Khi người trẻ thực hành văn hóa truyền thống

Hai năm gần đây, các sự kiện, chủ đề văn hóa do người trẻ tổ chức, thực hành nở rộ ở tầm mức chưa từng có. Nhiều hội nhóm và các cá nhân đã chọn con đường giới thiệu, quảng bá, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống đa dạng của dân tộc, để nghệ thuật truyền thống không bị quên lãng.

Các dự án, hoạt động thực hành văn hóa truyền thống này đều là của những người trẻ (thế hệ 8x-9x).

Dù khác nhau về hình thức tổ chức, cách thức thực hiện, nhưng có một điểm chung: Xuất phát từ tình yêu văn hóa truyền thống, muốn dung dưỡng và lan tỏa để tinh hoa văn hóa nghệ thuật truyền thống ngày càng phát triển, ăn sâu vào đời sống đương đại, nhất là trong giới trẻ.

Xu hướng tiếp biến và cả những xung đột văn hóa ở đời sống đương đại khiến cho nhiều người trẻ càng quan tâm đến giá trị văn hóa truyền thống.

Chẳng hạn dự án “Trường ca kịch viện” (một “bảo tàng” trực tuyến về nghệ thuật sân khấu truyền thống và diễn xướng dân gian Việt Nam) đã thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ sau hai năm triển khai.

Thông qua các nền tảng trực tuyến như mạng xã hội Facebook và website, “Trường ca kịch viện” mang đến những thông tin cơ bản về nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam, như: Rối nước, chèo, tuồng, cải lương, hát xẩm, quan họ, chầu văn...

Dự án cũng thường xuyên tổ chức các triển lãm online với các bộ sưu tập hình ảnh và video theo chủ đề, giúp giới trẻ vừa hiểu hơn, vừa được thưởng thức sống động các loại hình sân khấu truyền thống và diễn xướng dân gian đặc sắc của dân tộc.

Hay ở dự án “Lên ngàn”-vở diễn tương tác trên không gian thực, kết hợp nghệ thuật truyền thống, âm thanh điện tử và krumping (khiêu vũ đường phố), lấy cảm hứng từ vở tuồng cổ cùng tên-được trình diễn lần đầu vào năm 2019.

Ê-kíp sáng tạo “Lên ngàn” (nền tảng văn hóa nghệ thuật và sáng tạo đa ngôn ngữ với mục tiêu tôn vinh truyền thống nghệ thuật, sự đa dạng của văn hóa bản địa và sự trân trọng sâu sắc đối với vẻ đẹp, tính thẩm mỹ, cách tân truyền thống), mong muốn tạo ra không gian mới cho nghệ thuật truyền thống, để mỗi khán giả được là một phần của vở diễn; nơi sự sáng tạo mới kết hợp với các giá trị trong quá khứ; nơi công chúng cũng có thể cùng tạo ra các giá trị mới, chia sẻ và tương tác.

Đó là lý do “Lên ngàn” chia sẻ với công chúng những câu chuyện qua các nền tảng âm nhạc, phim, nhạc thể nghiệm, video art, trình diễn..., hướng đến di sản, nghề thủ công, lối sống, những trải nghiệm độc đáo của những người đang gìn giữ chúng.

Những câu chuyện này có thể “nói” với nhiều quốc gia, nhiều chủng tộc và với nhiều lứa tuổi khác nhau.

Còn các dự án của nhóm “Tình Tang+” (nhóm các bạn trẻ hoạt động vì âm nhạc truyền thống Việt Nam) đang thực hiện song song hai chương trình “Cầm đàn” (tìm hiểu về những nhạc khí truyền thống) và “Ca trù 101” (khám phá giá trị tinh hoa cả về âm nhạc, văn hóa của người Việt).

Ở đó là một không gian mới khuyến khích tinh thần “dám thử” và “thử cái mới” trong âm nhạc, gợi mở nguồn cảm hứng đến từ chất liệu Việt Nam, hiện diện trong dáng hình của những thanh âm vừa lạ vừa quen với người trẻ; cùng chia sẻ về ngôn ngữ âm nhạc của mình và các dòng nhạc, kể cả âm thanh bản địa của các vùng văn hóa Tây Bắc, Champa, Cố đô Huế và Tây Nguyên...

Điểm chung ở các dự án thực hành văn hóa của người trẻ nêu trên là đề cao tính trải nghiệm. Họ “rủ”, rồi “mê dụ” khán giả vào việc gìn giữ tinh hoa văn hóa truyền thống một cách tự nguyện. Từ đó, góp phần giúp khán giả hiểu hơn, yêu hơn và yêu dài lâu hơn tinh hoa văn hóa, nghệ thuật truyền thống.

Văn hóa bản địa đang ở trong giai đoạn hồi sinh khi các nghệ sĩ trẻ sử dụng nó để khám phá lịch sử, thẩm mỹ, kết nối thế hệ và kiến tạo một truyền thống mới. Một truyền thống mà họ thuộc về.

Bởi thế, rất cần sự kết nối và chung tay từ nhiều nguồn lực xã hội khác nhau cùng có chung hệ giá trị cộng đồng-văn hóa-nghệ thuật, để kiếm tìm mô hình hoạt động phù hợp thực tế.

Mô hình phải kết hợp hài hòa giữa quảng bá, giáo dục, khám phá, thực hành và sáng tạo văn hóa; vừa phải chứng minh được hiệu quả kinh tế và tính bền vững.

Dù rằng, hiệu quả tích cực nhất, xét đến cùng, chính là sự lan tỏa, làm cho văn hóa truyền thống thâm nhập, bén rễ vào đời sống đương đại một cách tự nhiên và đặc biệt thu hút người trẻ.

Sức hấp dẫn của văn hóa Việt Nam đương đại - ở phần sâu thẳm của nó - chính là những câu chuyện về cá nhân và bản sắc; về quá khứ, hiện tại và tương lai.

Không thật sự hiểu đúng và sâu sắc về quá khứ, về di sản, sẽ dễ rơi vào trạng thái hoang mang khi đứng trước các dòng văn hóa mạnh mẽ đang chảy vào từ bên ngoài.

Hiện nhiều người trẻ đã nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa truyền thống. Nền tảng kỹ thuật số đã tạo cơ hội cho giới sáng tạo có thể kết nối, hợp tác dễ dàng hơn. Tuy nhiên, cần có nhiều không gian vật lý để kết nối cá nhân, cộng đồng văn hóa sáng tạo; tạo cảm hứng cho nghệ sĩ và thu hút khán giả.

Văn hóa vốn dĩ không của riêng cá nhân nào. Ai cũng có thể lựa chọn, chạm vào, sử dụng, thỏa sức thử nghiệm, sáng tạo để kiến tạo truyền thống mới cho tương lai.

Hiện tại chính là kết quả của sự lựa chọn từ quá khứ. Và tương lai chắc chắn là thành quả của sự lựa chọn của mỗi chúng ta từ bây giờ. “Cuốn sổ” ký ức của tương lai vẫn đang mở còn người trẻ đang cầm trên tay “cây bút” để viết nên câu chuyện của mình.

https://nhandan.vn/khi-nguoi-tre-thuc-hanh-van-hoa-truyen-thong-post751431.html

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Sáng mãi tinh thần Bộ đội Cụ Hồ

Cơn bão số 3 được đánh giá là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua; bão số 3 và hoàn lưu của nó để lại hậu quả nặng nề cho các tỉnh, thành phố phía bắc, nhất là Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu cho các cháu thiếu niên, nhi đồng

Nhân dịp Tết Trung thu 2024, ngày 13/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi thư cho các cháu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam ở trong và ngoài nước, các cháu người nước ngoài ở Việt Nam. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước:

Thủ tướng: 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn sau 'siêu bão' lịch sử

Chỉ rõ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn sau "siêu bão" lịch sử Yagi, Thủ tướng yêu cầu ngay trong ngày mai (16/9) trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về khắc phục hậu quả siêu bão số 3, ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.

Quyết tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga

Trả lời phỏng vấn báo chí sau Khóa họp lần thứ 25 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Nga, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko đồng chủ trì, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết hai bên quyết tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phát huy vai trò của Ủy ban liên...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cần có tư duy mới, cách làm mới cho tương lai thế giới

Hưởng ứng sáng kiến của Tổng thống Cộng hòa Namibia Nangolo Mbumba và Thủ tướng Cộng hòa liên bang Đức Olaf Scholz, ngày 12/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi thông điệp ghi hình tới Sự kiện Lời kêu gọi toàn cầu về Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, được tổ chức trực tuyến ngay trước thềm Hội...

Không để hàng hóa tăng giá bất hợp lý sau bão

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trong thời gian sau bão.