Tân Thượng (Văn Bàn) nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Nhờ xây dựng chương trình nông thôn mới, đến nay bộ mặt nông thôn tại nhiều địa phương đã hoàn toàn “thay da đổi thịt”, đời sống của người dân cũng được nâng cao rõ rệt. Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, vì vậy việc phát triển nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao đang là mục tiêu phấn đấu của nhiều xã hiện nay, trong đó có xã Tân Thượng.

Tân Thượng xây dựng mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực.

Thay đổi nhận thức trong xây dựng nông thôn mới

Cách trung tâm huyện Văn Bàn 22km về phía Đông Bắc, trước khi xây dựng nông thôn mới, Tân Thượng là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn, gồm 8 thôn bản, với tổng số 886 hộ, 4.176 nhân khẩu; Có 08 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người Dao chiếm đa số, trên 60%. Trước những năm 2016, giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu là đường mòn (đất), đường rải đá cấp phối. Kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, sản xuất tự phát nên chất lượng, hiệu quả thấp, thu nhập bình quân chỉ đạt 16,500 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 36,18%.

Khi chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai tại xã Tân Thượng, cấp ủy, chính quyền xã xác định: Khó khăn lớn nhất là bà con chưa nhận thức đúng vai trò của mình trong xây dựng nông thôn mới. Từ xác định đó, nhiệm vụ đi trước là phải thực hiện tuyên truyền vận động. Theo đó, việc đầu tiên là sửa chữa và xây dựng lại hệ thống Đài truyền thanh của xã, đảm bảo tại tất cả các thôn đều có hệ thống loa truyền thanh để phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền. Hàng ngày, người dân được nghe tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiều câu chuyện thành công trong xây dựng nông thôn mới ở nơi khác.

Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã đã tích cực tuyên truyền, vận động những già làng, người có uy tín trong đồng bào thuyết phục trước, đến một lần chưa được thì hai lần, ba lần, cho đến khi người dân thấm nhuần mới chuyển đề tài khác. Công tác nêu gương được chú trọng, UBND xã sâu sát cơ sở, tìm ra những gương điển hình tiên tiến, thực hiện nêu gương đúng người, đúng việc, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng với phương châm “việc khó cán bộ làm trước để dân thấy làm theo”.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là lợi ích thiết thực mà chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại. Có 8/8 thôn bản có hệ thống loa truyền thanh đảm bảo chuyền tải các đầy đủ các thông tin kinh tế, văn hóa xã hội đến mọi người dân trên địa bàn xã. Nhờ đó, người dân luôn đồng thuận, hỗ trợ tích cực về sức người, sức của để góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí, nhất là tiêu chí cần nhiều nguồn lực đầu tư và các tiêu chí khó như lao động, môi trường. Tổng nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới là 46.863 triệu đồng, nhân dân đóng góp 12.691 triệu đồng.

Nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Với những nỗ lực của các cấp ủy chính quyền và Nhân dân, đến nay xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn đã hoàn thành 14/19 tiêu chí nông thôn mới theo Quyết định 894/QĐ-UBND ngày 29/4/2022 của UBND tỉnh Lào Cai. Đời sống của Nhân dân từng bước được nâng lên. Các tuyến đường từ trục xã, liên xã, trục thôn, ngõ xóm cơ bản được trải nhựa hoặc đổ bê tông sạch sẽ, hoặc cứng hóa, thúc đẩy giao lưu hàng hóa với các xã khác; hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi đáp ứng nhu cầu đi lại và canh tác, phát triển sản xuất của người dân. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, cơ cấu các ngành kinh tế đến năm 2025, ngành nông, lâm nghiệp chiếm 75%; tiểu thủ công nghiệp - xây dựng chiếm 8%; thương mại - dịch vụ 17%.

Ở mỗi thôn đều có địa điểm sinh hoạt văn hóa bảo đảm cho việc tổ chức sinh hoạt cộng đồng và các hoạt động văn nghệ, thể thao. Nhờ đó, đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, tình làng nghĩa xóm gắn kết. 100% thôn bản có dịch vụ viễn thông, Internet. Hiện nay 100% cán bộ công chức, các ban ngành đoàn thể xã được trang bị máy tính và được kết nối Internet, toàn bộ hệ thống máy trong cơ quan được kết nối nội bộ và xử lý văn bản theo hệ thống. Xã đã được lắp đặt hệ thống truyền hình trực tuyến với huyện, tỉnh. Công tác tổng vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải, cải tạo vườn tạp, chỉnh trang nông thôn tại các thôn đã đi vào nền nếp.

Xã duy trì bền vững chuẩn phổ cập giáo dục các cấp, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở hàng năm đạt 100%; Cơ sở vật chất và các điều kiện dạy và học được tăng cường theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa.

Ngoài tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng xã Tân Thượng còn luôn tập trung nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực đảm bảo bền vững, điển hình như mô hình trồng hồng không hạt. Tân Thượng có 110 ha hồng không hạt. Đây cũng là loại quả được xã Tân Thượng lựa chọn phát triển chủ lực. Năm 2022, đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh với tên gọi hồng ngâm Tân Thượng. Đồng thời thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP, góp phần hỗ trợ người dân thực hiện hiệu quả các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Vũ Xuân Thủy – Bí thư Đảng ủy xã Tân Thượng, đến hết năm 2022 bình quân thu nhập của xã đạt 39,6 triệu đồng/người/năm, dự kiến đến hết năm 2023 đạt 42,6 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo tiêu chí chuẩn nghèo thu nhập. Bên cạnh đó, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao được người dân hưởng ứng tích cực, cho thấy sự phong phú trong đời sống tinh thần của người dân.

Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” và Phong trào thi đua “Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hoá” năm 2023 đã có sức lan tỏa rộng khắp tới các tầng lớp nhân dân, đã được nhiều các hộ gia đình, cá nhân trong và ngoài xã đã đóng góp, ủng hộ.

Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ nông nghiệp. Tăng cường áp dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến và cơ giới hóa trong trồng trọt. Tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, nhằm ổn định đầu ra nông sản để người dân yên tâm sản xuất.

Đảng ủy, chính quyền xã Tân Thượng luôn xác định, tinh thần "Đoàn kết, thống nhất" luôn phải được duy trì và nâng cao hơn nữa. Do đó, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia bàn bạc, thực hiện và giám sát việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch để gia tăng niềm tin của nhân dân, góp phần đưa xã Tân Thượng cán đích nông thôn mới trong thời gian sớm nhất.

Lâm Tú

Tin Liên Quan

Nông dân Bát Xát tích cực hiến đất xây dựng nông thôn mới

Đóng góp tiền của, ngày công lao động, thậm chí chặt bỏ cả đồi quế đang sinh trưởng và phát triển tốt để làm đường giao thông nông thôn đã trở thành phong trào được người dân ở các thôn, bản trên địa bàn huyện Bát Xát tích cực hưởng ứng.

Lào Cai phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới

Trong thời gian vừa qua, du lịch cộng đồng tỉnh Lào Cai đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình du lịch cộng đồng đã hình thành ở nhiều địa phương trong tỉnh, phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách.

Nông dân Lào Cai thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Tại các địa phương trong tỉnh, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi" gắn với xây dựng nông thôn mới diễn ra rộng khắp, nhận được sự hưởng ứng tích cực của hội viên; qua đó, phát huy tính năng động, sáng tạo, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh giỏi, nâng cao tiêu chí thu nhập.

Trao nhà đại đoàn kết - gửi sự yêu thương

Sáng 19/7, Công đoàn Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai phối hợp với Công đoàn Chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại thành phố Hà Nội tổ chức trao hỗ trợ tiền làm nhà mới cho hộ gia đình bà Sùng Thị Sáy, ở thôn Suối Thầu 2 xã Ngũ Chỉ Sơn, thuộc diện hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Tăng cường hoạt động giúp đỡ xã thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024

Vừa qua, UBND tỉnh ban hành văn bản số 1810/UBND-NLN về việc tăng cường hoạt động giúp đỡ xã thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024.

Lào Cai và Yên Bái trao đổi kinh nghiệm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới

Chiều 17/5, tại tỉnh Yên Bái, UBND tỉnh Lào Cai và UBND tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.