoát cảnh nghèo đói bị ảnh hưởng và chậm lại so với kế hoạch, khiến 17% số trẻ em trên thế giới phải sống tạm bợ qua ngày.

Quan chức cấp cao của WB, ông Lopez Calva bày tỏ lo ngại về thực trạng 333 triệu trẻ em sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực, không chỉ bị tước đoạt những nhu cầu cơ bản mà còn cả phẩm giá, cơ hội và tương lai.

Khu vực phía nam sa mạc Sahara của châu Phi hiện là "vùng trũng" nhất thế giới về bảo đảm an sinh xã hội cho trẻ em. Theo số liệu thống kê của UNICEF, cứ 100 trẻ em ở Nam Sahara thì có tới 40 em đang ở trong tình trạng nghèo đói cùng cực. Những năm gần đây, hàng loạt tác động tiêu cực như dân số tăng nhanh, dịch Covid-19 hoành hành, xung đột, biến đổi khí hậu… đã làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói cùng cực ở trẻ em tại khu vực này.

Không chỉ sống trong tình trạng nghèo đói, hàng triệu trẻ em còn không được hưởng quyền cơ bản là được đến trường.

Theo số liệu thống kê của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), có tới hơn một nửa trong tổng số 14,8 triệu trẻ em tị nạn trong độ tuổi đến trường trên thế giới không được đi học.

Người phát ngôn UNHCR William Spindler cho biết, Báo cáo Giáo dục người tị nạn của UNHCR năm 2023 chỉ rõ, tính đến cuối năm 2022, số người tị nạn trong độ tuổi đi học đã tăng gần 50% so với con số 10 triệu người một năm trước đó.

Theo số liệu thống kê của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), có tới hơn một nửa trong tổng số 14,8 triệu trẻ em tị nạn trong độ tuổi đến trường trên thế giới không được đi học.

Theo đại diện UNHCR, với một phần năm số người tị nạn sống ở 46 quốc gia kém phát triển nhất thế giới và hơn ba phần tư sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, chi phí giáo dục đang trở thành gánh nặng cho nhóm người nghèo dễ bị tổn thương.

Trước hiện trạng này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, trên thế giới hiện có 224 triệu trẻ em và thanh thiếu niên cần được hỗ trợ giáo dục khẩn cấp vì các cuộc khủng hoảng như xung đột, dịch bệnh, thiên tai, trong đó khoảng 72 triệu em đang không được hưởng quyền đến trường.

Tình trạng trẻ em di cư ngày càng gia tăng cũng được các tổ chức quốc tế lên tiếng cảnh báo. UNICEF nhấn mạnh số trẻ em ở khu vực Mỹ Latin và Caribe rời bỏ đất nước đang ở mức cao chưa từng thấy.

Theo UNICEF, chỉ trong vòng sáu tháng đầu năm 2023, có tới 40.000 trẻ em đã phải liều lĩnh băng qua khu rừng Darien đầy nguy hiểm, ngăn cách giữa Trung và Nam Mỹ để trốn tránh bạo lực băng nhóm, bất ổn, nghèo đói và thiên tai hoành hành tại quê hương các em. Con số này bằng cả năm 2022 và tăng vọt so với mức 29.000 của năm 2021.

Báo cáo còn cho thấy, trẻ em chiếm 25% tổng số người di cư Mỹ Latin và Caribe, tương đương khu vực Nam Sahara và cao hơn nhiều so với mức 13% trên toàn thế giới. Giám đốc UNICEF phụ trách Mỹ Latin và Caribe, ông Garry Conille cảnh báo trong hành trình tới "miền đất hứa", trẻ em phải đối mặt nhiều hiểm họa khó lường như bệnh tật, bị lạm dụng, thậm chí cả mạng sống của chính các em.

Các tổ chức quốc tế kêu gọi các quốc gia ưu tiên giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em, thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhân đạo mạnh mẽ hơn và áp dụng các biện pháp hiệu quả, trong đó có mở rộng các chương trình phúc lợi xã hội nhằm bảo vệ quyền lợi và tương lai của trẻ em.

https://nhandan.vn/uu-tien-giai-quyet-tinh-trang-ngheo-doi-ho-tro-nhan-dao-chung-tay-vi-the-he-tre-post772576.html

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Cảnh báo tác động “tàn khốc” của biến đổi khí hậu và xung đột đối với người nghèo

Biến đổi khí hậu và xung đột có nguy cơ làm lu mờ những nỗ lực cải thiện sức khỏe con người, trong khi thực tế các vấn đề này có mối liên hệ chặt chẽ không thể tách rời, Peter Sands, người đứng đầu Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét cho biết.

Đức nỗ lực ổn định thị trường lao động

Thiếu hụt lao động lành nghề là một trong những rủi ro kinh tế lớn nhất đối với nước Đức, gây lo ngại cho các doanh nghiệp. Việc áp dụng luật nhập cư lao động lành nghề mới của Đức được giới chuyên gia đánh giá cơ bản là tích cực, song vẫn còn nhiều phức tạp và là yếu tố khiến quốc gia này tụt...

Việt Nam tham gia Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024

Ngày 17/9, tại Trung tâm triển lãm Crocus Expo ở thủ đô Moskva, Liên bang Nga, đã diễn ra lễ khai mạc Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024.

Thế giới tuần qua: Thiên tai, dịch bệnh và những hệ lụy

Hàng triệu người ở Đông Nam Á đang phải đối mặt với tình trạng ngập lụt, thiệt hại về người và của sau khi siêu bão Yagi, cơn bão được đánh giá là lớn nhất châu Á trong năm 2024 đổ bộ. Bên cạnh đó, những diễn biến liên quan đến dịch bệnh đậu mùa khỉ (mpox) tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận...

Ấn tượng Việt Nam tại một trong những hội chợ du lịch và lữ hành lớn nhất thế giới

Ngày 17/9, Hội chợ du lịch quốc tế và Pháp IFTM Top Resa năm 2024 (Top Resa 2024) đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Quốc tế Versailles, Paris.

Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em

Theo nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates, tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay đang khiến cho "cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em" trở nên tồi tệ hơn.