Khát vọng hòa bình

Dù ở bất cứ nơi đâu trên địa bàn tỉnh, đồng bào các dân tộc thiểu số đều quyết tâm vượt khó, vươn lên trong cuộc sống, mong muốn vượt ra khỏi nghèo nàn, không muốn giữ mãi cái mác “lạc hậu”. Quyết tâm ấy, chúng tôi được chứng kiến tại một thôn vùng cao mang tên Hòa Bình (xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai).

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân đến thôn Hòa Bình là cuộc sống ấm no, với nhiều nhà xây cao tầng, thậm chí là biệt thự chẳng khác nào chốn phố thị. Trong khi hầu hết các thôn ở xã Sán Chải có cái tên đậm chất văn hóa đồng bào dân tộc Mông như Seo Khái Hóa, Sín Hồ Sán, Lù Dì Sán thì thôn Hòa Bình lại có cái tên rất giống miền xuôi. Tò mò về cái tên, chúng tôi tìm gặp anh Giàng Seo Sủ, Bí thư Chi bộ - Trưởng thôn Hòa Bình, anh cười bảo: Thôn này vẫn còn non trẻ, mới thành lập được hơn 2 năm trên cơ sở sáp nhập từ 2 thôn là Hòa Sử Pan và Sán Cố Sủ.

2.jpg

Anh Sủ chia sẻ rằng đây là tên hoàn toàn mới, không phải ghép nghĩa từ 2 thôn cũ, đó là cả quá trình đắn đo, suy nghĩ, họp dân để bàn, thống nhất. Cuối cùng, bằng ý chí và phù hợp với nguyện vọng của mọi người, thôn Hòa Bình được thành lập mang ý nghĩa hòa hợp, sống bình yên, hạnh phúc và cùng đoàn kết, phát triển.

Anh Sủ chia sẻ ngắn gọn thông tin, thôn có 125 hộ, 100% là dân tộc Mông. Thôn có vị trí là trung tâm của xã với nhiều cơ quan, đơn vị đứng chân, có Tỉnh lộ 153 đi qua và là cửa ngõ vào thị trấn Si Ma Cai.

c3d1c1be98ea4db414fb.jpg

Anh Sủ vẫn còn nhớ sự quyết tâm của cán bộ, đảng viên và người dân thôn Hòa Bình những ngày đầu thành lập. Mọi người không bằng lòng với hiện tại mà mong muốn vươn xa hơn nữa, phát triển như những thôn vùng thấp của tỉnh. Quyết tâm là vậy nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, rất nhiều hộ, nhất là các tiểu thương gặp khó khăn, thua lỗ do không tiêu thụ được nông sản. Nhưng người dân Hòa Bình không nản, mỗi người, mỗi gia đình trong thôn có sự lựa chọn theo hướng khác nhau và đều quyết tâm vượt qua thách thức. Đơn cử như gia đình chị Thào Thị Chấu, năm 2021 đã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, mạnh dạn mua một cặp ngựa bạch, tích cực chăm sóc, sau hơn 1 năm ngựa mẹ đã sinh một ngựa con.

745635575103845ddd12.jpg

Chúng tôi đến gia đình khi chị Chấu đang tất bật dọn chuồng để ngựa mẹ tiếp tục sinh thêm một con nữa. Chị Chấu cười bảo: "Vui lắm! Từ hai con ngựa ban đầu, giờ sắp có một đàn ngựa. Tôi sẽ chăm sóc thật tốt để ngựa khỏe mạnh".

Mặc dù có thương lái đến tận nơi hỏi mua 1 con ngựa với giá 80 triệu đồng nhưng chị không bán mà để tiếp tục nhân giống.

 
3b8f978be4df318168ce.jpg

Nhắc đến may thêu thổ cẩm, người ta sẽ nghĩ ngay đó là công việc của phụ nữ nhưng chàng thanh niên thế hệ gen “Z” Ly Ngọc Anh, sinh năm 2000 ở thôn Hòa Bình lại không nghĩ như vậy. Cũng như chị Chấu, Ngọc Anh vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và vay mượn thêm từ người thân để đầu tư dàn máy may thêu với tổng giá trị hơn 300 triệu đồng. Nói về sự lựa chọn này, Ngọc Anh tâm sự: "Xuất phát từ tình yêu với thổ cẩm truyền thống và nhận thấy xu hướng kinh doanh qua mạng xã hội ngày càng phát triển đã thúc đẩy tôi quyết tâm làm giàu bằng nghề truyền thống".

5.jpg

Với hệ thống máy hiện đại, Ngọc Anh tiết kiệm được chi phí thuê nhân công lao động. Công việc hằng ngày của anh là vận hành hệ thống máy may và tạo ra những sản phẩm thổ cẩm với chi tiết hoa văn cầu kỳ không kém sản phẩm truyền thống, năng suất cao gấp nhiều lần. Nhờ áp dụng công nghệ mà anh vừa có thời gian sản xuất thổ cẩm vừa chăm sóc con, hỗ trợ vợ kinh doanh. Sau hơn 2 năm, công việc ngày càng thuận lợi, mối hàng được mở rộng nhờ kinh doanh trực tuyến giúp anh dần trả nợ số tiền vay ban đầu.

6.jpg

Không chỉ chị Chấu và anh Ngọc Anh, sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều người dân khác ở Hòa Bình không “than nghèo, kể khổ” mà tập trung tìm hướng phát triển kinh tế. Do vậy, cuộc sống ở Hòa Bình sôi động trở lại với nhiều ngành nghề được khôi phục như kinh doanh thực phẩm, may mặc, vận tải...

Trò chuyện một lúc, Bí thư Chi bộ - Trưởng thôn Giàng Seo Sủ cáo bận vì có cuộc hẹn với các hộ dân để hỗ trợ kỹ thuật trồng cây ăn quả. Được biết, vừa qua, thôn có 50 hộ đăng ký trồng cây ăn quả ôn đới, 10 hộ thanh niên đăng ký vay vốn để kinh doanh dịch vụ.

Thời gian qua, cán bộ và Nhân dân thôn Hòa Bình đã thể hiện quyết tâm trong phát triển kinh tế, đa dạng mô hình sản xuất, nâng cao đời sống và có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương. Đây cũng là thôn có thu nhập bình quân cao nhất (35,9 triệu đồng/người/năm) và tỷ lệ hộ khá, giàu cao nhất xã (70%).

Ông Lê Thanh Nghị, Chủ tịch UBND xã Sán Chải

Với khát vọng và ý chí mạnh mẽ, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tin tưởng Hòa Bình sẽ bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

https://baolaocai.vn/khat-vong-hoa-binh-post372994.html

Theo Hữu Huỳnh/LCĐT

Tin Liên Quan

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).

Chuyển 46 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, thị xã khắc phục hậu quả thiên tai

Ban Vận động cứu trợ tỉnh vừa quyết định chuyển 46 tỷ đồng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý đến Ban Vận động cứu trợ các huyện, thị xã để khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3.